Khu vực Đông Á vẫn nhiều điểm “nóng” trong năm 2019

Chủ Nhật, 30/12/2018, 08:14
Chỉ còn không đầy 50 giờ nữa, năm 2018 sẽ qua đi. Trong năm qua, nhiều điểm “nóng” trong bức tranh thế giới đã dần chuyển qua gam mầu “dịu” hơn. Nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão. Khu vực Đông Á cũng không nằm ngoài “dòng chảy này”.

Trong bài bình luận đăng trên tờ The Straistimes của Singapore mới đây, ông Hugh White, Giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Australia, đã đưa ra dự báo tình hình một số điểm “nóng” của Đông Á năm 2019 trong bối cảnh nền tảng là cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Giáo sư Hugh White, đối với Mỹ, cuộc thương chiến với Trung Quốc không hẳn là việc làm giảm việc thâm hụt thương mại giữa hai nước mà mục tiêu sâu xa hơn là ngăn chặn thách thức ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với vai trò của Washington vốn được coi là nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Mỹ có thể tuyên bố rằng, cuộc chiến này là nhằm vào các biện pháp cạnh tranh kinh tế không lành mạnh của Trung Quốc nhưng mối quan tâm thực sự của Mỹ còn sâu xa hơn nhiều.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi gặp mặt. Ảnh: Getty Images.

Mỹ lo ngại trong tương lai không xa, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và sẽ dẫn đầu trong các công nghệ quan trọng mới. Hay nói cách khác, Mỹ muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và rõ ràng đây là điều mà Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận.

Điều đó có nghĩa cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai bên sẽ không dễ dàng được giải quyết thông qua một cuộc đàm phán chóng vánh, nơi mà Trung Quốc đưa ra một vài nhượng bộ và hai bên trở lại tình trạng bình thường. Trừ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngừng cuộc chiến, điều dường như không thể xảy ra, thì có thể dễ dàng thấy rằng, trong năm 2019, mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, động lực chính của toàn cầu hóa, ngày càng rạn nứt.

Điều đó sẽ gây ra những hậu quả trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đặc biệt là đối với châu Á. Nhưng như vậy vẫn chưa phải là những hậu quả duy nhất. Một ví dụ cụ thể là, việc nhìn vào tương lai của công nghệ 5G – việc mà nhiều chuyên gia dự báo rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ phát triển riêng biệt và hệ thống hai bên không tương thích nhau.

Thậm chí, có người còn băn khoăn rằng Internet thế giới sẽ phân chia theo hệ thống của Mỹ hay Trung Quốc. Đó rõ ràng không phải là một thế giới mà chúng ta mong muốn. Tất nhiên, sự cạnh tranh kinh tế và công nghệ đang gia tăng giữa hai nước đan xen với cạnh tranh chiến lược đang diễn ra mạnh mẽ.

Năm 2018 sẽ đi vào lịch sử là năm mà người Mỹ cuối cùng cũng nhận ra rằng, Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự Đông Á bằng việc thay thế vai trò của Mỹ là cường quốc chính tại khu vực này. Sau nhiều năm hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục chấp nhận sự lãnh đạo của Mỹ, các nhà hoạch định chính sách tại Washington đã thay đổi quan điểm. Họ nhận ra tham vọng rõ ràng của Trung Quốc và nhất trí quyết tâm làm tất cả để đánh bại Trung Quốc và bảo vệ vai trò lãnh đạo của Mỹ. Vấn đề nằm ở Mỹ nhưng làm thế nào để Mỹ có thể giành chiến thắng trước Trung Quốc?

Nhiều tiếng nói ở Washington cho rằng đó là cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc. Nhưng cuộc Chiến tranh Lạnh mới này sẽ chiến thắng như thế nào khi Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm hơn so với những đối thủ khác của Mỹ, kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai? Và cái giá cũng như những rủi ro của cuộc Chiến tranh Lạnh mới này là như thế nào? Thế giới hiện chỉ chứng kiến những bước đi chệch choạc và không chắc chắn của Mỹ để nhằm chống lại sự lớn mạnh và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Do vậy, nước Mỹ có rất nhiều việc cần phải làm trong năm 2019 để phát triển thành một chiến lược mạch lạc và chắc chắn. Tuy nhiên, điều này là không hề dễ dàng. Liệu Mỹ có thể xây dựng một chiến lược ngoại giao tiếp cận nhằm thuyết phục các nước láng giềng của Trung Quốc tại châu Á cùng nhau chống lại Bắc Kinh cũng như ngăn chặn ảnh hưởng của nước này?

