Iran ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Israel

Thứ Hai, 12/02/2018, 09:07
Tờ Daily Express của Anh ngày 11-2 dẫn lời Chuẩn Tướng Hossein Salami, Phó Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, cảnh báo rằng, Tehran có thể tạo ra “địa ngục” cho “chế độ Do Thái” của Israel. Lời cảnh báo được đưa ra sau vụ xung đột ngày 10-2 giữa Iran và Israel ở khu vực biên giới Syria liên quan tới việc một chiến đấu cơ F-16 của Tel Aviv bị tên lửa từ Syria bắn hạ hôm 10-2.

Chuẩn tướng Hossein Salami tuyên bố, “bất kỳ hành động gây hấn” nào của Israel sẽ đều gây ra một phản ứng nghiêm trọng và Iran có khả năng tạo ra “địa ngục cho những kẻ Do Thái”, cũng như phá hủy “tất cả những căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực bằng việc phát động các cuộc tấn công từ trong nước này”. Trong khi đó, liên quan tới việc Israel cáo buộc Iran tham gia với Syria bắn hạ chiến đấu cơ F-16 của nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi nhấn mạnh: “Tuyên bố về máy bay không người lái (UAV) của Iran và Tehran dính líu đến việc bắn hạ một máy bay chiến đấu Do Thái thật nực cười, đến nỗi không đáng để bình luận”.

Hiện trường chiếc F-16 của Israel bị bắn hạ.

Ông Bahram Qassemi nói thêm rằng, các quan chức Iran đang hoạt động tại Syria chỉ với vai trò cố vấn và “theo đề nghị của chính phủ hợp pháp và chính thống”. Quan chức ngoại giao này khẳng định, Syria là một nhà nước có chủ quyền, và chính phủ cũng như các lực lượng vũ trang của nước này có “quyền hợp pháp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình trước bất kỳ sự xâm lược nào của nước ngoài”.

Bên cạnh đó, Iran cùng Syria, Nga và nhóm phiến quân Hezbollah ở Lebanon cũng đã bác bỏ tuyên bố của Israel rằng một máy bay không người lái Iran đã xâm nhập không phận Israel, chỉ trích Tel Aviv “nói dối” hòng triển khai các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào những mục tiêu ở Syria, đồng thời cam kết sẽ đưa ra "lời đáp trả kiên quyết và cứng rắn đối với bất cứ hành vi gây hấn mới nào".

Trước đó, ngay sau khi vụ việc máy bay tiêm kích F-16 bị bắn rơi, Israel đã thực hiện một cuộc tổng không kích lớn chưa từng có nhằm vào Syria. Tờ Guardian của Anh dẫn lời người phát ngôn quân đội Israel Jonathan Conricus cho biết, cuộc không kích của Israel đã phá huỷ 12 địa điểm, bao gồm 3 hệ thống phòng không và 4 “mục tiêu của Iran” gần thủ đô Damascus. Bộ Quốc phòng Israel cáo buộc Iran đứng đằng sau Syria đang làm căng thẳng leo thang. Phía Israel khẳng định, chiếc F-16 của họ rơi trong lúc làm nhiệm vụ tấn công cơ sở điều khiển UAV tại Syria.

 Những chiếc chiến đấu cơ này được gửi đến không phận Syria sau khi đã bắn rơi một chiếc UAV Iran xuất phát từ Syria xâm nhập không phận Israel trước đó vài giờ. Lý giải cho cuộc không kích quy mô lớn này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Tôi đã từng lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm khi có mặt các lực lượng quân sự của Iran trên lãnh thổ Syria. Chúng tôi có bằng chứng cho thấy Iran đang tìm cách sử dụng lãnh thổ của Syria để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel. Sáng 10-2, máy bay của Iran đã xâm phạm vào không phận Israel. Chính vì vậy, cả Iran và Syria đều phải chịu trách nhiệm cho sự việc hiện nay. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình”.

Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, sẽ là sai lầm khi nhân danh chống khủng bố để tấn công vào lãnh thổ của quốc gia khác. “Nếu một quốc gia nghĩ rằng, thông qua việc thúc đẩy chống khủng bố, hoặc can thiệp vào công việc của các nước khác, hoặc tấn công các nước láng giềng có thể đạt được những kết quả mong muốn  thì đó là sai lầm. Chúng ta cần hợp tác vì an ninh của khu vực chứ không phải là tấn công quân sự. Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi tất cả các nước khác hợp tác. Hôm nay, chúng ta đã tạo ra sự hợp tác 3 bên, 4 bên và 5 bên trong khu vực này, và chúng ta thấy những mối quan hệ này vì lợi ích của khu vực”, ông Rouhani nói.

Cùng với đó, các lực lượng đồng minh của Chính phủ Syria cảnh báo rằng, các cuộc tấn công của Israel nhằm vào hệ thống phòng không Syria và các mục tiêu Iran tại Syria sẽ “không được dung thứ”, thậm chí phải đối mặt với một sự phản kháng mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa ngay từ bây giờ.

Đây được coi là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất liên quan tới Syria, Iran và Israel kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria hơn 7 năm qua. Sự cố này sẽ nhen thêm một mồi lửa vào tình hình Syria vốn đang không thể nóng hơn. Trong bối cảnh đó, người phát ngôn của Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đang theo dõi sát sao sự leo thang quân sự đáng báo động trên toàn Syria và những dấu hiệu nguy hiểm lan rộng dọc biên giới nước này, đồng thời kêu gọi ngay lập tức giảm leo thang căng thẳng tại Syria.

Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã phải tiến hành cuộc họp khẩn cấp để cân nhắc một dự thảo ngừng bắn trong vòng 30 ngày để tạo điều kiện cho các hoạt động viện trợ nhân đạo. Nga cũng đã lên tiếng kêu gọi Israel không làm leo thang căng thẳng nhằm tránh một cuộc đối đầu mới trong khu vực. Tuyên bố của Điện Kremlin nhấn mạnh: “Phía Nga bày tỏ ủng hộ đối với việc tránh bất cứ bước đi nào có thể dẫn đễn một vòng đối đầu nguy hiểm mới trong khu vực”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế và tránh mọi hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Việc tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với cuộc sống cũng các binh sĩ Nga đang làm nhiệm vụ tại Syria theo đề nghị của chính phủ nước này nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố là hoàn toàn không chấp nhận được”.

Tuy nhiên, với những diễn biến ngày càng phức tạp, sự tham gia quân sự của các bên ngày càng mạnh mẽ như hiện nay thì khó có thể tìm một giải pháp chính trị nào cho hòa bình của không chỉ Syria, mà còn cho cả khu vực Trung Đông.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.