G7 coi chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu

Chủ Nhật, 28/05/2017, 07:03
Hôm 26-5 (giờ địa phương), kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thị trấn ven biển Taormina trên đảo Sicily, miền Nam Italy, các nhà lãnh đạo G7 đã thống nhất sẽ đẩy mạnh những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.


Cụ thể, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ G7 đã thông qua một tuyên bố chung gồm 15 điều về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu.

Tuyên bố nhấn mạnh, các nước G7 coi chống khủng bố là ưu tiên chủ chốt và sẽ cùng nhau có những hành động cứng rắn nhất để “tìm kiếm, nhận dạng, xóa bỏ và trừng phạt mọi kẻ khủng bố cũng như những thế lực ủng hộ”, không phân biệt đó là hành động khủng bố chống lại các thành viên G7 hay các quốc gia, khu vực khác.

Các nhà lãnh đạo G7 tại phiên khai mạc hôm 26-5 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters

Các nước tham gia cũng cam kết rằng, những nỗ lực chống khủng bố sẽ được nâng lên ở một mức độ cao hơn để điều tra, ngăn chặn và truy lùng những nhân tố khủng bố.

Tuyên bố cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet cùng các mạng xã hội nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn các nội dung kích động và truyền bá tư tưởng cực đoan của các đối tượng khủng bố.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố: “Tất cả các quốc gia chúng ta đều phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố và hơn bất cứ khi nào, giờ đây chúng ta phải đẩy mạnh quyết tâm của mình để vượt qua mối đe dọa này”.

Bên cạnh vấn đề chống khủng bố, nguyên thủ các nước G7 cũng đã đạt được thống nhất hàng loạt các vấn đề quốc tế, như về Syria, Libya hay CHDCND Triều Tiên.

Các nhà lãnh đạo G7 khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên CHDCND Triều Tiên sau các động thái gây gia tăng căng thẳng vừa qua của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Nga và Iran sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đẩy mạnh việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ thảo luận tại cuộc họp trong ngày đầu tiên, hội nghị G7 đã không đạt được bước đột phá nào đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Thủ tướng nước chủ nhà Paolo Gentiloni cho biết, ngoại trừ Mỹ, tất cả các quốc gia khác là Nhật Bản, Pháp, Canada, Anh, Đức, Italy đều xác nhận sẽ tham gia hiệp định cắt giảm khí thải nhà kính nhằm ngăn chặn Trái đất nóng lên quá 2 độ C.

Theo ông Gentiloni, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang cân nhắc về vấn đề này, đồng thời bày tỏ hi vọng rằng, Mỹ cuối cùng cũng sẽ tôn trọng cam kết cắt giảm khí thải nhà kính theo Hiệp định Paris (Pháp) về chống biến đổi khí hậu tháng 12-2015.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, sẽ không phù hợp nếu chính quyền Washington tìm cách đối đầu với hàng trăm quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris. Bên cạnh biến đổi khí hậu thì chính sách thương mại cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Tổng thống Donald Trump thể hiện thái độ thờ ơ với các thỏa thuận thương mại đa phương từng được thành viên G7 rất ủng hộ trong quá khứ. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, những thỏa thuận này gây ra thâm hụt thương mại ngày càng tăng ở Mỹ, và chính quyền nước này đang tìm cách đẩy lùi làn sóng toàn cầu hóa bằng một chính sách bảo hộ thương mại không đồng bộ với 6 quốc gia còn lại.

Việc Mỹ thể hiện lập trường như vậy đối với hai vấn đề trên đã được dự đoán từ trước khi diễn ra Hội nghị. Chỉ vài giờ trước khi Hội nghị khai mạc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk “cảnh báo” các nhà lãnh đạo G7 sẽ có cuộc gặp “thách thức nhất” trong nhiều năm qua, đồng thời bày tỏ hi vọng có thể xoa dịu lập trường của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề thương mại và chống biến đổi khí hậu.

Diễn ra trong bối cảnh cộng đồng thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Anh hôm 22-5 làm 22 người thiệt mạng và 64 người khác bị thương, Hội nghị G7 năm nay được đặt dưới tình trạng an ninh nghiêm ngặt.

Các lực lượng an ninh và cảnh sát Italy đã triển khai công tác đảm bảo an ninh 3 vòng ở mức cao nhất. Theo thông báo của Bộ Nội vụ nước chủ nhà, hơn 7.000 đơn vị thuộc lực lượng cảnh sát Italy cũng được triển khai tại các địa điểm nhạy cảm trên khắp cả nước nhằm phục vụ hội nghị.

Riêng tại thị trấn Taormina, số cảnh sát được tăng cường đã là 2.900 người. Bộ Nội vụ cũng giao cho Ủy ban Phân tích chống khủng bố chiến lược (CASA) nhiệm vụ điều phối trao đổi thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết.

Với giới truyền thông, chỉ có nhân viên của một số hãng truyền thông phục vụ việc đưa tin về hội nghị mới được hoạt động tại các khu vực gần nơi diễn ra sự kiện. Tuy nhiên, ngay từ sân bay Fontanarossa, một trong các sân bay lớn nhất ở đảo Sicily, cảnh sát Italy cũng sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra an ninh đối với phóng viên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.