Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng thể hiện thái độ cứng rắn với Mỹ

Thứ Ba, 10/10/2017, 07:53
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã tuyên bố về “một sự đáp trả phù hợp” sau khi Mỹ công bố chiến lược mới về Iran. Trong khi đó, chỉ ít giờ sau khi Mỹ ngừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara cũng ngừng cấp thị thực không nhập cư cho công dân Mỹ.


Tuyên bố của phía Iran được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và sẽ khôi phục các biện pháp đáp trả đối với những vụ thử tên lửa của Iran cũng như việc Tehran được cho là đang hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, “những lợi ích” mà Tehran thu được trong các cuộc đàm phán hạt nhân và trong việc đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này sẽ “không bao giờ có thể bị cướp đi”.

Ám chỉ đến kế hoạch công bố chiến lược mới về Iran của người đứng đầu Nhà Trắng, trong một phát biểu hôm 8-10 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh: “Khi nào ông Trump đưa ra những bình luận (về Iran)… nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp”.

Theo ông Zarif, Iran sẽ vẫn theo đuổi chính sách của nước này trong khu vực, bất chấp sự chỉ trích từ những quốc gia khác, đồng thời khẳng định nước này là một trụ cột đối với sự ổn định cũng như những nỗ lực chống khủng bố trong khu vực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại cuộc gặp ngày 4-10. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Mohammad Ali Jafari cảnh cáo Tehran sẽ coi quân đội Mỹ giống như cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nếu Mỹ coi IRGC là nhóm khủng bố.

Theo Tướng Ali Jafari, nếu các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran được đưa ra sẽ chấm dứt mọi cơ hội đối thoại giữa hai nước trong tương lai và đây là một sai lầm của nước Mỹ. Chia sẻ quan điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ không phạm phải sai lầm chiến lược này. Vì với một sai lầm như vậy, Mỹ sẽ phải đối mặt với một hậu quả nghiêm trọng”.

Viễn cảnh Mỹ từ bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng đã khiến đồng minh của Mỹ, trong đó có các nước Liên minh châu Âu (EU) đứng ngồi không yên. Bởi lẽ, ngoài lợi ích kinh tế, những người ủng hộ thỏa thuận tin rằng, nếu sụp đổ, Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực khiến tình hình Trung Đông thêm căng thẳng.

Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán nước này tại Washington đã đình chỉ tất cả các hoạt động cấp thị thực không định cư tại các cơ sở ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ. Thông báo của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: “Các sự kiện gần đây buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải đánh giá lại cam kết của Chính phủ Mỹ đối với an ninh của phái đoàn và nhân viên ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Quyết định của Ankara sẽ được áp dụng đối với thị thực trong hộ chiếu, thị thực điện tử, thị thực được cấp tại biên giới cũng như các loại thị thực được cấp tại các trụ sở ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định bước đi trên nhằm giảm số lượng người tới Đại sứ quán và Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ để xin cấp thị thực.

Trước đó, Mỹ thông báo quyết định ngừng cung cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại tất cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ tại nước này sau khi chính quyền Ankara hồi tuần trước đã bắt giữ một nhân viên lãnh sự Mỹ tại Istanbul do cáo buộc có liên hệ với giáo sỹ Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Washington đã lên án việc bắt giữ trên là vô căn cứ và làm tổn hại quan hệ giữa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái “ăn miếng trả miếng” này cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn biến căng thẳng, kéo theo các mối quan hệ quân sự, tình báo và thương mại cũng đi xuống sau những tháng xảy ra sự bất đồng sâu sắc về cuộc chiến ở Syria và số phận giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gluen sống lưu vong ở Pennsylvania đang bị các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ truy nã.

Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một liên minh mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran được hình thành, với mục đích ban đầu là kiềm chế, ngăn chặn các hoạt động quân sự của Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ và luôn nhận được sự hỗ trợ hậu hĩnh từ Washington tại khu vực Trung Đông.

Đặc biệt là trong cuộc chiến chống IS, việc quân đội Iran tăng cường hiện diện ở Syria, đồng thời hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh quân đội Syria đang đứng trước cơ hội giành thắng lợi trước IS.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.