“Không ai bị quên lãng và không điều gì bị lãng quên”

Chủ Nhật, 10/05/2020, 09:48
Đó là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh về dòng chữ khắc trên bia đồng ở các nghĩa trang liệt sĩ thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Đây là lời nhắc nhở về những bài học của Chiến tranh Thế giới thứ hai khi nhân loại đang trong những cuộc đấu tranh mới.

Nhân 75 năm chiến thắng của quân và dân Liên bang Xô Viết trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 – 9/5/2020), nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã gửi những thông điệp chúc mừng, nhấn mạnh dấu mốc chói lọi trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20, tri ân những người đã mang lại nền hòa bình cho thế giới, đồng thời khẳng định tinh thần hợp tác để chiến thắng chủ nghĩa phát xít cách đây 75 năm vẫn còn sôi sục trong những cuộc chiến đấu mới.

Thế giới đã và đang bước vào thời đại toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, với mong muốn cùng sống trong hòa bình và phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít mới đã biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như xung đột sắc tộc, tôn giáo và khủng bố. Những bài học của cuộc chiến chống phát xít vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, sẽ luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới bảo vệ và phát huy.

Trong bài phát biểu trước Ngọn lửa vĩnh cửu bên cạnh Mộ Chiến sĩ vô danh ở Thủ đô Moscow, Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi truyền thống yêu nước và sự hy sinh to lớn của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bày tỏ lời biết ơn sâu sắc nhất và gửi lời chúc đến các cựu chiến binh. Ông nói: “Đây là ký ức và niềm tự hào của chúng ta, là lịch sử của đất nước chúng ta, là một phần tâm hồn của chúng ta vốn đã được cha mẹ, ông bà truyền lại cho chúng ta”… 

Người đứng đầu nhà nước Nga đánh giá cao sự đoàn kết của các dân tộc Liên Xô trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung: “Chúng ta cúi đầu trước thế hệ những người chiến thắng vĩ đại. Họ đã cứu nguy cho Tổ quốc, giải phóng thế giới, khôi phục các thành phố và làng mạc. Chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với chiến công của nhân dân Liên Xô vĩ đại, những người có các quốc tịch khác nhau nhưng đã kề vai sát cánh bên nhau”. 

Người đứng đầu nhà nước Nga kết luận những kỷ niệm và những niềm hy vọng chung, những khát vọng và trách nhiệm chung trước hiện tại và tương lai sẽ gắn kết tất cả người dân Nga, đồng thời bày tỏ tin tưởng "chúng ta sẽ chiến thắng khi sát cánh bên nhau".

Do ảnh hưởng của COVID-19, năm nay, người dân Nga không được chứng kiến lễ duyệt binh quy mô lớn như mọi năm, mà thay vào đó sẽ chỉ còn lễ duyệt binh trên không.

Trước đó, trong thông điệp chúc mừng gửi tới các nhà lãnh đạo quốc tế, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh ý nghĩa chiến thắng vĩ đại khép lại Chiến tranh Thế giới thứ hai, đánh dấu thời khắc quan trọng của toàn nhân loại. 

Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định luôn lưu giữ ký ức về những đóng góp của quân đội các nước phe đồng minh trong chiến thắng này, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác giữa các nước trong việc đối phó với thách thức chung của thế giới trong thời điểm hiện nay. 

Ông nhấn mạnh: “Đối với nước Nga, ngày 9/5 là ngày lễ vĩ đại nhất, thiêng liêng nhất. Chúng ta tự hào bởi thế hệ của những người chiến thắng. Chúng ta tôn vinh những chiến công, ký ức, không chỉ nhằm thể hiện sự tôn trọng quá khứ lịch sử mà còn vì tương lai của chúng ta, cổ vũ, củng cố khối thống nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ sự thật về Chiến thắng”.

