Hội nghị thượng đỉnh tổ chức Hợp tác Hồi giáo kết thúc trong bất đồng

Thứ Bảy, 16/04/2016, 22:57
Hôm 15-4, Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 13 của tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã bế mạc tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý là trong khi tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chống khủng bố, hòa bình ở Trung Đông thì đến phút cuối, OIC lại bộc lộ bất đồng sâu sắc về mối quan hệ với Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bỏ Hội nghị và không tham dự lễ bế mạc.


Hãng tin Reuters cho biết, Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 13 của OIC được khai mạc hôm 14-4 với sự tham gia của hơn 30 nguyên thủ quốc gia trong tổng số 57 quốc gia thành viên của tổ chức. 

Rắc rối chỉ bắt đầu nảy sinh khi OIC đưa ra một tuyên bố chung trong đó khẳng định rằng, sự can thiệp của Iran vào công việc nội bộ của các quốc gia trong khu vực là “không thể chấp nhận được”.

Đại diện một số nước còn cáo buộc chính quyền Tehran “tiếp tục ủng hộ khủng bố” và làm suy yếu nền an ninh của một số nước Hồi giáo khác trong đó có Bahrain, Yemen, Syria và Somalia.

 Tuyên bố còn có đoạn cáo buộc Iran xúi giục các hành động gây rối ở Arab Saudi là trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương của OIC và các quy định của luật pháp quốc tế…

Vụ việc phái đoàn ngoại giao của Arab Saudi tại Iran bị tấn công hồi tháng 1 vừa qua cũng bị nhắc lại và trong việc gia tăng căng thẳng quan hệ giữa Arab Saudi-Tehran, OIC cho rằng có lỗi rất nhiều của Iran bởi nước này đã không đảm bảo được an ninh cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Kênh truyền hình tiếng Arab Al-Jazeera đã cho phát một chương trình tổng kết về Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 13 của OIC và khẳng định, việc đưa nội dung lên án Iran vào trong tuyên bố chung đã gây ra sự tranh cãi gay gắt tại Hội nghị và dẫn tới việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani rời bỏ Hội nghị và không tham dự lễ bế mạc.

An ninh được thắt chặt trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 OIC. Ảnh: Ummid.

Hành động vớt vát cuối cùng, được cho là để “cứu nguy tình thế” là việc tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt tình trạng chia rẽ vàđối đầu giáo phái giữa các quốc gia Hồi giáo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xác lập mối quan hệ “láng giềng tốt” giữa OIC và Iran.

Bên cạnh các nội dung đáng chú ý ở trên, tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 của OIC còn bao gồm khoảng 200 quyết định khác nhau, trong đó có việc nhất trí kế hoạch chiến lược 10 năm tới của tổ chức.

Theo Tổng thư ký OIC Iyad Madani, vấn đề Palestine vẫn là nội dung nghị sự lớn nhất của Hội nghị và Hội nghị đã đưa ra nhiều quyết định liên quan đến nội dung này.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong vai trò nước chủ nhà hôm 14-4 đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo tăng cường ủng hộ Palestine để thành lập nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn nêu thêm 3 nội dung trọng tâm để hội nghị tập trung thảo luận trong đó gồm chia rẽ giáo phái, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa khủng bố. 

Các điểm nóng hiện nay liên quan đến thế giới như cuộc nội chiến ở Syria, cuộc xung đột ở Libya, khủng hoảng ở Afghanistan, Somalia, Mali, Gabon, khu vực Kashmir và mới nhất là cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đều được nhắc đến.

Đặc biệt, OIC đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh. 

Riêng vấn đề chống khủng bố, ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng OIC được tổ chức ở thành phố Istanbul hôm 12-4, các Ngoại trưởng đã khẳng định tiếp tục chiến đấu chống các thế lực đen tối và cực đoan xuyên tạc lời giáo huấn chân chính của đạo Hồi vốn dựa trên lòng khoan dùng.

Sau đó, theo thông báo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, các quốc gia Hồi giáo đã nhất trí thành lập một cơ quan chung có nhiệm vụ chiến đấu chống khủng bố. 

Cơ quan này được gọi là Trung tâm hợp tác và điều phối cảnh sát, đặt trụ sở tại Istanbul nhằm thể chế hóa và tăng cường hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát của OIC trong cuộc chiến chống khủng bố và các loại tội phạm khác.

Gia Nam
.
.
.