Mỹ-Trung bước vào chiến tranh lạnh mới?

Thứ Tư, 06/05/2020, 09:41
Giới quan sát nhận định rằng, leo thang căng thẳng đáng kể trong quan hệ Mỹ-Trung những ngày gần đây đã khiến mối quan hệ song phương hiện đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua.


Trong tuần qua, chính quyền Trump đã đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn một và tăng thuế đối với Trung Quốc nếu nước này không thực hiện cam kết mua 200 tỷ USD hàng hoá của Mỹ, ủng hộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mở rộng đối với các công ty Trung Quốc mua sản phẩm công nghệ Mỹ và liên tục cáo buộc virus SARS-CoV-2 là do con người tạo ra và xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Cùng với đó, Nhà Trắng cũng đang ủng hộ cho một sáng kiến thực hiện với nhóm nước có quan hệ tối với Mỹ để chuyển sự phụ thuộc về sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Sự lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể cứu vãn mối quan hệ song phương đã bắt đầu mờ dần sau hậu quả của đại dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Knowledge @ Wharton)

Theo bản tin AP phát đi ngày 3/5, báo cáo tình báo đề ngày 1/5 của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã cố tình che đậy mức độ nghiêm trọng của của đại dịch COVID-19 trong đầu tháng 1 năm nay để tích trữ thiết bị y tế.

Tuy nhiên, với chiến lược ngoại giao “chiến lang”, giới lãnh đạo Trung Quốc đã và đang đáp trả các ý kiến chỉ trích đầy mạnh bạo và thường đi kèm với thái độ tức giận. Nó được thúc đẩy không chỉ bởi truyền thông nhà nước mà còn nhờ hàng loạt nhà ngoại giao thường xuyên truyền những thông điệp tích cực về cách Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh tới các "khán giả" nước ngoài thông qua nền tảng mạng xã hội như Twitter hay Facebook.

Các nhà phân tích nhận định rằng, đến hiện tại, những tín hiệu khả quan về quan hệ Mỹ-Trung là một điều xa xỉ, khi mà những tia sáng len lói từ thỏa thuận thương mại giai đoạn một được “thắp” lên hồi tháng 1 giờ lại đang mờ dần sau tuyên bố huỷ bỏ thoả thuận của ông Trump hôm 4/5 vừa qua.

“Mỹ và Trung Quốc thực sự đang bước vào kỷ nguyên của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Shi Yinhong, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân và là cố vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhận định.

“Khác với chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc có sự cạnh tranh toàn diện và mọi chuyện đã thay đổi quá nhanh. Mối quan hệ Mỹ-Trung không còn giống như vài năm trước, thậm chí cũng chẳng còn được như vài tháng trước”, giáo sư Shi Yinhong cho hay.

Reuters ngày 4/5 dẫn báo cáo của Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc cho hay làn sóng chống Trung Quốc trên thế giới trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đang ở mức cao nhất kể từ năm 1989, với trọng tâm là việc các nước gia tăng chỉ trích Trung Quốc về việc cho rằng nước này che giấu nguồn gốc dịch bệnh và yêu cầu một cuộc điều tra công khai. Việc Trung Quốc nắm vị thế rất quan trọng trong cung cấp trang thiết bị y tế toàn cầu cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp tính đến việc muốn độc lập khỏi Trung Quốc.

Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Lian An, ông Yu Wanli, đồng thuận rằng quan hệ Mỹ-Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất tính từ sự kiện Thiên An Môn. 

“Tôi đã luôn lạc quan về mối quan hệ Mỹ-Trung, nhưng thời gian gần đây thì không được như vậy nữa. Trước đây, bạn luôn có thể tìm được tiếng nói chung giữa cả hai, nhưng điều đó là không thể dưới thời Tổng thống Trump”, ông Yu nói, đồng thời nhắc đến khảo sát gần đây do Pew thực hiện với khoảng 1.000 người Mỹ, trong đó 66% người trả lời nói rằng họ có “quan điểm bất lợi” về Trung Quốc.

Bầu không khí căng thẳng Mỹ-Trung thậm chí còn xấu hơn so với thời điểm năm 2018 và 2019, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong nỗ lực đưa ra biện pháp thay đổi cấu trúc với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cao Trung (Theo SCMP)
.
.
.