“Luồng gió mới” cho Tổ chức Thương mại Thế giới

Thứ Tư, 17/02/2021, 18:16
Việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có tân Tổng giám đốc đã chính thức chấm dứt hơn nửa năm tổ chức này hoạt động ở trạng thái “rắn không đầu”. Giới chuyên gia nhận định, làn gió mới mang tên Okonjo-Iweala sẽ mang đến những cơ hội để vực dậy nền kinh tế thế giới hậu đại dịch COVID-19, đồng thời góp phần định vị lại “thương hiệu” WTO.  

CNBC News đưa tin, bà Ngozi Okonjo-Iweala (67 tuổi) đã chính thức trở thành tân Tổng giám đốc của WTO sau phiên bỏ phiếu trực tuyến hôm 16/2 (giờ Việt Nam) và nhận được sự ủng hộ cao của phần lớn các nước thành viên,  bao gồm cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và Australia. Có thể nói, bà Okonjo-Iweala đã làm nên lịch sử khi là người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên đảm nhận vị trí này. 

Phát biểu tại lễ nhậm chức trực tuyến, bà Okonjo-Iweala chia sẻ rằng, bà cảm thấy rất vinh dự khi được chọn giữ cương vị Tổng giám đốc WTO. Theo đó, ưu tiên hàng đầu của bà trong thời gian tới sẽ là giải quyết nhanh chóng các hậu quả kinh tế và sức khỏe mà đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như đề ra các chính sách để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, đặc biệt là áp dụng nhiều cải cách tích cực để xây dựng, định vị lại “thương hiệu” WTO. 

Bà Ngozi Okonjo-Iweala được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc WTO. Ảnh: Reuters.

Bà Okonjo-Iweala lập luận rằng, trong khi phục hồi kinh tế phải phụ thuộc vào thương mại, thì việc giải quyết các thách thức về sức khỏe cộng đồng cũng đòi hỏi các hoạt động thương mại tốt đẹp. "Tổ chức WTO đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng khi hợp tác cùng nhau thì chúng ta có thể khiến WTO mạnh hơn, thích nghi tốt hơn với bối cảnh hiện tại. Tôi mong muốn được làm việc với các thành viên để định hình và thực hiện các biện pháp đối phó nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại", bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh.

Việc đắc cử ghế lãnh đạo WTO được cho là sự công nhận về những thành tựu mà bà Okonjo-Iweala đã đạt được trong nhiều năm công tác trong chính quyền Nigeria và các tổ chức quốc tế. Bà có bằng kinh tế của Đại học Harvard (1976) và bằng tiến sĩ của Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ (1981). Bà trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính của Nigeria trong các giai đoạn 2003-2006 và 2011-2015, kiêm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng năm 2006. Hơn nữa, bà cũng từng đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành thứ hai tại Ngân hàng Thế giới (WB) với nhiệm vụ giám sát khoản ngân sách 81 tỷ USD tài trợ phát triển ở châu Phi, Nam Á, châu Âu và Trung Á. 

Gần đây, với tư cách là đặc phái viên của Liên minh châu Phi để vận động hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống COVID-19, bà kêu gọi các nước giàu hoãn thời hạn hai năm để các nước mắc nợ có thể trả nợ và đề xuất nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Sudan và Zimbabwe vì lý do y tế.

Đối thủ duy nhất của bà Okonjo-Iweala, ứng viên Hàn Quốc Yoo Myung-hee hôm 5/2 đã bất ngờ rút lui. Ảnh: AP.

Giới chuyên gia đánh giá, bà Okonjo Iweala không được chọn vì là nữ hay vì đến từ châu Phi, mà bởi bà là ứng viên có trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt nhất cho nhiệm vụ khó khăn hiện nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, gọi đây là "thời khắc lịch sử đối với toàn thế giới", đồng thời cam kết dành sự ủng hộ hoàn toàn của châu Âu đối với bà Okonjo-Iweala. Cựu Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định, bà Okonjo-Iweala có đủ tầm vóc, kinh nghiệm, mối quan hệ và sự nỗ lực để hoàn thành công việc. “Tôi nghĩ bà ấy là sự lựa chọn tốt. Chìa khóa cho thành công của bà ấy sẽ là năng lực vận hành giữa tam giác Mỹ-EU-Trung Quốc”, ông Lamy nói. 

Được biết, WTO - cơ quan có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, đã không có Tổng giám đốc thường trực kể từ khi ông Roberto Azevêdo từ chức trước thời hạn hồi tháng 8/2020. Theo CNBC News, nhiệm kỳ của bà Okonjo-Iweala sẽ bắt đầu từ ngày 1/3/2021 đến hết ngày 31/8/2025. Tân tổng giám đốc WTO sẽ phải đối mặt với một tổ chức đang sa lầy trong nhiều cuộc khủng hoảng. Ngay cả trước khi COVID-19 làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu, WTO đã phải vật lộn để kiềm chế căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các xung đột thương mại khác.

Trước đó, cuộc đua tới ghế lãnh đạo WTO được xem là đầy thách thức và căng thẳng. Tuy nhiên, đối thủ duy nhất của bà Okonjo-Iweala, ứng viên Hàn Quốc Yoo Myung-hee hôm 5/2 đã bất ngờ rút lui. Bà được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ, điều mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn chặn khi đương nhiệm. Động thái của ông Biden thể hiện rõ quan điểm rằng, ông ủng hộ những cách tiếp cận có tính hợp tác với các vấn đề toàn cầu sau khi chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump gây ra nhiều mâu thuẫn về thương mại. 

Ông Trump khi còn là Tổng thống đã nhiều lần cáo buộc WTO đối xử không công bằng với Mỹ và cho rằng WTO hoạt động kém hiệu quả, kêu gọi tổ chức này cải tổ nhanh chóng. Bình luận về việc bà Okonjo-Iweala trở thành tân Tổng giám đốc WTO, ông David Bisbee, Phó Đại sứ Mỹ tại tổ chức này khẳng định: "Mỹ rất mong muốn làm việc với bà Okonjo-Iweala để đảm bảo tổ chức này phát huy hết tiềm năng của một cơ quan thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng thông qua thương mại".

Linh Đan
.
.
.