Hội nghị Mùa Xuân “nóng” vấn đề bảo hộ mậu dịch

Thứ Hai, 23/04/2018, 09:13
Trong bối cảnh cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác đang có xu hướng leo thang, đặc biệt là giữa Washington và Bắc Kinh, thì Hội nghị Mùa Xuân thường niên tổ chức bởi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ ngày 16 đến 24-4 tại Thủ đô Washington cũng đang rất “nóng” về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, một vấn đề nhạy cảm có thể gây tổn hại đến cả thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Năm 2018 đánh dấu mốc tròn 10 năm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế thế giới hiện đang có những tiến bộ tích cực và được dự đoán sẽ tiếp tục đà phục hồi trong hai năm liên tiếp. Tuy nhiên, sự phục hồi "chập chững" này có thể bị đảo ngược bởi những hàng rào thuế quan mà một số quốc gia đang dựng lên để trả đũa lẫn nhau.

Phát biểu tại cuộc họp báo khai mạc Hội nghị Mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nêu rõ: "Đầu tư và thương mại là những động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, chúng tôi không muốn làm tổn hại nó".

Bà Lagarde nhấn mạnh, hệ thống mậu dịch mở cửa dựa trên các quy định và chia sẻ trách nhiệm đang có nguy cơ tan rã. Bà kêu gọi các nước cần tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức, bởi hệ thống thương mại đa phương đã giúp thế giới thay đổi hoàn toàn khi giảm được một nửa tỷ lệ dân số toàn cầu sống trong nghèo đói.

“Lịch sử đã cho thấy các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả mọi người, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy nâng suất và phân bổ các công nghệ mới”, bà Lagarde khẳng định.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi các nước tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ảnh: Reuters.

Đối với trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, Tổng Giám đốc IMF cho hay, đây là những nền kinh tế hàng đầu, nếu hai bên vẫn tiếp tục đưa ra các hành động “ăn miếng trả miếng” với các mặt hàng xuất khẩu, không sớm thì muộn cuộc chiến thương mại thực sự sẽ nổ ra. Hơn nữa, không chỉ dừng ở lĩnh vực thuế nhập khẩu, tranh chấp thương mại của Mỹ đang được mở rộng sang cả lĩnh vực tiền tệ khi Trung Quốc, Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Ấn Độ đã lần lượt bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia có thể có những chính sách tiền tệ mà Washington cho là “không phù hợp” và cần phải giám sát.

Nhận định về vấn đề này, giới chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ sẽ kéo theo khả năng “nối gót” ở các quốc gia khác. Hậu quả tất yếu của việc này chính là sự sụt giảm mạnh của tăng trưởng toàn cầu. Hơn nữa, những căng thẳng nêu trên làm gợi nhớ tới các cuộc chiến bảo hộ thương mại những năm 1930 của thế kỷ XX.

Khi đó các quốc gia công nghiệp phát triển sử dụng hàng rào thuế quan và các công cụ khác để ngăn chặn hoặc giảm lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Và đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Theo bà Christine Lagarde, cách tốt nhất để giải quyết bất bình đẳng thương mại hay tranh chấp là sử dụng các công cụ tài chính, cải cách cơ cấu hoặc thảo luận thông qua các diễn đàn đa phương, song phương. Trong bài phát biểu tại Hong Kong (Trung Quốc) trước thềm Hội nghị Mùa Xuân lần này, bà cũng lo ngại rằng những bất đồng có thể làm sói mòn lòng tin của giới kinh doanh rất nhanh, khiến họ “miễn cưỡng” đầu tư và điều này đem đến những nguy cơ khó lường. Do đó, ngoài việc các nước cần nỗ lực cắt giảm các hàng rào thương mại thì tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo được coi là biện pháp bền vững.

“Mặc dù Hội nghị Mùa Xuân không phải là một diễn đàn để giúp các bên giải quyết bế tắc hay tranh chấp, nhưng hội nghị sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách nhận biết hậu quả và gợi ý các biện pháp khắc phục”, bà Lagarde nói.

Như Uyên (tổng hợp)
.
.
.