Không có giải pháp quân sự cho cuộc nội chiến ở Syria

Thứ Năm, 27/10/2016, 08:03
Đó là tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 26-10 tại Brussels, Bỉ. Cùng với đó, EU cũng đã kêu gọi Chính phủ Syria và các đồng minh của nước này kéo dài “khoảng dừng nhân đạo” ở thành phố Aleppo, miền Bắc Syria.

Nga và Chính phủ Syria cũng sẵn sàng tiếp tục tạm dừng các cuộc không kích và tấn công tại thành phố Aleppo để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo với điều kiện các tổ chức quốc tế có thể đảm bảo tiến hành hiệu quả việc sơ tán dân thường bị mắc kẹt trong thành phố.

Lời kêu gọi ngừng bắn của EU được Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini và Ủy viên châu Âu về viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Christos Stylianidis xác nhận trong các tuyên bố cùng ngày tại Brussels (Bỉ).

Cụ thể, EU đã kêu gọi tất cả các bên cần chứng tỏ tinh thần sẵn sàng bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho người dân Syria, cũng như không cản trở hoạt động của các tổ chức nhân đạo. Tất cả các bên xung đột phải ngừng bắn vào các khu vực có dân thường, các cơ sở y tế, cũng như hạ tầng cơ sở của thành phố Aleppo.

Khung cảnh hoang tàn tại Syria sau những cuộc không kích.

Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định hiện có 6 tuyến hành lang nhân đạo hoạt động 24/24h tại Aleppo, cung cấp thực phẩm và hàng thiết yếu cho dân thường rời khỏi khu vực phía Đông thành phố, hiện do lực lượng chống đối kiểm soát.

Ông cũng cho biết, không quân Nga và Syria đang giám sát lệnh tạm ngừng các chuyến bay qua không phận Aleppo trong 8 ngày.

Trước đó, tối 25-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức Frank-Walter đã điện đàm về tình hình nhân đạo ở Aleppo và giải pháp cho cho cuộc xung đột Syria. Hai vị Bộ trưởng nhất trí cơ quan ngoại giao hai nước sẽ duy trì đối thoại thường xuyên để thảo luận về mọi vấn đề liên quan đến tình hình Syria.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, việc các phần tử khủng bố Mặt trận al-Nusra và phiến quân ngăn cản hoạt động cứu trợ nhân đạo, cũng như cản trở sơ tán người bị thương tại Aleppo là không thể chấp nhận.

Ông hối thúc Mỹ thực hiện cam kết tách biệt lực lượng đối lập mà Washington cho là ôn hòa với các tổ chức khủng bố, coi đây điều kiện tiên quyết để thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Syria.

Cũng trong ngày 25-10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ gia hạn việc tạm ngừng các cuộc không kích ở thành phố Aleppo.

Người đứng đầu bộ phận Điều phối phản ứng nhanh trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy tuyên bố rằng, Nga đã sẵn sàng tiếp tục thực hiện “khoảng dừng nhân đạo” ở Aleppo, với điều kiện phải nhận được những thông tin đáng tin cậy về công tác sơ tán người bệnh, người bị thương và dân thường khỏi thành phố.

Phía Nga khẳng định, máy bay của nước này và Syria đã không tiến hành bất kỳ cuộc không kích nào ở Aleppo trong suốt 7 ngày qua, cho dù lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày đã kết thúc cuối tuần qua.

Lệnh ngừng bắn vì lý do nhân đạo được thực hiện tại Aleppo từ ngày 20 đến 22-10 nhằm sơ tán người bệnh, người bị thương và dân thường khỏi Aleppo theo 8 hành lang nhân đạo. Tuy nhiên, theo tướng Rudskoy, “bọn khủng bố đang ra sức ngăn chặn mọi lối thoát khỏi phía Đông Aleppo, các hành lang nhân đạo hầu như vẫn bị ngăn chặn và tất cả những người cố thoát khỏi Aleppo đều trở thành mục tiêu của các tay súng bắn tỉa”.

Trong khi đó, tại thực địa, quân đội Syria, dưới sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu Syria và Nga, ngày 25-10 đã tiếp tục tấn công dồn dập vào các căn cứ và phòng tuyến của các nhóm khủng bố ở thị trấn Kafr Zita, al-Latamina, và gần các thị trấn Ma'an, al-Naseriyeh, Souran thuộc tỉnh Hama, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, pháo và bệ phóng súng cối của phiến quân, tiêu diệt một số lượng lớn phần tử cực đoan ở đây.

Trước đó, vào ngày 24-10, quân đội Syria và lực lượng đồng minh bắt đầu một chiến dịch phối hợp chung nhằm đánh bại các nhóm khủng bố, quyết giải phóng thị trấn Taybat al-Imam và Souran ở phía Bắc Hama khỏi sự kiểm soát của phiến quân.

Cùng ngày, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát đỉnh đồi Bazo, vùng nông thôn ở phía Tây Nam của Aleppo sau các cuộc không kích dữ dội buộc phiến quân nhóm Jaish al-Fateh phải rút chạy. Đây là bước tiến mới nhất sau hàng loạt chiến thắng của lực lượng chính phủ tại khu vực chiến lược này.

Theo số liệu thống kê mới nhất của các tổ chức nhân quyền về cuộc chiến tại Syria được công bố hôm 26-10, Liên minh chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu tại Syria đã khiến cho 300 người dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích.

“Chúng tôi lo ngại rằng các chiến dịch của phe liên minh đang thực sự đánh giá thấp mối nguy hại của các chiến dịch tại Syria lên dân thường”, Lynn Maalouf, Giám đốc nghiên cứu tại Beirut của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết, “một số cuộc tấn công có thể nhằm chính xác vào các đối tượng nguy hiểm, nhưng một số khác lại không phân biệt ai cả… Đã đến lúc phía Chính phủ Mỹ cần đứng ra xác nhận số người dân thường đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của phe liên mình của mình tại Syria”.

Các tổ chức nhân quyền đã dành ra nhiều tháng để thực hiện các cuộc phỏng vấn nhân chứng, chụp hình và quay các đoạn băng, thu thập các hình ảnh vệ tinh để ước tính số dân thường đã thiệt mạng.

AI đang kêu gọi phe liên mình nên cẩn trọng hơn trước khi tiến hành các chiến dịch của mình, và đề cập tới khả năng yêu cầu các cuộc điều tra độc lập về việc vi phạm luật pháp quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.