3 kịch bản ra sau phiên điều trần về lệnh cấm nhập cảnh ở Mỹ

Thứ Tư, 08/02/2017, 07:56
Bất chấp những lời biện hộ của Bộ Tư pháp, hệ thống tư pháp các bang vẫn khẳng định việc dừng thi hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo  do tân Tổng thống ban hành. Cuộc chiến pháp lý gay gắt này đang hé lộ những chia rẽ sâu sắc giữa chính quyền Washington và các bang.

Rạng sáng 8-2 (theo giờ Việt Nam), phiên điều trần đầu tiên để xem xét khả năng khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh của Chính phủ Mỹ được diễn ra tại trụ sở tòa án phúc thẩm liên bang ở thành phố San Francisco, bang California.

Tham dự phiên điều trần này có các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ, đại diện chính quyền Washington, các luật sư đại diện cho hai bang Washington và Minnesota. Bộ Tư pháp Mỹ vẫn bảo lưu quyết định bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống Donald Trump và kêu gọi tòa phúc thẩm sớm khôi phục lệnh này vì lợi ích an ninh quốc gia.

Văn bản lập luận dài 15 trang của Bộ Tư pháp Mỹ được công bố trước báo giới vào trưa 7-2 cho thấy, lệnh cấm này là “việc thực thi hợp pháp quyền hạn của Tổng thống” và không phải là một lệnh cấm người Hồi giáo. Vì thế, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, tòa án Washington và thẩm phán liên bang của thành phố Seattle James Robert đã “sai khi ngăn việc thực thi sắc lệnh”.

Nhiều sân bay Mỹ rơi vào cảnh hỗn loạn khi sắc lệnh cấm nhập cư được ký. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Mỹ còn lý giải thêm rằng, việc tòa án đình chỉ lệnh cấm của ông Donald Trump là quá rộng và chỉ nên áp dụng đối với những người đã được cấp phép vào Mỹ hoặc những người muốn rời đi hay quay trở lại với Mỹ mà thôi.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đã có nhiều phát biểu trước công chúng với quan điểm rằng, thẩm phán liên bang James Robert đã “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” và nếu điều gì đó xảy ra thì đó là lỗi của ông này và hệ thống tòa án.

Tuyên bố sẽ lật ngược phán quyết của thẩm phán James Robert, ông Donald Trump còn nhấn mạnh rằng, ông đã chỉ đạo Bộ An ninh nội địa kiểm tra những người nhập cảnh vào Mỹ một cách kỹ lưỡng”.

Được biết, sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ đã được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hôm 27-1.

Ngay sau đó, ông Donald Trump đã phải đối mặt với hơn 40 vụ kiện khác nhau liên quan đến sắc lệnh này. Nhiều cựu Bộ trưởng và quan chức an ninh Mỹ cũng lên tiếng phản đối sắc lệnh này.

Thậm chí, một nhóm cựu quan chức dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống George W.Bush còn nộp kiến nghị lên tòa án phúc thẩm liên bang khu vực số 9 với lý do rằng sắc lệnh cấm nhập cư không làm cho đất nước an toàn hơn.

Trong số những cựu quan chức ký tên vào đơn kiến nghị này có cả cựu Ngoại trưởng John Kerry, cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, cựu Gám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden, Leon Panetta, Michael Morell, cựu quyền Giám đốc CIA…

Cùng với đó, khoảng 100 tập đoàn ở Mỹ, trong đó có Apple, Google, Microsoft… đã đệ đơn lên Tòa án phúc thẩm Liên bang Mỹ để phản đối và cho rằng, sắc lệnh của ông Donald Trump ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của họ; trái với nguyên tắc đảm bảo sự công bằng và khả năng dự báo chính xác về vấn đề nhập cư đã tồn tại ở Mỹ trong hơn 50 năm qua.

Các con số thống kê cũng cho thấy, trong số 500 công ty công nghệ hàng đầu được Tạp chí Fortune bình chọn thì có tới hơn 200 công ty do những người nhập cư hoặc con cái họ thành lập…

Tờ Washingtonpost thì nhận định, sự gia tăng hoạt động chống đối sắc lệnh cấm nhập cư đã khiến cho đảng Dân chủ càng thêm nhiều cớ để phản đối hoặc cản trở các quyết định mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Đặc biệt là làn sóng chống đối này đã dâng cao ở bang California khiến ông Donald Trump trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Fox News đã hé lộ rằng, ông có thể sẽ cắt bớt tiền ngân sách cấp cho bang California cho đến khi chính quyền bang “hợp tác với chính quyền liên bang trong vấn đề nhập cư”.

Giới quan sát nhận định, 3 kịch bản có thể xảy ra sau phiên điều trần đầu tiên này. Kịch bản thứ nhất là tòa án liên bang quyết định khôi phục lại sắc lệnh cấm nhập cư. Kịch bản thứ 2 là chấp nhận quyết định của tòa án ở Seattle và kịch bản thứ 3 là vụ kiện bị kéo dài thêm thời gian.

Nếu kịch bản thứ 1 xảy ra, tình trạng hỗn loạn ở sân bay và cửa khẩu lại tiếp diễn. Đối với kịch bản thứ 2, ông Donald Trump có thể sẽ lại ra những sắc lệnh mới để thực thi ý định cấm nhập cư của mình.

Trong kịch bản thứ 3 thì mâu thuẫn giữa chính quyền liên bang và chính quyền các bang sẽ bị khoét sâu hơn nữa và điều đó sẽ tạo nên những bất ổn mới trong nội bộ chính trị của nước Mỹ. Đó là chưa kể đến khả năng vụ kiện sẽ tiếp tục được đưa lên các cấp cao hơn như tòa án tối cao.

Gia Nam
.
.
.