Nga, Trung Quốc đề xuất giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Ba, 22/08/2017, 08:29
Ngày 21-8, theo đúng như kế hoạch, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người bảo vệ Ulchi” (UFG), kéo dài tới ngày 31-8, với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ hai nước.


CHDCND Triều Tiên ngay lập tức đã lên án động thái này là hành động “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang gia tăng.

Trong bài xã luận được đăng tải cùng ngày, Nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cho rằng, các bước đi của Mỹ nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt tồi tệ nhất đối với Bình Nhưỡng và tiến hành các hành động khiêu khích quân sự đã khiến tình hình trong khu vực trở nên đặc biệt căng thẳng.

Rodong Sinmun nêu rõ: “Cuộc tập trận chung này thể hiện rõ ràng thái độ thù địch và không ai có thể đảm bảo rằng cuộc tập trận này sẽ không dẫn đến một cuộc chiến thật sự”.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc ngày 21-8 đã bắt đầu cuộc tập trận chung UFG.

Trước đó, đã nhiều lần Rodong Sinm cùng Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến mức “thảm họa” khi tiến hành cuộc tập trận quân sự chung này.

Đáp lại tuyên bố từ phía CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh cuộc tập trận UFG là hoạt động phòng thủ thuần túy được tiến hành hằng năm để kiểm tra mức độ sẵn sàng phòng thủ nhằm bảo vệ đời sống và tài sản con người của đất nước, đồng thời khẳng định Seoul và Washington không hề có ý định làm gia tăng tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi Bình Nhưỡng không dùng cuộc tập trận này “làm cái cớ để tiến hành các hoạt động khiêu khích”, khiến tình hình trầm trọng hơn: “CHDCND Triều Tiên không nên phóng đại nỗ lực giữ gìn hòa bình của chúng tôi hay lấy cuộc tập trận làm cái cớ để kích động khiến tình hình thêm tồi tệ hơn. Bình Nhưỡng phải hiểu rằng, chính vì các hành động khiêu khích liên tục của họ mà Hàn Quốc và Mỹ phải tiến hành các cuộc tập trận phòng vệ”.

Trong khi đó, về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết cuộc tập trận UFG giữa quân đội hai nước Mỹ và Hàn Quốc đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước và trọng tâm năm nay là các chiến dịch tích hợp, đồng thời khẳng định rằng, xuất phát từ nhu cầu cần ít quân số hơn nên Mỹ giảm lực lượng tham gia cuộc tập trận này với Hàn Quốc, chứ không phải vì căng thẳng với CHDCND Triều Tiên.

Theo số liệu do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố, tham gia UFG năm nay chỉ có khoảng 17.500 binh sĩ Mỹ tham gia, thấp hơn 7.500 so với năm ngoái và phía Hàn Quốc có 50.000 binh sĩ.

Bộ trưởng Mattis nói thêm rằng: “CHDCND Triều Tiên nên biết rằng, cuộc tập trận này hoàn toàn là những bài tập mang tính chất phòng thủ. Cuộc tập trận này được tiến hành thường niên trong nhiều năm nay với những bài tập đã được tính toán mà không cho phép bất cứ sai lầm nào. Tôi muốn cuộc tập trận được minh bạch khi cho phép chứng kiến cuộc tập trận”.

Mặc dù Mỹ và Hàn Quốc ra sức khẳng định UFG chỉ mang tính phòng vệ và phần lớn là các hoạt động giả lập trên máy tính nhưng vẫn dấy lên mối quan ngại rằng, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên có thể bùng nổ vì vào thời điểm này, Bình Nhưỡng rất nhạy cảm trước các động thái quân sự, khiến mọi việc có thể vượt quá tầm kiểm soát.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Nga và Trung Quốc đã đưa ra đề xuất để giảm căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên, theo đó Mỹ và Hàn Quốc phải ngừng các cuộc tập trận chung trong khi CHDCND Triều Tiên phải ngừng các vụ thử tên lửa, hạt nhân.

Trong một diễn biến liên quan, trong báo cáo trình Quốc hội cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh nước này sẽ nỗ lực khôi phục lại các kênh liên lạc hiện đang tạm ngưng với CHDCND Triều Tiên.

Báo cáo nêu rõ: “Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực vào việc nối lại các cuộc đàm phán quân sự và đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh được đề xuất trước đây với CHDCND Triều Tiên. Chính phủ cũng sẽ tìm kiếm các cuộc đối thoại trên các lĩnh vực, trong đó có cả việc thảo luận về khả năng Bình Nhưỡng cùng tham gia Đại hội Thể thao Olympic mùa Đông PyeongChang sắp tới với Hàn Quốc”.

Đây là một phần của sáng kiến hòa bình do Tổng thống Moon Jae-in công bố tại hồi đầu năm. Tuy nhiên, đến nay phía CHDCND Triều Tiên vẫn chưa đưa ra lập trường nào về đề nghị này.

Khổng Hà
.
.
.