Lựa chọn nào cho châu Âu sau Brexit không thỏa thuận?
- Anh và EU liên tục cảnh báo khiến Brexit lại lâm thế "nghẹt thở"
- Anh - EU cùng “chạy nước rút” tới Brexit
Những kịch bản của một Brexit không thỏa thuận
Theo mọi dự đoán kinh tế, một Brexit không thỏa thuận là viễn cảnh tiêu cực nhất cho Anh, và có tác động tiêu cực ở mức độ giới hạn đối với EU27 (khối 27 nước thành viên EU). Ngân hàng Trung ương Anh thậm chí còn đánh giá rằng, cái giá của một Brexit không thỏa thuận về lâu dài sẽ còn cao hơn những thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho tới nay.
Vì quan hệ kinh tế gắn bó cũng như vị trí địa lý gần gũi, kể cả khi đàm phán thất bại thì mối quan hệ rạn nứt giữa London và Brussels cuối cùng cũng sẽ được hàn gắn. Hoàn cảnh của một Brexit không thỏa thuận sẽ quyết định liệu đàm phán mang tính xây dựng có thể được nối lại nhanh đến mức nào và có mục tiêu như thế nào. Có ba kịch bản khác biệt có thể xảy ra.
Ở kịch bản thứ nhất, một Brexit không thỏa thuận diễn ra một cách hòa bình và hai bên tiếp tục đàm phán dựa trên các dự thảo hiện nay. Kể cả trong trường hợp này thì Anh vẫn rời khỏi thị trường chung châu Âu, cũng như không còn thực hiện các chính sách khác của EU từ ngày 1/1/2021. Điều này đồng nghĩa với việc thuế xuất nhập khẩu và kiểm soát biên giới sẽ quay trở lại. Giai đoạn chuyển giao không thể kéo dài thêm.
Tuy nhiên, cả hai bên đều nhất trí về việc giảm thiểu hết mức có thể những hậu quả tiêu cực của kịch bản này thông qua các biện pháp đơn phương. Ví dụ như thông qua các giải pháp tương đương của EU cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính ở Anh và việc công nhận các tiêu chuẩn của nhau. London thực hiện đầy đủ trách nhiệm của họ trong Thỏa thuận rời khỏi EU liên quan tới vấn đề Bắc Ireland.
Trên cơ sở đó, trong vài tháng tới đây, những vấn đề còn tranh cãi có thể được giải quyết và một hiệp ước thương mại toàn diện có thể được ký kết. Vào thời điểm đó, EU sẽ sẵn sàng tuyên bố ưu tiên thực hiện những phần đã được đàm phán dưới hình thức những thỏa thuận riêng lẻ. Trong vấn đề chính sách ngoại giao và an ninh, London vẫn sẽ là đối tác gần gũi bất chấp hậu quả của cuộc “chia tay thân thiện” này như thế nào. Và vấn đề chính sách khí hậu, sẽ xuất hiện một tam giác hợp tác giữa chính quyền mới ở Mỹ, EU và Anh.
Kịch bản thứ hai là, một Brexit không thỏa thuận với hậu quả nặng nề hơn. Vì không đạt được một giải pháp cho những khác biệt còn tồn tại, một trong hai đối tác đàm phán sẽ rút lui khi thời hạn của thời kỳ chuyển giao tới gần. Tuy nhiên, hai bên sau đó sẽ nhanh chóng bắt đầu tiến trình cải thiện quan hệ. Thuế xuất nhập khẩu và các hạn chế thương mại khác sẽ được kích hoạt vào ngày 1/1/2021.
EU đơn phương áp đặt những biện pháp có giới hạn nhằm bảo vệ các ngành bị ảnh hưởng; và phía Anh cũng sẽ phải chịu các điều kiện thương mại tương tự như các nước thứ ba không có thỏa thuận với EU. Chính quyền Anh sẽ đổ lỗi cho EU về các hậu quả này và thất bại trong thương lượng, tuy nhiên, họ sẽ sớm quay lại bàn đàm phán.
Đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về quan hệ tương lai cho tới nay vẫn không có đột phá. |
Nếu bàn đàm phán được nối lại, EU sẽ đánh tín hiệu cho biết họ sẵn sàng thực hiện các biện pháp đơn phương để giảm thiểu những hậu quả của Brexit không thỏa thuận cho Anh. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ bảo lưu các yêu cầu trọng tâm của mình cho một hiệp ước thương mại.
Kịch bản cuối cùng là một Brexit không thỏa thuận với tình thế căng thẳng hơn. Chính sách Brexit cho tới nay của chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra câu hỏi liệu họ có đồng ý tham gia các cuộc đàm phán mới sau khi để Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào với nhiều hậu quả nặng nề. Quay trở lại bàn đàm phán sẽ đi ngược lại với hình ảnh cường quốc của Anh, cũng như lập luận của người ủng hộ Brexit rằng EU chỉ đang giả vờ đàm phán mà không có ý định đạt được sự đồng thuận với Anh.
