Mỹ đối đầu Trung Quốc trên mặt trận mới

Thứ Bảy, 29/09/2018, 10:51
Các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 27-9 nhận định rằng cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử giữa kỳ sắp tới đã đánh dấu không chỉ là một nấc thang mới trong căng thẳng giữa hai nước mà còn là giai đoạn mới trong chiến dịch gia tăng áp lực với Bắc Kinh mà Washington đang theo đuổi.

Trong thời gian gần đây, báo chí quốc tế đã tốn không ít giấy mực, các chuyên gia cũng đau đầu vì những màn “ăn miếng trả miếng” áp thuế quan giữa hai siêu cường kinh tế thế giới Mỹ-Trung. Thế nhưng, có vẻ như Tổng thống thứ 45 của Mỹ chưa muốn dừng lại ở những mức thuế khổng lồ dành cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày 26-9 (giờ Mỹ), trong lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) kể từ khi trở thành Tổng thống, ông Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang tìm cách can thiệp cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 6-11 tại Mỹ, khẳng định Bắc Kinh không muốn đảng Cộng hòa giành chiến thắng vì quan điểm cứng rắn của ông đối với vấn đề thương mại giữa hai nước, theo Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng LHQ.  Ảnh Reuters.

“Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ, chống lại chính quyền của tôi”, ông Trump phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 26-9 trong phiên họp về việc ngăn chặn sự gia tăng của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy vậy, ông Trump lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Hành động cụ thể duy nhất từ phía Trung Quốc mà ông Trump viện dẫn trong cáo buộc ngày 26-9 là việc Bắc Kinh “sắp đặt các quảng cáo tuyên truyền” trên báo Mỹ.

Sau bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Trump lên Twitter cáo buộc công ty truyền thông của Trung Quốc quảng bá về lợi ích chung của thương mại Mỹ-Trung trải rộng trên 4 trang của Sunday Des Moines Register, một tờ nhật báo ở Des Moines của bang Iowa. Bang này đã bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng nông dân ở đây lại đang phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. “Chúng tôi không và sẽ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi từ chối chấp nhận các cáo buộc vô căn cứ nhắm vào Trung Quốc”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu.

Cáo buộc lần này của ông Trump nhằm vào Trung Quốc được đưa ra một cách bất ngờ, cho thấy một sự “chuyển mình nhẹ” trong cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người trước nay vốn được coi là có cái nhìn khắt khe với Trung Quốc, cũng có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Tổng thống Trump đưa ra cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Theo Reuters dẫn lời hai quan chức cấp cao của Mỹ, cách tiếp cận này không còn giới hạn trong cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà sẽ xoáy sâu vào cả những vấn đề nhạy cảm khác giữa hai nước.

Chiến lược mới này đang ở giai đoạn hình thành nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ sớm đưa ra các hành động chính sách nhằm vào Trung Quốc trong những tuần tới, dù chưa biết cụ thể đó là gì. Thêm nữa, ngày càng nhiều quan chức trong Nhà Trắng cho rằng ông Trump cần phải sớm đưa ra một lời cảnh báo ở cấp cao rằng Trung Quốc là một đối thủ mạnh khác, bên cạnh Nga, đang phát động “chiến tranh tổng hợp” (bao gồm nhiều cuộc chiến trên các mặt trận chính trị, không gian mạng…) gây tổn hại cho các lợi ích của Mỹ.

Cáo buộc ngày 26-9 của ông Trump cũng vướng phải nghi vấn rằng liệu đây có phải một cách nhằm hướng lái sự chú ý của dư luận khỏi cuộc điều tra đội ngũ tranh cử của ông năm 2016 có câu kết với Nga hay không, đồng thời gán trách nhiệm cho Trung Quốc trong trường hợp đảng Cộng hòa không đạt được kết quả như kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng vào tháng 11 tới.

Cùng với chiến tranh thương mại, Washington mới đây đã quyết định trừng phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc và giám đốc cơ quan này vì mua chiến cơ và hệ thống tên lửa từ Nga vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. Bắc Kinh sau đó đã triệu Đại sứ Mỹ Terry Brandstad đến để chỉ trích và hoãn đối thoại quân sự giữa hai nước. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng những diễn biến mới trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ chuyển thành một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.

Charles Hankla, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học George của Mỹ cho rằng, nếu có, đó sẽ không phải là kiểu chiến tranh lạnh như giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến thứ hai bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự tồn tại của các cường quốc khác sẽ khiến nó trở nên khác biệt.

Chính quyền của Tổng thống Trump đang có những chính sách cứng rắn hơn nhằm vào Trung Quốc trên nhiều mặt trận. “Chúng tôi đang ở thời điểm có thể bắt đầu hành động với các biện pháp gia tăng áp lực trên mọi phương diện, đặc biệt là về vấn đề thương mại”, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ chia sẻ với Reuters.

Có thể thấy, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dù chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì đã “sốt” trở lại và còn có thể lan sang các lĩnh vực khác, ngoài thương mại. Theo nhận định của giới quan sát, sẽ tốt hơn cho Mỹ nếu có thể tránh được mối quan hệ đối đầu với Trung Quốc. Bảo vệ lợi ích của mình là điều chính đáng, nhưng một cuộc chiến leo thang mà chẳng ai biết nó sẽ dẫn tới đâu, sẽ không có lợi cho bất cứ ai.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.