G20 cảnh báo thách thức kinh tế toàn cầu

Thứ Ba, 06/09/2016, 08:15
Bên cạnh lời kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi toàn cầu (G20), diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) còn cảnh báo nhiều nguy cơ mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

Từ thực tế đó, nhiều nhà quan sát kỳ vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ tích cực tìm kiếm các biện pháp nhằm bảo vệ thương mại tự do và toàn cầu hóa.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước chủ nhà G20 Tập Cận Bình thúc giục các nhà lãnh đạo G20 tránh các cuộc bàn thảo không hiệu quả và hiện thực hóa các tuyên bố của mình qua lời nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải biến G20 thành một nhóm hành động thực tế, thay vì chỉ là một diễn đàn để thảo luận”.

Theo ông, mặc dù đang trên đà phục hồi nhưng nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lan rộng và những nguy cơ từ sự biến động của các thị trường tài chính.

Theo đó, nền kinh tế thế giới đang bước vào “một giai đoạn then chốt” khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút, các thị trường tài chính nhiều biến động, trong khi các hoạt động thương mại và đầu tư vẫn rất bấp bênh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, sự lan rộng và gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, hủy hoại nhiều thỏa thuận thương mại đa phương. Mặc dù nhiều nền kinh tế đã có những cải tổ về thủ tục hành chính, song các thị trường vẫn rất thiếu ổn định.

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, động lực tăng trưởng đang suy giảm dần, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp và kỹ thuật mới chưa có được lực đẩy mạnh mẽ và cần thiết.

Trước khi hội nghị khai mạc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cảnh báo về tình trạng chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng lan rộng, đồng thời khẳng định “việc tự dựng lên những bức tường” không phải là giải pháp hiệu quả.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay: “Chúng tôi hiểu rằng nhiều công dân đang cảm thấy thất vọng trước tốc độ toàn cầu hóa và cho rằng họ không hề nhận được bất kỳ lợi ích nào từ thương mại toàn cầu... Tất cả chúng ta cần phải cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy thương mại tự do và xây dựng một nền kinh tế công bằng, đem lại lợi ích cho mọi cá nhân”.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo rằng, IMF có thể sẽ giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017. Trước đó, sau khi có kết quả bỏ phiếu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của thế giới xuống 3,1% cho năm 2016 và 3,4% năm 2017.

Quy tụ các nền kinh tế chiếm tới 85% GDP và 2/3 dân số thế giới, G20 là một cơ chế quan trọng để quản lý nền kinh tế toàn cầu, được giao phó trọng trách đối phó với các rủi ro, giữ ổn định cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới, củng cố sự phục hồi kinh tế thế giới cũng là một chủ đề chính của hội nghị năm nay.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, căn bệnh trầm kha của kinh tế càng nặng hơn. Nguồn lực ổn định của toàn cầu gần như cạn kiệt trên ba phương diện, đặt ra những thách thức lớn đối với G20.

Thứ nhất, tình hình kinh tế ngày càng yếu kém, các thành viên G20 hầu như khó tránh khỏi ảnh hưởng. Thứ hai, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã phá vỡ hệ thống của EU, trụ cột ổn định biến thành nguồn gốc rủi ro. Và thứ ba, rủi ro kinh tế chuyển hóa thành rủi ro chính trị.

Trong bối cảnh đó, ổn định đã trở thành một ưu tiên trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu, cần các nước lớn phải tích cực tham gia quản lý toàn cầu, cung cấp nguồn lực ổn định hiện đang khan hiếm cho G20 và thế giới.

Để vượt qua được những thách thức này, trước tiên là cần kiện toàn hệ thống an ninh tài chính toàn cầu, thức đẩy việc cải cách các vấn đề tồn đọng của các cơ cấu tài chính quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), đặc biệt là phải làm cho quyền phát ngôn của các nền kinh tế mới nổi tương xứng với vị thế kinh tế tăng lên của họ, nâng cao tính chủ động của các nền kinh tế mới nổi trong việc quản lý kinh tế toàn cầu, giải phóng sức mạnh bên ngoài của họ đối với sự ổn định kinh tế thế giới. Tiếp đó, thiết lập cơ chế điều phối thương mại và đầu tư quốc tế, xoay chuyển xu thế “phân mảnh” của các hiệp định thương mại. Thông qua chuỗi giá trị toàn cầu phối hợp và bao dung, làm cho nguồn lực ổn định của “cỗ máy ổn định kép” (Mỹ và Trung Quốc) truyền tới khắp thế giới, thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu.

Cuối cùng, tiếp thu kinh nghiệm lịch sử trong quản lý kinh tế toàn cầu, kiên trì nguyên tắc dân chủ, bình đẳng và công bằng trong phối hợp lợi ích và cứu trợ khủng hoảng, tôn trọng sự khác biệt và tính giai đoạn trong sự phát triển kinh tế của các nước.

Không áp đặt hệ thống kinh tế và tài chính đối với các nước nhận viện trợ, nhưng cũng cần ngăn chặn việc gắn viện trợ ổn định với lợi ích chính trị, từ đó tạo ra cục diện mới quản lý kinh tế toàn cầu “cùng quản lý, cùng chia sẻ, cùng thắng lợi”.

Tổng thống Mỹ lên tiếng về sự cố tại sân bay Hàng Châu

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, mọi người không nên phản ứng quá mạnh với những sự cố xảy ra mà đoàn tháp tùng Mỹ gặp phải khi đặt chân tới sân bay Hàng Châu.

Tổng thống Obama cũng nhận lỗi về mình nhằm giúp tình hình trở nên “bình thường” hơn: “Tôi nghĩ rằng, điều mọi người nhìn thấy có vẻ trầm trọng hơn so với những gì xảy ra quanh những cuộc cãi vã và xô đẩy sau hậu trường. Tuy nhiên, công bằng mà nói, khi đoàn Mỹ tới, đôi khi có những vấn đề về an ninh cũng như những khác biệt trong cách làm việc của Mỹ và Trung Quốc. Những sự cố đó đang bị trầm trọng hóa”.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng, đây không phải sự cố nghiêm trọng và ông cũng từng gặp chuyện tương tự trong chuyến thăm tới các nước đồng minh thân cận: “Một phần của những sự cố là do chúng tôi có đoàn tùy tùng lớn hơn nhiều nước khác. Chúng tôi mang tới số phi cơ, trực thăng, phương tiện đi lại và nhân sự nhiều nhất trong các đoàn. Có thể nước chủ nhà cảm thấy như vậy là hơi nhiều”.

Minh Nhật       

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.