Nga tiếp tục phủ quyết nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria

Chủ Nhật, 19/11/2017, 00:02
Hôm 17-11 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã không thể thông qua nghị quyết gia hạn điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hồi tháng 4-2017, sau khi Nga sử dụng quyền phủ quyết. Đây là lần thứ 11, Moscow dùng tới quyền phủ quyết của mình để phản đối những hành động của HĐBA nhắm vào Damascus.

Nghị quyết trên được Nhật Bản soạn thảo với nội dung chính nhằm gia hạn Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học tại Syria (JIM) thêm 30 ngày. Dù được 12 thành viên hội đồng bỏ phiếu ủng hộ nhưng dự thảo nghị quyết đã không được thông qua do Nga phủ quyết, Trung Quốc và Ai Cập bỏ phiếu trắng. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết, Moscow chỉ đồng ý gia hạn JIM khi các thiếu sót “cơ bản được khắc phục”.

Phía Nga cho rằng, JIM đang hoạt động dựa trên “những lời cáo buộc vô căn cứ” nhằm vào Chính phủ Syria. Tuy nhiên, Moscow cũng đề xuất gia hạn JIM, song kèm theo yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra mới về vụ tấn công ngôi làng Khan Sheikhun do phe đối lập Syria kiểm soát.

Cuộc họp của HĐBA LHQ hôm 17-11. Ảnh: Reuters

Quyết định của Nga đã nhận được sự ủng hộ từ phía Bolivia, quốc gia cũng bỏ phiếu phản đối nghị quyết trên. Đại diện thường trực của Bolivia tại LHQ Sacha Llorenti chỉ ra rằng, vẫn còn có nhiều khác biệt giữa các thành viên HĐBA để có thể đồng nhất về vấn đề mấu chốt: củng cố cơ chế điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Chia sẻ quan điểm này, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Ngô Hải Đào nhấn mạnh: Bất kỳ hành động nào của HĐBA LHQ cũng cần phải tập trung vào tiến trình chính trị tổng thể tại Syria. Các bên cần phải giữ bình tĩnh, kiềm chế và tìm ra một giải pháp phù hợp có thể được tất cả các bên chấp nhận thông qua. Vị quan chức này đồng thời lưu ý rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều khác biệt giữa các bên về JIM.

 Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tỏ ra khá chán nản: “Nga có các lý do để không ủng hộ cơ chế mà chính Nga đã tham gia thành lập vì Moscow không hài lòng với các kết luận khoa học của ủy ban điều tra”.

Nhà Trắng thì cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án việc Nga phủ quyết một nghị quyết của LHQ để tiếp tục JIM, nhằm bảo vệ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khỏi phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học.

Thông cáo cho rằng, hành động của Nga đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng, Moscow không coi trọng mạng sống của các nạn nhân trong những vụ tấn công vũ khí hóa học, hoặc tôn trọng các tiêu chuẩn hợp lý mà cộng đồng quốc tế tiến hành liên quan đến việc sử dụng những vũ khí này.

Giống như Mỹ, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng lên tiếng phản đối việc Nga bỏ phiếu phủ quyết dự thảo này. Sau khi Nga phủ quyết, HĐBA đã tổ chức họp kín theo yêu cầu của Thụy Điển để tìm cách duy trì hoạt động của cơ chế này.

Vụ không kích do Quân đội Chính phủ Syria thực hiện hôm 4-4 vừa qua nhằm vào mục tiêu do phe đối lập kiểm soát tại trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc, đã gây ra nhiều tranh cãi khi các nước phương Tây cáo buộc Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Chính quyền Syria luôn bác bỏ các cáo buộc này và nhấn mạnh chưa bao giờ sử dụng các chất độc hóa học ở bất cứ thời điểm và địa điểm nào và cũng sẽ không bao giờ làm điều này trong tương lai. Nga cũng đã kịch liệt chỉ trích những cáo buộc cho rằng không quân Syria đã dùng khí độc gây tê liệt thần kinh tấn công ngôi làng Khan Sheikhun.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc đó tuyên bố “đây là những thông tin sai lệch”, đồng thời nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, đó đơn giản chỉ là một sự khiêu khích. Tổng thống Assad không sử dụng vũ khí hóa học” và nói thêm rằng “tất cả những việc đó được thực hiện bởi những ai muốn đổ lỗi cho ông ấy”.

Chỉ 3 ngày sau, 7-4, Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk, coi đây là hành động đáp trả vụ việc hôm 4-4. Nga đã gọi đây là một “hành động xâm lược với cái cớ bịa đặt”.

Đại diện thường trực Nga tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), ông Alexander Shulgin nhấn mạnh sự liên quan giữa vụ việc ở Idlib và Shayrat là do chính người Mỹ tạo ra khi họ tuyên bố các máy bay Syria đã xuất phát từ sân bay này, do đó việc xác định xem chất độc thần kinh sarin và các vũ khí hóa học khác có được lưu trữ lại đó hay không là điều hoàn toàn cần thiết.

Vị quan chức này nói: “Quan điểm của chúng tôi là các nước phương Tây đang hành động cực kỳ mâu thuẫn... Tôi cho rằng, người Mỹ có thể đang che giấu điều gì đó khi họ kiên quyết muốn không đưa sân bay Shayrat vào cuộc điều tra này. Có thể họ biết từ đầu rằng, không có vũ khí hóa học nào ở đó, và tất cả điều này là chỉ được sử dụng như một cái cớ”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.