Mỹ - Iran với cuộc đấu trí về tuyên bố và trừng phạt
- Iran bất ngờ ra mắt “bộ não điện tử” miễn nhiễm mọi đòn tấn công mạng
- Căng thẳng Mỹ - Iran: Vừa đấm vừa xoa
Đây vừa là đòn trả đũa, vừa là cú đánh mạnh vào lời cảnh báo “hãy cẩn thận” từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang gây áp lực buộc Tehran phải đàm phán lại hiệp ước.
Bước đi mạo hiểm
Hãng tin AP cho hay, ngay sau khi Iran tuyên bố tăng mức làm giàu uranium lên 3,67%, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với các phóng viên ở Morristown, bang New Jersay như sau: “Iran tốt hơn hết nên cẩn trọng, bởi họ làm giàu uranium chỉ vì một lý do và tôi sẽ không nói lý do đó là gì. Nhưng điều đó không tốt”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì nhấn mạnh: “Kế hoạch mở rộng chương trình hạt nhân mới nhất của Iran sẽ dẫn tới sự cô lập và trừng phạt thêm. Các nước nên khôi phục tiêu chuẩn dài hạn về việc không làm giàu uranium đối với chương trình hạt nhân của Iran. Chính quyền Tehran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra mối đe doạ lớn hơn đối với thế giới”.
Theo các nhà phân tích, bề ngoài, hiện Mỹ đang giữ thái độ khá cứng rắn với Iran. Nhưng bên trong, chính quyền Washington vẫn lo ngại về những bước đi mạnh mẽ của Tehran. Bởi lẽ, từ ngày 7-7, khi tăng cường mức làm giàu uranium trên mức 3,67%, Iran cũng có thể tăng khối lượng dự trữ uranium làm giàu trên mức 400kg.
Với 19.000 máy ly tâm hiện có và khả năng tăng tỷ lệ làm giàu uranium ở mức cao hơn trong vài tuần, quốc gia vùng Vịnh này có thể sẽ sản xuất được bom hạt nhân trong vòng 1 năm.
Thậm chí, theo phân tích của tờ Politico, Tổng thống Donald Trump đã muốn ngồi lại bàn bạc với các nhà lãnh đạo Iran nhưng Tehran lại không chia sẻ sự háo hức trò chuyện này với ông chủ Nhà Trắng. Vì thế, trong cách đối phó với Iran, ông Donald Trump đang bị vướng nhiều khó khăn hơn là việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Giới chức Iran luôn “đón chào” lệnh trừng phạt của Mỹ với một thái độ ít hợp tác. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hôm 7-7, Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để làm giàu uranium ở mọi cấp độ và với bất kỳ số tiền lớn nào”.
Tờ Politico nhận định: “Đó là cách tiếp cận liều lĩnh và cứng rắn, khiến hai nước có nguy cơ đối đầu quân sự. Các động thái của Iran cho thấy đây là một canh bạc có tính toán; một nỗ lực để thế giới có thể quở trách cả Tổng thống Donald Trump và gây áp lực lên các nhà lãnh đạo châu Âu - những người đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Người Iran cũng có vẻ đang đặt cược rằng, ông Donald Trump, người tỏ ra không mấy thèm muốn chiến tranh, sẽ lần đầu tiên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy các cuộc đàm phán. Iran đang giới hạn thử nghiệm của mình để đánh giá phản ứng của Mỹ và các bên liên quan quan trọng khác”.
Bên trong một lò phản ứng nước nặng ở Arak, phía Tây Nam Tehran, Iran. Quốc gia vùng Vịnh này vừa tuyên bố tăng mức làm giàu uranium lên 3,67%. Ảnh: AP |
Và nỗi lo của EU
Thông báo phá vỡ thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) của Iran được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông đã ra lệnh không kích vào Iran và chỉ hủy bỏ 10 phút trước khi chiến dịch bắt đầu. Điều này có nghĩa là hành động của Iran “đã đổ thêm dầu vào lửa” và càng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Mỹ.
Nhưng bên cạnh đó, “người bị ảnh hưởng” nhiều nhất bởi tuyên bố này còn có Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia thành viên của khối hôm 7-7 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và hối thúc Iran "chấm dứt và hủy bỏ tất cả các hoạt động trái với các cam kết của nước này”.
Hiện EU đang nỗ lực thiết lập các cơ chế cho phép doanh nghiệp của khối này làm ăn với Iran mà không đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Sau các cuộc thảo luận với Iran từ các tuần trước, EU đã thông báo cơ chế INSTEX để thanh toán trực tiếp với Iran nhằm giúp Tehran tránh các đòn trừng phạt của Washington đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, Iran cho rằng động thái này là chưa đủ bởi nó chưa đáp ứng được yêu cầu chính của Tehran - đó là cho phép Iran được bán dầu mỏ ở mức độ mà nước này từng thực hiện trước khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Sau khi Iran thông báo về mức dự trữ uranium của mình, EU cũng khẳng định khối này đang "gấp rút" cân nhắc đến các lựa chọn khác.
Ông Suzanne Maloney, một học giả về Iran tại Viện Brookings cho biết, với những gì đang diễn ra, Mỹ hy vọng châu Âu áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Iran để giữ cho nước này không vi phạm thỏa thuận nữa nhưng lại ngầm hỗ trợ cơ chế tài chính mà người châu Âu đã thiết lập để giúp Iran có được hàng hóa không bị trừng phạt. “Về cơ bản, Mỹ muốn Iran ở lại thỏa thuận và cơ chế tài chính INSTEX hoạt động tốt”, ông Suzanne Maloney nói.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nói rõ rằng ông thà nói chuyện với Iran hơn là chiến đấu. Ông đã ngừng một cuộc tấn công quân sự vào Iran vào phút cuối hồi tháng trước. Tổng thống Mỹ cũng thực sự lo lắng rằng một cuộc chiến với Iran sẽ làm tổn thương ông với cơ sở bầu cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông Donald Trump ban đầu đã theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với Triều Tiên trước khi chuyển sang ngoại giao cá nhân.
Với Iran thì khác, quốc gia này không muốn mạo hiểm tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh khi khá chắc chắn sẽ không có gì đáng kể xảy ra ngoài việc “làm cho bạn trông nhỏ bé hơn” như nhận định của Alex Vatanka, một chuyên gia về Iran.
Cũng theo quan điểm của học giả này, Iran đã nhiều lần khẳng định họ không có mong muốn chế tạo vũ khí hạt nhân và rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình, như tạo ra năng lượng. Nhưng vì luôn có khả năng ông Donald Trump sẵn sàng ngồi lại với Chủ tịch Kim Jong-un để giải quyết vấn đề Triều Tiên nên Iran quyết định rằng họ cần phải có vũ khí hạt nhân để có đòn bẩy dài hạn hơn.
Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào như vậy của Iran đều có thể gây ra hậu quả ngay lập tức, bao gồm thúc đẩy một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông mới hoặc một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.