Hàn Quốc muốn kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán

Chủ Nhật, 02/07/2017, 09:08
Trong tuyên bố hôm 30-6 (giờ địa phương) tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh chính sách kiên nhẫn chiến lược với CHDCND Triều Tiên đã thất bại, Washington đã hết kiên nhẫn.

Từ đó, người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi các quốc gia trên thế giới và cường quốc trong khu vực gia nhập cùng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

“Mỹ yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải chọn một con đường tốt đẹp hơn  và phải nhanh chóng làm việc này. Mục tiêu của chúng ta là hòa bình, ổn định và sự phát triển trong khu vực. Nhưng Mỹ sẽ tự bảo vệ mình, luôn luôn là như vậy và chúng ta sẽ bảo vệ đồng minh của chúng ta” – Tổng thống Trump nói.

Nhất trí với ý kiến của người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, chỉ có việc đảm bảo vững chắc an ninh mới mang lại hòa bình, đồng thời khẳng định mọi sự đe dọa và khiêu khích từ Triều Tiên sẽ nhận được câu đáp trả nghiêm khắc.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã thống nhất việc coi các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng là “thách thức lớn nhất mà hai quốc gia phải đương đầu”.

Trong khi kêu gọi CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán để bàn luận về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, ông Moon Jae-in khẳng định Mỹ và Hàn Quốc sẽ cùng triển khai chính sách trừng phạt và đối thoại theo một lối tiếp cận toàn diện và dựa vào những gì lãnh đạo hai nước cam kết để tìm ra được một nghị quyết căn bản cho vấn đề Triều Tiên.

Mặc dù hai bên đều khẳng định quan điểm thống nhất về vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhưng theo các nguồn tin từ cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn, cả Washington và Seoul dường như chưa nhất trí được về giải pháp đối phó cụ thể. Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa rõ chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục áp dụng chính sách nào mặc dù tuyên bố đã chấm dứt kiên nhẫn chiến lược đối với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ (phải) và người đồng cấp Hàn Quốc tại buổi họp báo chung hôm 30-6.

Trước đó, trong tuyên bố chung tổng kết những kết quả đạt được sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết hợp tác để hoàn thành việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách chắc chắn và không thể đảo ngược thông qua con đường hòa bình.

Tổng thống Trump ủng hộ sáng kiến của người đồng cấp Moon Jae-in về việc nối lại đối thoại với CHDCND Triều Tiên.

Hai bên nhấn mạnh cả Mỹ và Hàn Quốc đều không theo đuổi chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng và cánh cửa đối thoại “luôn để ngỏ trong những điều kiện phù hợp”.

Về vấn đề này, người đứng đầu Nhà Xanh từng tuyên bố, các biện pháp trừng phạt là cần thiết nhưng mục tiêu là kéo CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Theo Tổng thống Hàn Quốc, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên phải diễn ra một cách toàn diện, theo từng giai đoạn, với sức ép và các biện pháp trừng phạt được áp dụng đồng thời khi các cuộc đàm phán diễn ra.

Ông giải thích rằng: “Giai đoạn đầu tiên là để CHDCND Triều Tiên không tham gia bất kỳ hành động khiêu khích hạt nhân nào nữa, chẳng hạn như các vụ thử hạt nhân bổ sung. Giai đoạn thứ 2 là ngăn chặn Bình Nhưỡng đẩy mạnh hơn nữa năng lực hạt nhân của họ. Cuối cùng, giai đoạn thứ 3 là để CHDCND Triều Tiên xóa bỏ hoàn toàn chương trình của họ”.

Và cũng giống như người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc khẳng định sẽ gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un khi các điều kiện tiên quyết cần để giải quyết vấn đề hạt nhân được đảm bảo.

Về phía CHDCND Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể vẫn đang tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó là lý do tại sao ông chưa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hay phóng thử một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Và cách đây không lâu, một nhà ngoại giao nổi bật của CHDCND Triều Tiên đã công khai nhắc lại việc Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán. Việc nối lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng nhằm thăm dò liệu có khả năng có một hiệp ước khác nhằm tháo gỡ bế tắc hay không là một vấn đề có tính khẩn cấp nhất định.

Như những bước đi ban đầu, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẵn sàng đình chỉ các vụ thử tên lửa, hạt nhân và ngừng sản xuất vật liệu phân hạch.

Đổi lại, Mỹ có thể giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự chung tại Hàn Quốc, tái khẳng định các cam kết của họ trong tuyên bố chung Mỹ - Hàn hồi tháng 10-2000 phản đối “ý định thù địch” và cam kết xây dựng “một mối quan hệ mới thoát khỏi tình trạng thù địch trong quá khứ”; cam kết tôn trọng chủ quyền CHDCND Triều Tiên và không can thiệp vào công việc nội bộ của Bình Nhưỡng; đình chỉ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt  có từ trước chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Sau khi tham vấn Hàn Quốc, nhất trí khởi động một tiến trình hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cơ hội thuyết phục Bình Nhưỡng vượt ra khỏi tình trạng đóng băng hiện tại để xóa bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ là mong manh nếu không có những cam kết chắc chắn từ phía Washington và Seoul nhằm chấm dứt tình trạng thù địch thông qua bình thường hóa về chính trị và kinh tế, một tiến trình hòa bình nhằm chức dứt tình trạng căng thẳng Triều – Hàn và các cuộc đàm phán về những thỏa thuận an ninh khu vực.

Khổng Hà
.
.
.