EU sẽ thay đổi gì trong chính sách ngoại giao với Nga?
Trong bối cảnh mà nhiều cơ quan tình báo phương Tây cảnh báo về sự quan tâm ngày càng gia tăng của Nga đối với các nhóm cánh hữu ở châu Âu thì rạn nứt trong EU cũng bắt đầu nảy sinh khi có nhiều tranh cãi về việc có nên mở rộng thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow.
Theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, cuộc họp này đã được lên kế hoạch từ hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên, khi đó, giữa EU và Nga chưa nảy sinh nhiều mâu thuẫn như lúc này.
Hiện Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy chuyến công du tới Pháp để phản đối những cáo buộc mà các quốc gia EU đưa ra, cho rằng Moscow vi phạm nhân quyền khi không kích các khu vực mà phiến quân Syria chiếm đóng.
Trong khi đó, giới chức EU lại lo ngại rằng, Nga đang gia tăng ủng hộ tài chính cho các phong trào cánh hữu trong khu vực.
Anh và Pháp đang sử dụng chiến dịch không kích của Nga nhằm vào Syria để kêu gọi mở rộng lệnh trừng phạt với nước này. Ảnh: EAWorldView |
Một quan chức ngoại giao EU khi trả lời phỏng vấn tờ Thời báo tài chính còn cho rằng, tại nhiều quốc gia, an ninh đã được thắt chặt và các cuộc điều tra về những cá nhân, tổ chức có liên quan tới Moscow đã được tiến hành. Một số quốc gia còn lên kế hoạch công bố những bằng chứng về mối liên hệ này để kêu gọi lãnh đạo EU mở rộng thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Anh và Pháp là hai quốc gia đứng đầu nhóm này. Hôm 17-10, đại diện chính quyền London và Paris một lần nữa lên tiếng hối thúc EU chỉ trích chiến dịch không kích của Nga tại Syria.
Cụ thể, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, EU càng thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm thì càng có thể tiến tới được cái gọi là bổn phận về mặt đạo đức, trong đó có việc ngăn chặn bạo lực tại thành phố Aleppo của Syria.
Còn Anh thì đề xuất đưa thêm 208 cá nhân và công ty của Nga vào danh sách trừng phạt. Tây Ban Nha thì tuyên bố chỉ đồng ý nếu các biện pháp trừng phạt giúp quan điểm của Nga về Syria xích lại gần hơn với EU.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới hôm 17-10, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết, tại cuộc họp tới, EU sẽ không xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nhưng lại để ngỏ khả năng áp đặt trừng phạt bổ sung đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Bà Federica Mogherini cho biết, nhiều quốc gia, điển hình là Italia, Hungary và Hy Lạp đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về việc ra lệnh trừng phạt Nga. CH Cyprus và Áo cũng vậy.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz mới đây còn khẳng định, ý tưởng gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga là một sai lầm. Một số nhà phân tích thì cho rằng, việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga của EU không chỉ khiến Moscow khó khăn về kinh tế mà còn đẩy nhiều quốc gia thành viên khác trong khối tới chỗ bế tắc về giao thương, hợp tác. Thêm vào đó, thái độ cứng rắn của chính quyền Moscow cũng khiến nhiều thành viên EU phải e ngại.
Hôm 16-10, tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng lệnh trừng phạt Nga là phản tác dụng, song Moskva chưa có ý định giảm các biện pháp trả đũa đối với chính sách trừng phạt của Phương Tây.
Đồng thời, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov cũng đã tuyên bố rằng Moscow sẽ có phản ứng tương thích nếu EU hay Mỹ quyết định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt. Vì vậy, trước mắt, như tiết lộ của Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, EU sẽ chưa thay đổi gì về chính sách đối ngoại với Nga nhưng dự định sẽ đưa Syria và các đồng minh khác của Syria ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 17-10, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh mở rộng danh sách trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Nga, cũng như kéo dài hiệu lực danh sách trừng phạt.
Được biết, tháng 9-2015, Ukraine đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với 388 cá nhân và 105 công ty của Nga, bao gồm từ cấm nhập cảnh đến tịch thu tài sản. Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Ukraine lại gia hạn các lệnh trừng phạt, đồng thời bổ sung vào danh sách này 250 cá nhân và 46 tổ chức.