Mỹ - Triều đã có những cuộc họp tốt đẹp, mang tính xây dựng tại Hà Nội
Hẹn các cuộc gặp tới
Ngày 28-2, một số lượng lớn các hãng thông tấn và báo chí quốc tế, nổi bật như CNN, Reuters, The Guardian, Yonhap, AP đã liên tục cập nhật tin tức và ghi hình trực tiếp về tiến trình hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại khách sạn Sofiel Metropole, Hà Nội.
Trong bài viết được đăng tải ngay sau khi hội nghị kết thúc, Fox News – kênh tin tức nổi tiếng của Mỹ đã nêu bật tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, theo đó khẳng định: “Dù không có thỏa thuận nào đạt được trong lần này, nhưng các bên mong chờ sẽ gặp lại trong tương lai. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc họp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam”.
Còn với CNN, trang này nhận định, đây là một bước đi mới cho hành trình dài hơi hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. The New York Times khéo léo mượn lời của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho tiêu đề của bài viết mới nhất: “Nếu không sẵn phi hạt nhân hóa, tôi đã không ở đây”, từ đó nhấn mạnh những tín hiệu tích cực về phi hạt nhân hóa sẽ vẫn tiếp tục sáng lên kể cả khi hội nghị thượng đỉnh khép lại.
Trong bài viết đăng trên trang chủ chiều 28-2, hãng thông tấn Reuters đã trích lời ông Lim Soo-ho, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết, việc không có thỏa thuận nào không phải là điều bất ngờ. Thế nhưng, không có thỏa thuận nào ngày hôm nay không đồng nghĩa rằng sẽ không có thỏa thuận nào trong những tháng tới.
Nhất trí với quan điểm này, tờ Deustche Welle dẫn lời ông Akira Kawasaki, thành viên của ICAN (Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân) nhận định: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy cuộc đàm phán lần này bị đổ bể. Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy những Hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”.
Hãng AP, trên một bình diện khác, nhìn nhận rằng Hội nghị thượng đỉnh đã phản ánh phong cách đàm phán của hai nhà lãnh đạo cũng như mối quan hệ đang dần khăng khít hơn giữa họ. AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh mối quan hệ giữa ông và Chủ tịch Kim Jong-un vẫn tiếp tục nồng ấm, nhấn mạnh rằng các tiến trình đã được thực hiện và bày tỏ hy vọng cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
CNN trong bài viết của mình cũng nhắc đến “phản ứng hóa học” giữa hai nhà lãnh đạo khi họ gặp nhau tại khách sạn Metropole, đề cao bầu không khí thân thiện, cởi mở được thiết lập trong khuôn khổ hội nghị.
Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Ảnh: CNN. |
Nổi bật vai trò của nước chủ nhà
“Đã đến lúc áp dụng khuôn khổ rộng hơn, toàn diện hơn để đánh giá kết quả ngoại giao Mỹ-Triều Tiên”, đó là đánh giá được ông Yoon Young Kwan, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul đưa ra trong bài phân tích mới nhất của trang New York Times. Ông cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh những diễn biến trên bàn đàm phán Mỹ-Triều, chúng ta cũng cần làm nổi bật vai trò của Việt Nam và Singapore trong chuỗi các cuộc đàm phán.
“Các quốc gia ASEAN này có vai trò quan trọng trong việc đưa Triều Tiên và Mỹ đến gần nhau”, ông khẳng định. Trên thực tế, truyền thông quốc tế những ngày qua cũng đã dành nhiều lời ngợi khen đến công tác chuẩn bị và hỗ trợ của Việt Nam với tư cách nước chủ nhà.
Hãng tin AP ngày 26-2 cho biết: “Sau khi xuống máy bay Air Force One, Tổng thống Trump đã chào và bắt tay phái đoàn Việt Nam tiếp đón ông tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tổng thống Mỹ trong các cuộc hội kiến lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong những bài đăng tải trên Twitter và kể cả trước khi trở lại Mỹ cũng đều gửi lời cảm ơn chân thành đến sự đón tiếp nồng nhiệt của các cấp lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Điều này phản ánh ấn tượng sâu sắc của người đứng đầu Nhà Trắng đối với nước chủ nhà Việt Nam”.
Trong khi đó, các hãng tin Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên hay các hãng thông tấn quốc tế như Reuters, AFP, BBC… cũng đều nhấn mạnh sự chuẩn bị của Việt Nam cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều từ an ninh cho đến lễ tân, hậu cần. Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 27-2 đã đăng tải bài viết nói về con đường phát triển kinh tế của Việt Nam với nhiều lời ngợi khen, cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn.
Trong bài viết với nhan đề “Việt Nam – Nhà kiến tạo hòa bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên”, hãng tin Straist Times của Singapore đánh giá, việc Hà Nội được lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện này cho thấy “Việt Nam nổi lên là một thành viên đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy nền hòa bình giữa các quốc gia”.
The Hill cũng đưa tin, để đảm bảo cho hội nghị, Việt Nam đã tăng cường công tác tuần tra, lực lượng an ninh được huy động 24/24 tại các tuyến đường quan trọng trong thành phố. Mặc dù chỉ có khoảng 10 ngày chuẩn bị, song tờ báo này đánh giá, Việt Nam đã hoàn thành công tác hậu cần một cách đầy ấn tượng, ghi dấu ấn đối với cộng đồng quốc tế.