Mịt mù triển vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Chủ Nhật, 08/12/2019, 09:12
Hôm 6-12 (giờ địa phương), các phái viên Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran đã nhóm họp tại Thủ đô Vienna của Austria nhằm tìm biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc và Iran ký năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trong cuộc họp này, các cường quốc châu Âu yêu cầu Iran ngừng vi phạm JCPOA, nếu không Iran có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên, các cường quốc cũng nhất trí ngừng kích hoạt một cơ chế có thể gia hạn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp, ông Phó Thông, Tổng cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gồm Anh, Pháp, Đức hay còn gọi là E3 cần kiềm chế để thực hiện các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Theo ông Phó Thông, Trung Quốc không thể chắc chắn các nước có thể kiểm soát được tình hình và điều này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi cho rằng, ông nhận thấy sự nghiêm túc của các quốc gia trong việc tìm kiếm giải pháp thực tiễn cứu vãn thỏa thuận, song ông cũng thừa nhận vẫn còn có những vấn đề và trở ngại trong cách tiếp cận của các bên.

“Mục tiêu của chúng tôi là không rời khỏi JCPOA nhưng sau một năm chờ đợi và chứng kiến việc các nước châu Âu không có những động thái chống lại các hành động của Mỹ đối với Iran, chúng tôi đã quyết định giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận. Trong trường hợp các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Iran được hưởng lợi từ thỏa thuận này, chúng tôi sẽ trở lại với các cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện”, ông Seyed Abbas Araghchi nhấn mạnh.

Bất đồng giữa Iran và phương Tây gia tăng sau khi Iran giảm cam kết của mình nhằm đáp lại quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái. Ảnh: WSJ.

Các nhà phân tích cho rằng các cường quốc thế giới không muốn áp dụng bước đi mạo hiểm bằng cách kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp, bởi một bước đi như vậy sẽ dẫn tới việc LHQ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran và hậu quả là Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận cũng như Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bằng cách đưa ra cảnh báo, châu Âu muốn cho Iran có cơ hội để ngưng các hành động vi phạm, đồng thời cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận

Giải thích cho động thái của các nước châu Âu, các chuyên gia cho rằng, khi Iran tiến gần hơn đến việc phát triển vũ khí hạt nhân, áp lực chọn phe đang ngày càng tăng đối với Liên minh châu Âu (EU) về một hồ sơ mà họ đã nỗ lực hết sức để “đứng bên lề”.

Châu Âu đã chịu không ít thiệt hại khi nỗ lực duy trì JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này hồi tháng 5 năm ngoái. Đối với EU, JCPOA đại diện cho chính sách ngoại giao của khối, một thành tựu duy nhất mà các nhà lãnh đạo trong khối cho rằng đã khẳng định khả năng của EU về chính sách đối ngoại.

Sau khi Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, EU khuyến khích các công ty của mình tiếp tục giao dịch với nước này và cố gắng thiết lập một hệ thống thanh toán quốc tế mới để cho phép họ tránh vi phạm quy định của Mỹ. Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng đưa ra những lời trấn an thường xuyên rằng họ vẫn cam kết với thỏa thuận, ngay cả khi nó sụp đổ.

Tuy nhiên, một loạt thông tin về việc Iran vi phạm nhiều điều khoản trong JCPOA - bao gồm cả động thái làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định - buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình. Theo thỏa thuận, EU có thể kích hoạt một điều khoản khiến châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, giống như Mỹ đã làm. Tuy nhiên, có vẻ như EU, chứ không phải Tehran, mới là bên lo ngại nhiều hơn về những hệ quả.

Tháng 7-2019, khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tehran sẽ làm giàu uranium ở bất kỳ cấp độ nào họ cần, phản ứng của EU chỉ là những tuyên bố mạnh mẽ nhưng không đi kèm hành động cụ thể.

Một số nhà quan sát cho rằng đã quá muộn để EU hành động. Chuyên gia Sascha Lohmann, làm việc tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, nhận định: “Hiện tại, tình hình đã leo thang đến mức vượt quá giới hạn mà người châu Âu có thể hành động hiệu quả. Có lẽ, EU nên hành động từ lâu”. Nói cách khác, với những phản ứng yếu ớt trước các hành động vi phạm thỏa thuận trước đó của Iran và loạt động thái khiêu khích khác - như thông tin nghi ngờ Iran tấn công tàu chở dầu quốc tế ở Vịnh Ba Tư và ném bom một nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia - châu Âu đã mất các đòn bẩy ngoại giao mà họ vốn có.

Một năm sau kể từ khi Mỹ thực hiện cái gọi là “chiến dịch gây áp lực tối đa”, người ta đã nhận thấy rõ những ảnh hưởng ngày càng thu hẹp của EU. Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là thực tế các công ty lớn nhất châu Âu vẫn lờ đi lời khuyên của các chính phủ thành viên EU và thay vào đó tuân thủ chế độ trừng phạt của Washington, một sự thừa nhận ngầm rằng các công ty này trên thực tế lại chịu sự chi phối của Mỹ.

Vai trò “kẻ ngoài cuộc” của EU cũng một lần nữa được thể hiện rõ khi vào tuần trước, hàng nghìn người Iran xuống đường biểu tình ở các thành phố. Các chính trị gia châu Âu vẫn giữ im lặng, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các nhà lãnh đạo Mỹ khác lại lên tiếng bày tỏ quan điểm. Nhiều quan chức cấp cao của châu Âu, chẳng hạn như người phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini, nhiều khi lại thiên về chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hơn là Iran. Một phần lý do của thái độ này rất có thể chính là kinh tế.

Các cường quốc hàng đầu châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, từ lâu đã nhận thấy tiềm năng dầu mỏ của Iran, một quốc gia có hơn 80 triệu dân, là một đối tác thương mại hấp dẫn với tiềm năng chưa được khai thác.

Ông Karnitschnig nhận định một lý do khác khiến EU hạn chế cứng rắn với Iran có thể chỉ đơn giản là tránh thừa nhận rằng Tổng thống Donald Trump đã không sai về Iran như họ nghĩ. Giới chức châu Âu từ lâu vẫn cho rằng chiến lược gây áp lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump có nguy cơ càng khích lệ quốc gia Hồi giáo này bởi người dân Iran rất có thể sẽ đứng về phía các nhà lãnh đạo của họ để phản đối Mỹ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.