Liệu Mỹ có thể lôi kéo được các nước khỏi các cơ hội hấp dẫn về kinh tế mà Trung Quốc đưa ra? Liệu Mỹ có thể phát triển một chiến lược hoạt động khả thi để khôi phục lại cân bằng quân sự mà Mỹ đã đánh mất trong những năm gần đây với việc năng lực hải quân và không quân của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh? Và liệu Mỹ có thể thắng thế Bắc Kinh trong các thử thách tương lai không, hay Mỹ sẽ lại dò dẫm và rút lui trước Trung Quốc như đã làm trong vấn đề Biển Đông trong những năm gần đây?

Điểm “nóng” thứ hai là Bán đảo Triều Tiên. Tình hình Bán đảo Triều Tiên dường như sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn trong năm 2019. Vào thời điểm này trong năm 2017, nguy cơ về một cuộc chiến tại đây đã tăng cao với việc Mỹ khăng khăng đòi CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều mà Bình Nhưỡng thẳng thừng bác bỏ. Tuy nhiên, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 tại Singapore, bầu không khí hòa dịu giữa hai bên đã xuất hiện.

Ông Kim Jong-un dường như không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình nhưng việc CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu nối lại các cuộc tiếp xúc và cho thấy hai bên cam kết sẽ giảm căng thẳng cũng khiến Mỹ tạm hài lòng. Một trong những câu hỏi quan trọng trong năm 2019 là liệu tiến trình hòa hoãn hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp diễn như thế nào và kết quả ra sao?

Có ý kiến tại Washington lo ngại rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện đang giảm áp lực buộc CHDCND Triều Tiên phải giải trừ vũ khí hạt nhân bằng sự háo hức xây dựng các mối liên kết về kinh tế và chính trị giữa hai miền. Tuy nhiên, có lẽ Tổng thống Donald Trump không quan tâm lắm đến điều đó.

Dường như người đứng đầu Nhà Trắng hứng khởi với việc tuyên bố thành công về ngoại giao với CHDCND Triều Tiên hơn là việc loại bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Và có vẻ như Tổng thống Moon Jae-in cũng sẵn sàng thách thức Washington để giúp Bình Nhưỡng tiến lên. Vì lẽ đó năm 2019 sẽ là năm mà ít nhất tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên sẽ được tuyên bố là chấm dứt.

Tiếp tục với điểm “nóng” thứ ba. Năm 2018 là năm đáng chú ý với việc nhiều quốc gia chủ chốt trong khu vực đã định vị lại chính sách cũng như vị trí của mình trước những cạnh tranh ngày càng tăng về chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Từng nước một dù là đồng minh hay bạn bè của Mỹ tại châu Á cũng từng bước giảm sự ủng hộ đối với Washington. Hàn Quốc đã lựa chọn con đường riêng của mình trong mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên. ASEAN tìm cách ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của các cường quốc cạnh tranh, can thiệp vào tình hình của khối.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đưa ra thông điệp rõ ràng rằng, New Delhi sẽ không tham gia liên minh do Mỹ dẫn dắt nhằm đối kháng Trung Quốc. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã theo đuổi một cách tiếp cận thận trọng bằng việc tiến hành một chuyến thăm thành công đến Bắc Kinh. Và thậm chí, Australia, một đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở châu Á cũng từ chối tán thành tuyên bố cạnh tranh về chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Rõ ràng là không ai ở châu Á mong muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng năm 2019 có lẽ sẽ là năm mà các quốc gia khu vực phải đối mặt với áp lực buộc phải làm điều này. Do vậy, đối với các nhà lãnh đạo và ngoại giao khu vực, 12 tháng tới là thời gian mà họ có rất nhiều việc cần phải làm.

PV (tổng hợp)
.
.
.