Iraq bắt đầu chiến dịch giải phóng Mosul từ tay IS

Thứ Ba, 18/10/2016, 08:39
Sau nhiều tháng cùng các lực lượng đồng minh siết chặt vòng vây tại Mosul ở miền Bắc Iraq, sáng 17-10, chiến dịch tái chiếm thành phố này từ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chính thức khởi động sau mệnh lệnh của Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iraq Haider al-Abadi.

Từ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố chiến dịch này là “chìa khóa” để đánh bại IS. Tuy nhiên, việc đánh bại IS ở Mosul sẽ là chiến thắng lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Abadi, nhưng cũng có thể gây ra nhiều vấn đề, gồm cả cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Phát biểu trên kênh truyền hình Iraq sáng cùng ngày, Thủ tướng Abadi tuyên bố: “Hỡi những người dân thân yêu ở tỉnh Nineveh, thời khắc để giành chiến thắng đã đến, các hoạt động giải phóng Mosul đã bắt đầu. Hôm nay tôi tuyên bố bắt đầu chiến dịch để giải phóng người dân khỏi bạo lực của IS”. 

Thủ tướng Iraq nói thêm: “Tất cả các tôn giáo hãy đoàn kết lại với nhau, chúng ta sẽ đánh bại IS để xây dựng lại thành phố Mosul thân yêu”.

Ông Abadi cũng cho biết, lực lượng dẫn đầu chiến dịch giải phóng là quân đội Iraq cùng với cảnh sát quốc gia. Ngay sau lời phát động tấn công của Thủ tướng Iraq, các binh đoàn nước này cùng với súng ống, xe quân sự đã rầm rập kéo về giải phóng thành phố Mosul.

Các cánh quân tinh nhuệ của quân đội Iraq và các tay súng ủng hộ chính phủ đã nã pháo kích dữ dội về phía các mục tiêu khủng bố IS ẩn náu bên trong Mosul, cũng như phá hủy cây cầu chính dẫn vào thành phố này để ngăn không cho phiến quân chạy trốn.

Các binh đoàn cũng được bố trí lực lượng xung quanh khu vực Khazer ở phía Đông thành phố, khu vực gần đập Mosul và vùng Bashiqa. Người dân đã được cảnh báo đóng chặt các cánh cửa và ở yên trong nhà bởi trận chiến này sẽ vô cùng đẫm máu.

Thông báo từ lực lượng an ninh Iraq cũng yêu cầu cư dân Mosul tránh lưu tới một số khu vực chiến sự khốc liệt trong thành phố.

Theo lời Chuẩn tướng Haider Fadhil, quân đội Iraq có thể huy động hơn 25.000 quân tham gia chiến dịch tiến công giành lại Mosul. Để chuẩn bị cho việc khởi động kế hoạch này, từ hôm 15-10, quân đội Iraq đã chuyển xe tăng, súng cối và pháo tới khu vực ngoại vi phía Đông của thành phố Mosul.

Theo truyền thông địa phương, vũ khí hạng nặng đã được di chuyển từ Khazer, phía Tây thành phố Erbil, ra tiền tuyến. Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Iraq cũng như lực lượng Mỹ cũng đã có mặt tại Khazer.

Quân đội Iraq cùng với súng ống, xe quân sự đã rầm rập kéo về giải phóng thành phố Mosul. Ảnh: Reuters

Theo giới chức Iraq, đợt tấn công trên bộ quy mô lớn này có thể được phát động trong tháng này, với sự yểm trợ trên không của Mỹ, cũng như có sự tham gia của lực lượng an ninh người Kurd cũng như các đơn vị dân quân người Shiite và Sunni.

Trong khi đó, Bộ trưởng Carter tuyên bố đây là thời điểm quyết định trong chiến dịch nhằm đẩy lùi và tiêu diệt IS, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng quân đội Iraq sẽ giành chiến thắng trước “kẻ thù chung” IS và giải phóng thành phố Mosul cũng như phần còn lại ở Iraq.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng cam kết tiếp tục ủng hộ Iraq, nhấn mạnh rằng Mỹ và liên minh quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq và người dân nước này trong cuộc chiến khó khăn phía trước.

Theo thông báo của Lầu Năm góc, gần đây, Mỹ quyết định triển khai thêm khoảng 600 quân để hỗ trợ đánh chiếm thành phố, nâng tổng số quân Mỹ lên hơn 5.200.

Cũng ngày, các nguồn tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 1.500 trong số 3.000 binh lính Iraq được Ankara huấn luyện tại trại Bashiqa, miền Bắc Iraq đang tham gia chiến dịch đẩy lui IS khỏi thành phố Mosul trong khi số còn lại đang làm quân dự bị.

Theo giới phân tích, chiến địch tái chiếm Mosul nếu thành công sẽ là chiến thắng lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Abadi khi đang phải vật lộn để giành lấy sự tín nhiệm của người dân cũng như chứng minh sự dũng cảm của quân đội.

Kết thúc sự thống trị của IS ở Mosul cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Iraq lấy lại được một khu vực giàu có tiềm năng dầu mỏ, nhưng vấn đề là tới nay vẫn chưa có một con số chính xác về số người còn lại ở Mosul.

Tuy nhiên, Liên Hợp quốc (LHQ) cảnh báo chiến dịch tái chiếm Mosul có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo do con người tạo ra lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) phụ trách vấn đề cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp Stephen O'Brien ngày 16-10 bày tỏ: “Tôi vô cùng quan ngại về sự an toàn của 1,5 triệu người dân đang sống tại Mosul vì họ có thể bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch quân sự nhằm giành lại thành phố này từ tay IS”, đồng thời cảnh báo “nhiều gia đình có nguy cơ cao bị trúng đạn lạc hoặc trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng bắn tỉa”.

Vấn đề càng không đơn giản khi Mosul là một thành phố mà người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, vì thế, chiến dịch đánh chiếm Mosul còn làm dấy lên nỗi lo trở thành một cuộc xung đột giáo phái giữa dòng Sunni và dòng Shiite.

Khổng Hà
.
.
.