Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên?

Thứ Hai, 04/12/2017, 08:54
Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của CHDCND Triều Tiên hồi tuần qua đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã phải triệu tập cuộc họp khẩn để tìm biện pháp đối phó. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn và bất đồng về cách tiếp cận vấn đề đã khiến cuộc họp này không thể đưa ra được thêm bất kỳ giải pháp mới nào.

Kể từ đầu năm 2017 tới nay, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã liên tục gia tăng căng thẳng, và đỉnh điểm là vụ thử ICBM Hwasong-15 hôm 30-11. Đây cũng là động thái mới nhất trong hàng loạt các bước đi trả đũa lẫn nhau giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Gia tăng tỷ lệ thuận với những căng thẳng này chính là sự hoàn thiện sức mạnh hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Bằng chứng là Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thiện lực lượng hạt nhân của nước này với sự phát triển tên lửa ICBM Hwasong-15, vốn có thể vươn tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ nước Mỹ với một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn, và đây cũng được xem là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của CHDCND Triều Tiên.

Chưa hết, ngay sau vụ phóng thử này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới thị sát nhà máy lốp Amnokgang – đơn vị cung cấp phụ tùng cho các bệ phóng tên lửa di động ở thành phố Manpo, tỉnh Jagang. Phát biểu trong chuyến thăm này, ông Kim Jong-un nhấn mạnh rằng, không có trở ngại hay bế tắc nào nào mà Bình Nhưỡng cần phải vượt qua.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây, đã mạnh mẽ phản đối vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, phản ứng của Washington được đánh giá là “không có gì quá mới” so với những lần trước. Vẫn với thái độ cứng rắn, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo rằng Washington để ngỏ tất cả các lựa chọn, bao gồm cả lựa chọn quân sự, trong việc đối phó với những hành động được xem là khiêu khích và gây hấn của Bình Nhưỡng.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley thậm chí còn cảnh báo rằng, trong trường hợp có xung đột quân sự xảy ra, thì chế độ ở CHDCND Triều Tiên sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Về phía Trung Quốc, về tổng thể, Bắc Kinh vẫn khẳng định lập trường phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng một giải pháp quân sự không phải là biện pháp tối ưu, thay vào đó là thông qua thương lượng và đàm phán hòa bình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và đội nghiên cứu chương trình hạt nhân. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đã nhiều lần đề xuất phương án “ngừng đổi ngừng” để các bên quay trở lại bàn đàm phán. Tức là, Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận thường niên còn Bình Nhưỡng thì ngừng các vụ thử tên lửa hay phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Trung Quốc tới nay đã thực hiện nhiều biện pháp cả về ngoại giao lẫn kinh tế nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên ngừng các hoạt động thử vũ khí hạt nhân, để tránh gia tăng thêm căng thẳng. Tuy nhiên, có vẻ bài toán Triều Tiên vẫn còn rất khó để tìm ra lời giải.

Theo giới chuyên gia, khi CHDCND Triều Tiên đạt được tiến bộ trong chương trình hạt nhân của họ, thì nguy cơ xảy ra xung đột quân sự là giảm. Vì, thứ nhất, thực tiễn cho thấy, trong lịch sử thế giới chưa từng xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Thứ hai, sau chuyến thăm châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump, các nhà lãnh đạo cấp cao trong khu vực và trên thế giới đã trao đổi với nhau rất nhiều. Từ đó, lập trường của các bên đã tương đối được thông suốt.

Điều này lại càng khiến cho nguy cơ xảy ra xung đột quân sự tiếp tục giảm. Nhưng chưa rõ là các bên có quay lại bàn đàm phán hay không. Đây là một câu hỏi chưa có lời giải.

Mặc dù vậy, rõ ràng đã xuất hiện một bước chuyển chiến lược. Trong đó, quan điểm, lập trường, rồi sự cọ sát về lập trường và lợi ích của các bên đang có xu hướng gia tăng. Rủi ro vẫn rất là cao. Bên cạnh đó, đề xuất “ngừng đổi ngừng” của Trung Quốc để hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán đã bị từ chối. Những lời lẽ kích động, những hành động khiêu khích vẫn liên tiếp được cả hai bên đưa ra khiến cho triển vọng nối lại cơ chế đàm phán 6 bên, vốn bị đình trệ gần 10 năm qua, ngày càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Với những quan điểm cứng rắn của cả hai bên, việc khôi phục đàm phán vào một tương lai gần là điều quá khó. Mỹ muốn CHDCND Triều Tiên quay trở lại đàm phán và phi hạt nhân hóa trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và một hiệp ước hòa bình được thảo luận cụ thể. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại muốn được dỡ bỏ trừng phạt và đàm phán về hiệp ước hòa bình trước khi họ cân nhắc có quay trở lại bàn đàm phán hay không.

Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc có thể thuyết phục được tất cả các bên cùng thỏa hiệp và quay trở lại bàn đàm phán, căng thẳng có thể cũng sẽ chỉ lắng dịu đôi chút, vì việc buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân dường như là điều bất khả thi.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.