Hội nghị COP21: Nhiều bước tiến, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm

Thứ Sáu, 11/12/2015, 09:02
Đó là nhận xét của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Pháp. 


Cụ thể, các bên đàm phán đã đạt được thỏa hiệp về tăng cường khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và “gần như đã chạm đến sự nhất trí về giám sát việc thực hiện các cam kết”.

Tuy nhiên, về tổng thể, ba chủ đề quan trọng nhất mà 196 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn đang đàm phán quyết liệt là: cách tính sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển (Bắc/Nam), vấn đề huy động tài chính và mức độ tham vọng của thỏa thuận cuối cùng.

Chiều 9-12 (giờ Pháp, tức sáng 10-12 giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Fabius đã công bố bản dự thảo được sửa đổi của thỏa thuận toàn cầu về biến đối khí hậu, được rút xuống còn 29 trang so với 48 trang của bản ngày 5-12. Ngay lập tức, đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO) tham dự hội nghị đã có những phản ứng tiêu cực, cho rằng bản dự thảo chỉnh sửa gây thất vọng vì không đáp ứng các kỳ vọng và gần như không có thay đổi gì trong phần liên quan tới những thách thức lớn.

Các nhà hoạt động tuần hành ở Paris ngày 9-12 kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuter.

Chuyên gia Jennifer Morgan tới từ World Resources Institut (Mỹ) nhận xét: “Cảm tưởng của chúng tôi là hầu như tất cả những gì cần thiết cho một thỏa thuận tham vọng và công bằng đều đang bị treo”. Trong khi đó, người phát ngôn của Tổ chức Oxfam, một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công, ông Romain Benicchio cho rằng, văn bản này thể hiện việc “giữ nguyên hiện trạng” trước các thách thức lớn; việc tài trợ cho các nước dễ bị tổn thương nhất cũng như vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu không được nêu ra một cách rõ ràng. Ngoài ra, sự thiếu vắng quyết tâm chính trị trong việc giảm phát thải khí nhà kính sau năm 2020 cũng gây lo ngại.

Có mặt tại Trung tâm Le Bourget-nơi diễn ra Hội nghị COP21, chuyên gia Célia Gautier của Mạng lưới Hành động vì khí hậu cho biết, nếu dự thảo không được sửa đổi thì thỏa thuận này sẽ không thể được thực hiện. Còn bà Jennifer Morgan, lãnh đạo của Viện Tài nguyên thế giới của Mỹ nhận định, tất cả những vấn đề quan trọng nhất vẫn còn đang bỏ lửng.

Thực tế cho thấy, các nước nghèo, kém phát triển (phương Nam) lại là những nước chịu thiệt hại nặng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu trong khi các nước giàu có phương Bắc là thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại chịu ít thiệt hại hơn. Vì lẽ đó, rất nhiều nước phương Nam đã yêu cầu các nước lớn phải gánh phần trách nhiệm lớn hơn trong các ràng buộc mà thỏa thuận mới đưa ra. Nhưng lớn hơn đến mức độ nào thì đó lại là điều mà các bên chưa thể thống nhất và lượng hóa cụ thể được bằng con số. Đây chính là nút thắt đầu tiên mà các bên vẫn chưa tìm được cách tháo dỡ.

Tiếp đó là vấn đề huy động tài chính, vốn được dự báo từ trước khi diễn ra COP21 là có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến thất bại của Hội nghị, đang có những bước tiến, dù khó khăn. Phát biểu tại Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng từ nay đến năm 2020, Mỹ sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các nước phương Nam nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, với mức 860 triệu USD.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, tình hình đòi hỏi các bên không thể rời Paris mà không có được một thỏa thuận toàn cầu tham vọng và bền vững về khí hậu và việc không ký kết thỏa thuận sẽ là sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, con số 860 triệu USD này vẫn là rất nhỏ so với mục tiêu của các nước là phải huy động được 100 tỷ USD đến năm 2020 nhằm trợ giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Chủ đề cuối cùng gây tranh cãi nhất tại Hội nghị là mức độ tham vọng mà các bên đưa ra, cụ thể là ở mức tăng nhiệt độ trái đất vào thời điểm cuối thế kỷ XXI so với thời điểm tiền công nghiệp (1880).

Có 3 phương án được đưa ra cho thỏa thuận cuối: giữ mức nhiệt độ trái đất tăng thêm là 2 độ C; dưới 2 độ C và cố gắng phấn đấu đạt mức 1,5 độ C; dưới 1,5 độ C. Các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất cho rằng mức 2 độ C là quá cao và muốn thỏa thuận mới phải đặt ra tham vọng giảm mức độ tăng nhiệt xuống 1 độ C hoặc dưới 1,5 độ C. Trong khi đó, các nước công nghiệp phát triển, thải nhiều khí CO2 ra bầu khí quyển, như Australia, Canada… lại muốn duy trì ngưỡng 1,5 độ C. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, đến thời điểm này có thể nhận định là COP 21 sẽ khó có thể đưa mức 2 độ C vào thỏa thuận, khi sự phản đối đến từ các bên tham gia, đặc biệt là các tổ chức dân sự, quyết liệt hơn nhiều so với dự tính ban đầu.

Theo kế hoạch, phiên bản cuối cùng của thỏa thuận phải được trao cho Chủ tịch Hội nghị muộn nhất là vào chiều muộn ngày 10-12 (giờ Pháp – sáng 11-12 giờ Việt Nam). Sau đó, văn bản này còn phải được dịch ra nhiều ngôn ngữ và tiến hành xác nhận pháp lý để được thông qua vào 18h ngày 11-12 (giờ Pháp – khoảng 6h ngày 12-12 giờ Việt Nam).

Trần Linh (tổng hợp)
.
.
.