Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn để hỗ trợ nhân đạo tại Syria
- Lực lượng đối lập Syria: “chuyến thăm Nga của ông Erdogan sẽ là bước đi tích cực”
- Giấc mộng kinh hoàng của cô gái Syria bị đưa đến "động mại dâm" ở Lebanon
- Syria không ngừng chảy máu chất xám do nội chiến
Tuyên bố nêu rõ: “LHQ cực kỳ quan ngại những hậu quả thảm khốc mà hàng triệu dân thường có thể phải gánh chịu nếu hệ thống điện, nước, không được sửa chữa ngay lập tức”.
Theo Điều phối viên về vấn đề nhân đạo của LHQ tại Syria Yacoub El Hillo và điều phối viên khu vực Kevin Kennedy, hiện có tới 2 triệu người ở tại Aleppo thiếu nước sạch, kéo theo nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, có 250.000 - 275.000 người bị mắc kẹt ở phía Đông Aleppo, sau khi tuyến đường Castello - tuyến tiếp viện cuối cùng tới khu vực hiện đang bị phe nổi dậy kiểm soát đã bị đóng cửa hồi tháng trước.
Cũng với đó, dự trữ lương thực và thuốc men “đang xuống tới mức thấp nguy hiểm”. Trong khi đó, người phát ngôn Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Christophe Boulierac nhấn mạnh trẻ em và các gia đình ở Aleppo đang phải đối mặt với “thảm họa” sau khi giao tranh phá hỏng hệ thống điện dùng để bơm nước.
Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi một đợt nắng nóng sắp diễn ra, khiến trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thiếu nước sạch như tiêu chảy.
Quân nổi dậy pháo kích căn cứ của quân đội Syria ở phía Nam Aleppo để làm suy yếu tuyến phòng thủ trước khi mở một cuộc tấn công trên bộ. Ảnh: Daily Mail. |
Bày tỏ ủng hộ tuyên bố của LHQ, EU khẳng định việc ngừng bắn để hỗ trợ nhân đạo chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới ngừng bắn chính thức tại Syria phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Theo EU, việc khôi phục lệnh ngừng bắn không chỉ cho phép cộng đồng quốc tế tiếp cận nhằm hỗ trợ người dân ở Aleppo, mà còn mở đường khôi phục lại các cuộc đàm phán Syria.
Cùng với EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng cùng cho rằng, cần phải thiết lập lệnh ngừng bắn ở Syria, cung cấp viện trợ nhân đạo và sớm tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Phát biểu ngày 10-8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định Ankara đang xây dựng một “cơ chế vững mạnh” với Moskva nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria.
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra cùng ngày, Mỹ và Pháp đã kêu gọi hỗ trợ nhân đạo ở Aleppo trước khi thúc đẩy chiến lược ngoại giao mới nhằm hướng tới chấm dứt xung đột. Trong khi đó, Nga cho rằng, không nên đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho các cuộc đàm phán tại Geneva.
Cụ thể, Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin nói rằng, sẽ tốt hơn khi bước vào vòng hòa đàm mới mà không có các cuộc giao tranh, nhưng không nên đặt ra điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán.
Ông Churkin cũng kêu gọi các nước có ảnh hưởng với phe đối lập Syria đảm bảo chắc chắn là họ sẽ tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai.
Còn trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier diễn ra hôm 9-8, hai Ngoại trưởng đã trao đổi quan điểm về tình hình Syria, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại cuộc đối thoại giữa chính phủ và các phe nhóm đối lập trong khuôn khổ đàm phán hòa bình ở Geneva, cũng như các nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả cuộc chiến chống các nhóm khủng bố và cực đoan ở Syria, thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo.
Cũng trong ngày 9-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình lên Duma quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn thỏa thuận với Syria về việc bố trí đơn vị không quân Nga trên lãnh thổ Syria.
Thỏa thuận được Bộ Quốc phòng Nga và Syria kí ngày 26-8-2015 tại thủ đô Damascus theo đó việc bố trí đơn vị không quân Nga trên lãnh thổ Syria nhằm mục đích duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và đơn vị này chỉ mang tính phòng thủ, không nhằm chống lại các quốc gia khác.
Trước đó, hôm 5-8, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng đã đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đẩy mạnh cuộc chiến chống các nhóm cực đoan ở Syria này bởi chúng đang sử dụng khí độc nhằm vào dân thường.