Từ đó, người ta có thể thấy một ranh giới rất nhỏ giữa quay trở lại bàn đàm phán và gia tăng căng thẳng, trong khi London và Brussels cáo buộc lẫn nhau đã phá vỡ thỏa thuận và có những hành vi thù địch. Khi xét tới những lời hứa về Brexit cho công chúng, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson sẽ phải đổ trách nhiệm về mọi hậu quả tiêu cực của một Brexit không thỏa thuận cho EU. Trong khi đó, London sẽ đe dọa về những hậu quả mới để buộc Brussels phải nhượng bộ.
Là đối tác kinh tế nhỏ hơn, Chính phủ Anh có thể đưa ra những lời đe dọa và gây áp lực trong những lĩnh vực mà theo họ là có thể làm tổn hại đến EU hoặc gây chia rẽ trong EU27.
Thứ nhất, như tranh cãi về dự thảo luật thị trường trong nước của Anh cho thấy, Anh có thể dừng thực thi Dự thảo Bắc Ireland. Như thế, thị trường chung châu Âu và Liên minh hải quan sẽ không có một biên giới bên ngoài được bảo vệ. EU phải quyết định rằng liệu họ có muốn buộc Ireland kiểm soát biên giới với Bắc Ireland hoặc thậm chí biên giới giữa Ireland và phần còn lại của thị trường chung EU - một viễn cảnh mà Chính phủ Ireland muốn ngăn cản bằng mọi giá. Điều quan trọng hơn là những hiệu ứng phát sinh trong chính sách đối ngoại và an ninh.
Cả bà Theresa May và ông Boris Johnson đều cố gắng tách rời các mối quan hệ an ninh song phương và đa phương với đàm phán Brexit. Một Brexit không thỏa thuận, trong đó London đổ lỗi cho EU về mọi tổn thất kinh tế, có thể tạo sốc ép lên các mối quan hệ này.
Những lựa chọn hành động cho châu Âu
Chỉ còn ít thời gian nữa là hai bên phải thống nhất về một thỏa thuận hậu Brexit trước khi thời hạn chuyển giao kết thúc. Tuy nhiên, kể cả khi không đạt được thỏa thuận, thi hai bên vẫn ủng hộ một quan hệ hợp tác sâu sắc do các quan hệ kinh tế gần gũi, lợi ích và giá trị chung, cũng như các mối quan hệ văn hóa và cá nhân. Sau 4 năm đàm phán Brexit cho thấy trong cuộc chia tay đau đớn này, các lý do chính trị và kinh tế hiếm khi quyết định đường lối của Anh.
So sánh 3 kịch bản cho một Brexit không thỏa thuận nhấn mạnh rằng đàm phán thất bại không đồng nghĩa với sự kết thúc của câu chuyện Brexit dài kỳ, mà là mở đầu một giai đoạn mới. Trong trường hợp đó, lợi ích của châu Âu nằm ở việc hối thúc Anh tuân thủ thỏa thuận ra đi và quay trở lại bàn đàm phán nhanh nhất có thể.
Lý do là vì một “cuộc chia tay thân thiện”, trong đó các hậu quả của một Brexit không thỏa thuận là không đáng kể, hay trường hợp leo thang tình hình đến mức gây chia rẽ sâu sắc giữa EU và Anh đều khó xảy ra. Rủi ro chính trị ở đây là ranh giới giữa kịch bản thứ hai và kịch bản thứ ba không chỉ mong manh, mà còn phụ thuộc vào phản ứng của Anh đối với khả năng không đạt được thỏa thuận rời EU. Trong trường hợp đó, khả năng leo thang tình hình của Anh vẫn bị hạn chế.
Ba công cụ có thể giúp EU khẳng định lợi ích của họ trong kịch bản Brexit không thỏa thuận: Thứ nhất, EU nên chuẩn bị về mặt chính cho các nước thành viên cho viễn cảnh không có thỏa thuận, bên cạnh đó phát triển các kế hoạch kinh tế chuẩn bị để đảm bảo sự đồng thuận của EU-27. Thứ hai, EU cần một chiến lược truyền thông chính trị hiệu quả bằng tiếng Anh trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận. Thứ ba, nếu đàm phán hiện thời thất bại, việc để các nước thành viên lớn lần đầu tiên can thiệp vào đàm phán có thể có lợi cho EU.
Cho tới nay, EU vẫn thể hiện lập trường thống nhất đối với Anh vì các nước lớn để Brussels đảm trách đàm phán. Trong kịch bản thứ ba, Berlin và Paris - tốt nhất là cùng hợp tác với Washington - phải thể hiện rõ rằng họ đứng sau quan điểm của EU và những nỗ lực leo thang của London sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương của Anh với các nước này.
Bởi dù đổ lỗi cho EU, song những người ủng hộ Brexit vẫn muốn hợp tác chặt chẽ với Đức và Pháp. Những lợi ích và mối liên kết vẫn còn nên được sử dụng sau một Brexit không có thỏa thuận để thuyết phục London tham gia các cuộc đàm phán mới.Đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về quan hệ tương lai cho tới nay vẫn không có đột phá.