EU trừng phạt Belarus, các hãng hàng không “đau đầu”

Thứ Tư, 26/05/2021, 09:47
Ngay sau quyết định của Belarus liên quan tới máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland), Liên minh châu Âu (EU) và một số nước đã tuyên bố trừng phạt Minsk. Một số nhà phân tích cho rằng, các động thái trừng phạt Belarus sẽ gây khó khăn và tốn kém đối với các công ty châu Âu.


Những phản ứng trái chiều

Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt đối với Belarus, trong đó có các lệnh trừng phạt kinh tế, đồng thời kêu gọi các hãng hàng không của 27 quốc gia thành viên tránh không phận Belarus và cho phép thực hiện lệnh cấm các hãng hàng không của Belarus hoạt động trên không phận và tại các sân bay trong liên minh.

Anh đã áp đặt các hạn chế tương tự, trong khi một số hãng hàng không lớn cho biết, họ sẽ ngừng hoàn toàn hoạt động bay qua không phận Belarus. Các hãng hàng không Đức và Hà Lan, lần lượt là Lufthansa và KLM, đã quyết định không bay qua không phận Belarus. Theo ông Barend Leyts, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các nước EU đã kêu gọi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mở cuộc điều tra vụ việc. Họ cũng ủng hộ quyết định của Litva trục xuất đại sứ và tất cả các nhân viên ngoại giao của Belarus tại nước này nhằm đáp lại hành động tương tự của Minsk.

Cảnh sát kiểm tra hành lý trên chuyến bay của Hãng hàng không Ryanair tại sân bay quốc tế Minsk, Belarus, ngày 23/5.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo tạm đình chỉ gói đầu tư trị giá 3 tỷ euro của EU dành cho Belarus. Các biện pháp trừng phạt mới có thể nhằm vào các cá nhân, các doanh nghiệp và các thực thể kinh tế tài trợ cho giới lãnh đạo Belarus, cũng như lĩnh vực hàng không của nước này.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz tuyên bố, hành động của phía Belarus trong tình huống hạ cánh khẩn cấp của hãng hàng không Ryanair hoàn toàn tuân thủ các quy tắc quốc tế, một số tuyên bố chỉ trích của các nước và tổ chức châu Âu là vội vàng. Bộ Giao thông và Truyền thông của Belarus thông báo rằng, các nhà chức trách Belarus đã thành lập một ủy ban điều tra tình huống máy bay Ryanair hạ cánh trên đường từ Athens đến Vilnius.

Người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận rằng, phương Tây, với hành vi tương tự của họ, không nên bị sốc trước vụ máy bay Ryanair ở Minsk. Bà nhắc lại vụ việc máy bay của Tổng thống Bolivia buộc phải hạ cánh xuống Austria theo yêu cầu của Mỹ và ở Ukraine sau 11 phút máy bay Belarus cất cánh cùng với nhà hoạt động chống Maidan. Theo bà, việc sử dụng thông tin và các chiến dịch chính trị để hình thành nhận thức phù hợp thông qua các phương tiện truyền thông không còn mang lại hiệu quả như mong muốn. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Belarus đã có cách tiếp cận “hoàn toàn phù hợp” trong vụ chuyển hướng máy bay của hãng Ryanair sau khi nhận thông tin về thiết bị nổ.

Giám đốc Viện Luật hàng không và Vũ trụ AEROHELP, một chuyên gia trong lĩnh vực luật hàng không Oleg Aksamentov cho rằng, việc hạ cánh đột xuất của một máy bay chở khách Ryanair Athens-Vilnius tại sân bay Minsk được thực hiện hoàn toàn tuân thủ các quy định đối với các chuyến bay quốc tế. Theo ông, việc hạ cánh khẩn cấp được thực hiện theo quy tắc, “ngay cả khi thông tin về mìn trên máy bay không đến từ phi hành đoàn, mà từ một bên thứ ba nào đó, bao gồm giấu tên”. Về phần mình, Tổng biên tập của cổng thông tin Avia.ru Roman Gusarov khẳng định không thấy hành động của Belarus vi phạm các quy tắc hàng không quốc tế.

Ông lưu ý, việc hộ tống chiếc máy bay của tiêm kích MiG-29 cũng không trái với các tiêu chuẩn, vì không có bằng chứng nào cho thấy nó đe dọa máy bay hoặc thực hiện các động tác nguy hiểm.

Các hãng hàng không “đau đầu”

Một số nhà phân tích cho rằng, các động thái trừng phạt Belarus sẽ gây khó khăn và tốn kém đối với các công ty châu Âu. Các hãng hàng không hiện nay vốn đã phải tránh không phận Ukraine, quốc gia láng giềng phía nam của đất nước, vì xung đột ở nước này và việc hạn chế không phận Belarus sẽ gây phức tạp thêm cho một số chuyến bay.

Các nhà phân tích từ Eurasia Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn cho rằng, việc tránh không phận Belarus đối với các chuyến bay Bắc - Nam là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu bay giữa châu Âu và châu Á thì việc không di chuyển qua Belarus này sẽ gây tốn kém. Nhóm nhà phân tích Eurasia Group đưa ra nhận định này trước thông báo của EU về việc hạn chế không phận Belarus. Theo Flightradar24, tuần trước, có khoảng 3.300 chuyến bay bay qua Belarus, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó hạ cánh hoặc khởi hành từ đất nước này. Mặc dù không phải

là một trung tâm lớn của châu Âu, nhưng có nhiều hãng hàng không quốc tế hoạt động tại Thủ đô Minsk của Belarus, trong đó có Lufthansa, Austrian Airlines và Turkish Airlines. Các hãng hàng không Mỹ như American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines cũng có các chuyến bay đến Minsk thông qua quan hệ đối tác với các hãng hàng không châu Âu và cả hãng hàng không Belarus Belavia.

Theo Flightradar24, việc hạn chế không phận Belarus sẽ ít ảnh hưởng đến hành các hãng hàng không Mỹ, bởi các hãng này hiếm khi bay qua Belarus. Tuy nhiên, các hãng vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Theo Flightradar24, hôm 23/5, hơn 10 chuyến bay do các hãng hàng không của Mỹ vận hành đã bay qua Belarus, bao gồm 5 chuyến của FedEx, 4 của UPS và 2 của Atlas Air. Trong một tuyên bố, UPS nói rằng mạng lưới của hãng này không bị ảnh hưởng, nhưng hãng đang “đánh giá các lựa chọn đường bay khác để đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn và máy bay, cũng như duy trì dịch vụ cho khách hàng” trong trường hợp buộc phải thay đổi... FedEx cũng cho biết hãng này đang “theo dõi chặt chẽ tình hình”.

Liên đoàn quốc tế các hiệp hội phi công và Hiệp hội phi công châu Âu cho rằng, các nhà chức trách hàng không cần phải điều tra những gì đã xảy ra và “thực hiện các biện pháp nhanh chóng” nhằm ngăn chặn sự gián đoạn trong hoạt động hàng không. Các hiệp hội này mô tả sự việc hôm 23/5 là “mối nguy hiểm đối với sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.