 Trong khi đó, trong những lời chúc mừng, điện đàm của nhiều nhà lãnh đạo các nước với Tổng thống Vladimir Putin nhân kỷ niệm sự kiện trọng đại này đều đã ghi nhận sự đóng góp quyết định của Liên Xô trong việc giải phóng châu Âu khỏi chủ nghĩa phát xít, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn sự thật về cuộc chiến, phản đối những nỗ lực sửa đổi kết quả và làm sai lệch lịch sử.

Chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đánh dấu sự kết thúc của cuộc Thế chiến II, ghi công của Liên Xô cùng những hy sinh to lớn của những người lính Hồng quân và nhân dân Liên Xô. Và những nỗ lực để bác bỏ điều này là không thể chấp nhận được. 

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố: “Tôi thậm chí không thể tưởng tượng làm thế nào mọi người ngày nay có thể nói những lời báng bổ như vậy, khi biết rằng Liên Xô đã mất 27 triệu người. Chúng ta không được im lặng, chúng ta phải nói về nó, nhưng nói một cách bình tĩnh, hợp lý và cố gắng truyền đạt cho người Mỹ bình thường, đến những người bình thường ở châu Âu và trên trái đất rằng, chính người lính Liên Xô đã giải phóng châu Âu”. 

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V.Matvyenko, trong lời chúc mừng gửi đến toàn thể người dân, được đăng trên trang của Hội đồng Liên bang Nga đã cho rằng, chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong cuộc chiến khủng khiếp đó phải được nhân loại công nhận là di sản thế giới của mình và các tượng đài cho các chiến sỹ-người giải phóng là đài tưởng niệm thế giới đối với nhân loại. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng. 

Theo bà, các chính trị gia có trách nhiệm đặc biệt trong việc giữ gìn sự thật lịch sử, quan tâm tới các cựu chiến binh, giáo dục lòng yêu nước của giới trẻ. Và chỉ có việc thực hiện nhất quán và trung thực sứ mệnh cao cả này mới có thể đảm bảo một tương lai thịnh vượng cho nhân loại, được bảo vệ khỏi các cuộc chiến tranh thế giới mới.

Trong khi đó, trong bài phát biểu nhân Ngày Chiến thắng ở châu Âu, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định, trật tự thế giới ra đời từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đang đổ vỡ và thế giới cần chuẩn bị cho những biến động mới. Ông cho rằng, thế giới cần rút ra bài học từ quá khứ và hợp tác cùng nhau để chống lại các thách thức hiện tại.

“Chúng ta không đơn độc. Đó là tin vui của ngày hôm nay. Chúng ta sống trong một nền dân chủ mạnh mẽ, giữa lòng một châu Âu hòa bình và thống nhất. Chúng ta tận hưởng niềm tin, thu hoạch những thành quả của sự hợp tác và mối quan hệ đối tác với toàn thế giới. Ngày nay, người Đức chúng ta được phép nói: ngày giải phóng là một ngày của lòng biết ơn!”, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nói.

Cả thế giới hiện đang lao đao vì đại dịch COVID-19. Nhưng rõ ràng, dù dịch có bùng phát hay không, thì các nước châu Âu cũng không thể lãng quên hoặc bỏ qua một dịp quan trọng như Ngày Chiến thắng. Các nước vẫn có những cách riêng để kỷ niệm một ngày có ý nghĩa quan trọng như thế này. 

Tại Nga, đại dịch COVID-19 khiến các sự kiện tập trung đông người không được phép diễn ra, tuy nhiên, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng vẫn được tổ chức, nhưng không phải trên Quảng trường Đỏ như mọi năm mà là trên bầu trời Thủ đô Moscow. 

Lễ duyệt binh trên không này có sự tham gia của các máy bay ném bom tầm xa, các tiêm kích hàng đầu, vận tải cơ quân sự cùng các nhóm bay biểu diễn nổi tiếng. Điểm nổi bật của sự kiện năm nay là sự tham gia của tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, vốn hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.