Người dân Mexico biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ

Thứ Ba, 14/02/2017, 09:02
Hồi cuối tuần qua, hàng chục ngàn người Mexico tại hơn 20 thành phố trên toàn quốc đã đổ xuống đường biểu tình phản đối tân Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới chính sách nhập cư và kế hoạch xây bức tường ngăn biên giới giữa Mỹ và Mexico, cũng như cam kết của vị tân chủ nhân Nhà Trắng bắt chính quyền Mexico phải chi trả cho bức tường này.

Người biểu tình cũng phản đối cả Tổng thống nước chủ nhà Pea Nieto vì cho rằng, nhà lãnh đạo này đã điều hành kém trong cuộc chiến chống tham nhũng và bạo lực trong nước.

Các cuộc biểu tình hôm 12-2 (giờ địa phương) được xem là sự thể hiện đoàn kết hiếm hoi ở một quốc gia có sự phân cực chính trị mạnh mẽ như Mexico. Theo truyền thông địa phương, chỉ tính riêng ở hai thành phố lớn nhất là thủ đô Mexico City và Guadalajara, đã có tổng cộng khoảng 30.000 người tham gia biểu tình.

Ngoài ra, hàng nghìn người khác cũng tham gia biểu tình tại các thành phố Monterrey, Merida và Morelia, mặc dù một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch trước tại thành phố biên giới Tijuana không diễn ra.

Hàng chục ngàn người Mexico xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters.

Để dễ dàng phân biệt, các nhà tổ chức biểu tình đặt tên cho hai cuộc biểu tình lần lượt là “Vibra Mexico” (Rung cảm Mexico) diễn ra ở Mexico City và 27 thành phố khác; “Mexicanos Unidos” (Người Mexico đoàn kết) diễn ra ở thủ đô Mexico City. Tại Mexico City, cả hai cuộc biểu tình đều bắt đầu từ 12h (giờ địa phương) từ hai địa điểm khác nhau, “Vibra Mexico” từ Nhà hát Quốc gia và “Mexicanos Unidos” từ Tượng đài cố Tổng thống Mexico Benito Juarez, và hội tụ vào hồi 14h tại tượng Nữ thần Độc lập.

Đoàn người biểu tình giơ cao quốc kỳ và nhiều biểu ngữ có nội dung phản đối ông Trump được in bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, như “Mexico phải được tôn trọng, thưa ông Trump”, “Trump, ông làm giảm giá trị của nước Mỹ”, “Chúng tôi không muốn những cây cầu hay những bức tường”, “Hãy tự trả tiền cho bức tường của ông” …

Các nhà tổ chức biểu tình cho biết, thông qua các cuộc biểu tình, họ muốn gửi đi thông điệp rằng, Mexico sẽ đoàn kết để phản đối các chính sách đó của ông Trump. Trong một tuyên bố, họ nêu rõ quan điểm: “Đã đến lúc người dân chúng tôi phải tập hợp lực lượng và đoàn kết lại những tiếng nói để bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối của chúng tôi với Tổng thống Trump, trong khi vẫn tiếp tục đóng góp trong việc tìm kiếm những giải pháp chắc chắn”.

Một trong những nhà tổ chức, bà Maria Amparo Cassar bày tỏ, Tổng thống Trump đã biến Mexico và người Mexico ở Mỹ trở thành “mục tiêu ưa thích của ông ấy”. “Chính sách (nhập cư) của ông Trump là một sự đe dọa toàn cầu, chống lại sự đa dạng, và là một sự đe dọa đặc biệt đối với Mexico”, bà Cassar nói và nhấn mạnh: “Nên nhớ rằng, xã hội Mỹ được tạo nên nhờ người nhập cư và tiếp tục được duy trì nhờ người nhập cư”.

Không chỉ phản đối ông Trump, người biểu tình còn phê phán cả Tổng thống Nieto, chỉ trích ông là một nhà lãnh đạo yếu đuối trong bối cảnh đất nước tràn lan tham nhũng và tội phạm.

Liên quan tới sắc lệnh cấm người nhập cư đến từ các quốc gia có đông người Hồi giáo, sau khi sắc lệnh ban đầu vấp phải những trở ngại pháp lý, tân Tổng thống Mỹ cho rằng ông còn rất nhiều sự lựa chọn, bao gồm việc ký một sắc lệnh hoàn toàn mới. Nhà Trắng hôm 12-2 cũng đã xác nhận việc này.

Trợ lý Tổng thống Mỹ, ông Stephen Miller nêu rõ chính quyền mới tại Washington “đang dự tính tiến hành một số biện pháp mới cũng như biện pháp bổ sung để đảm bảo rằng, nhập cư không phải là một phương tiện để Mỹ tiếp nhận các đối tượng thù địch với đất nước và những giá trị Mỹ... Đây là một thông điệp mà hôm nay tôi muốn thế giới lắng nghe. Quốc gia này sẽ bảo vệ các đường biên giới và người dân của mình”.

Ông Miller cũng khẳng định Tổng thống có quyền ngăn cản một số đối tượng vào Mỹ và quyền lực của Tổng thống trong vấn đề này là không phải bàn cãi. Còn về bức tường ngăn biên giới giữa Mỹ và Mexico, theo số liệu trong báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) được công bố hôm 9-2, chi phí để xây dựng bức tường này có thể lên tới khoảng 21,6 triệu (USD), cao hơn nhiều so với tuyên bố 12 tỷ USD trước đó của ông Trump cũng như ước tính của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell là 15 tỷ USD, và mất 3 năm để hoàn thành.

Giải thích cho việc giá cả bị đội lên quá cao, DHS cho biết là do giá đất ở khu vực triển khai dự án có những biến động thời gian gần đây. Theo giới phân tích, chi phí xây dựng hay địa hình hiểm trở không phải là trở ngại quá lớn đối với chính quyền Tổng thống Trump khi xây dựng bức tường ngăn cách ở khu vực biên giới với Mexico mà là chính những trận chiến pháp lý liên quan đến bức tường này mới là rào cản lớn nhất.

Tỷ lệ người dân Mỹ hài lòng với tân Tổng thống sụt giảm

Kể từ khi chính thức nắm quyền điều hành nước Mỹ vào ngày 20-1, tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với tân Tổng thống Donald Trump đã sụt giảm tới 40%. Một khảo sát của Viện Gallup diễn ra hai ngày sau khi ông Donald Trump nhậm chức cho thấy tỷ lệ hài lòng của dân Mỹ đối với cách thức tân chủ nhân Nhà Trắng thực thi nhiệm vụ là 45%, tương đương với tỷ lệ không hài lòng.

Tuy nhiên, theo các khảo sát gần do hãng Sputnik (Nga) tổng hợp lại, khoảng cách này hiện đã bị nới rộng khi có tới 55% trong số 1.500 người tham gia khảo sát trả lời rằng họ không tán thành cách nhà lãnh đạo này thể hiện. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump chỉ còn là 40%.

Khổng Hà
.
.
.