Mỹ - Trung bắt đầu đợt áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa của nhau

Thứ Ba, 03/09/2019, 08:05
Một đợt thuế bổ sung của Mỹ và Trung Quốc áp với hàng hóa của nhau đã chính thức có hiệu lực vào 4h01 (giờ GMT – 11h01 giờ Việt Nam) ngày 1-9.


Đây là động thái đánh dấu sự leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù hai bên phát đi tín hiệu nối lại đàm phán. Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ nhấn mạnh “công cụ thuế quan hiện tại không có hiệu quả” trong lúc chỉ gây ra hậu quả tiêu cực.

Tại đợt thuế bổ sung này, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe hồng ngoại Bluetooth và nhiều loại giày dép. Đây cũng là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm áp thuế bổ sung 15% đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ nay cho đến cuối năm 2019. Một khi có hiệu lực trên thực tế, gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc vào Mỹ trị giá lên đến 550 tỷ USD sẽ đều là đối tượng của các biện pháp trừng phạt.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng trong hơn 5.000 sản phẩm có nguồn của Mỹ. Trung Quốc sẽ áp thuế thêm với số hàng hóa còn lại từ ngày 15-12. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.

Những động thái mới nhất của Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai bên đã phát đi tín hiệu sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại khi hai siêu cường kinh tế này thảo luận về kế hoạch cho vòng đàm phán trực tiếp trong tháng 9 này. Hôm 30-8, Tổng thống Donald Trump khẳng định Trung Quốc muốn tiến đến một thỏa thuận, khi quốc gia châu Á này đang mất hàng triệu việc làm dưới sức ép từ hàng rào thuế quan của Mỹ.

Trong khi đó, phát biểu từ Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhấn mạnh, cuộc chiến thương mại không có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ. Theo ông, điều quan trọng nhất lúc này là hai nước tạo các điều kiện cần thiết để hai bên tiếp tục đàm phán. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, hai nước đã thảo luận về vòng đàm phán trong tháng 9, song nhấn mạnh điều quan trọng đối với Washington là hủy bỏ chương trình tăng thuế.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, cả Mỹ và Trung Quốc hiện đều trong tình trạng “lưỡng bại câu thương”. Nhà phân tích Chris Rogers của Công ty Dữ liệu thương mại Panjiva (Mỹ) cho biết, những số liệu họ thu thập được gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bị trúng đòn bởi thương chiến với Mỹ, như xuất khẩu bằng đường biển từ Trung Quốc đến Mỹ trong tháng 7 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng nói thế không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không bị vạ lây từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Các nhóm công nghiệp Mỹ hôm 28-8 đã cảnh báo biện pháp tăng thuế mới của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến công ăn việc làm bị tổn hại và làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Ngoài ra, khoảng 160 nhóm thương mại khác tại Mỹ, trong đó có nhà sản xuất phần mềm và hàng điện tử, nhà bán lẻ… thúc giục ông chủ Nhà Trắng từ bỏ chiến lược thuế quan, đồng thời cảnh báo về tình trạng giá cả gia tăng và niềm tin người tiêu dùng sụt giảm.

Riêng Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ đồng ý với đòi hỏi rằng Trung Quốc cần thay đổi các hoạt động thương mại không công bằng, nhưng nhấn mạnh “công cụ thuế quan hiện tại không có hiệu quả” trong lúc chỉ gây ra hậu quả tiêu cực.

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang diễn ra vô cùng căng thẳng.

Trong khi đó, đài CNBC cho rằng, đã xuất hiện dấu hiệu cảnh báo mới về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái khi giới nhà giàu cắt giảm chi tiêu đối với mọi thứ, từ nhà cửa cho đến trang sức. Theo Công ty Bất động sản Redfin (Mỹ), doanh số bán các căn nhà có giá từ 1,5 triệu USD trở lên đã giảm 5% tại Mỹ trong quý II-2019. Nếu tầng lớp lắm tiền nhiều của tiếp tục siết chặt hầu bao, nền kinh tế Mỹ có thể bắt đầu cảm nhận “nỗi đau”".

Nỗi lo này càng tăng khi một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc thương chiến lâu dài với Mỹ, khi vừa không đặt mục tiêu nhanh chóng đạt thỏa thuận với Mỹ, vừa không trả đũa Washington mạnh nhất đến mức có thể.

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp đòn thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bloomberg nhận định rằng, Bắc Kinh đang ở thế “thủ” để sẵn sàng đối phó với tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Nhìn chung, khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận là khó xảy ra vào thời điểm hiện nay do mỗi bên đều vướng phải những sức ép riêng trong nước.

Có lẽ, không ai ngoài bản thân chính quyền Bắc Kinh bất ngờ trước tin tức cho rằng Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại. Theo giới chức Trung Quốc am hiểu vấn đề, sau những tín hiệu rối rắm cuối tuần qua, uy tín của ông Donald Trump đã trở thành một rào cản lớn để Trung Quốc đạt được một thỏa thuận lâu dài với Mỹ. Chỉ một vài nhà thương lượng ở Bắc Kinh cho rằng có thể đạt được một thỏa thuận nào đó trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Trong bình luận trước báo giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Pháp hồi cuối tháng 8, ông Donald Trump cho biết, giới chức Trung Quốc đã gọi điện cho “những nhân vật đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ” và đề nghị “hãy cùng nhau quay lại bàn đàm phán”. Những lần xuất hiện sau này trước báo giới, Tổng thống Mỹ coi lời yêu cầu này của Bắc Kinh là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã rất “thèm muốn” ký kết một thỏa thuận. Ông nói: “Trung Quốc đã chịu tổn hại nặng nề, song họ nhận ra đây là việc đúng đắn cần làm”.

Bên cạnh đó, ở Mỹ, ông Donald Trump dường như muốn cho cử tri thấy một thành công mang tính quyết định của ông, tức Trung Quốc đầu hàng vô điều kiện trong cuộc chiến này, để tối đa hóa vị thế chính trị nhằm tái đắc cử vào năm 2020. Ví dụ, người đứng đầu Nhà Trắng đã tán dương việc Mỹ thu được hàng tỷ USD từ doanh thu thuế mới nhờ đòn thuế quan đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, coi đây là bằng chứng Mỹ đang “thắng”, mặc dù người tiêu dùng Mỹ cũng hứng chịu giá hàng hóa tăng cao.

Trong khi đó, ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chẳng hơn gì khi phải chịu sức ép từ công chúng để chứng minh rằng Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ cản trở con đường phát triển chính trị và kinh tế của mình.

Theo Bloomberg, hiện hai bên được cho là sẽ nối lại các cuộc đàm phán vào tháng 9 tới. Theo quan điểm của Trung Quốc, tiến triển đàm phán phần lớn phụ thuộc vào những tính toán chính trị của Tổng thống Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Còn theo ông Charles Liu, từng là nhà đàm phán kinh tế với phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc, điều duy nhất được cho là đã thay đổi chính là việc ông Donald Trump, chứ không phải Trung Quốc, đang chịu sức ép to lớn để đạt được một thỏa thuận. 3 quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay, nước này đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch phòng ngừa trong trường hợp không tiến tới thỏa thuận với Mỹ, bao gồm việc đưa các công ty Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giới chức Bắc Kinh vẫn sẵn sàng tham gia đối thoại, song họ đồng thời đang tách Trung Quốc khỏi sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Tim Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc cho rằng, việc chia tách này đang diễn ra trên thực tế vì các công ty Trung Quốc phải có các kế hoạch thay thế khi tồn tại quá nhiều điều bất ổn.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.