Hội nghị thượng đỉnh 'Đối tác phương Đông' tại Latvia:

Công cụ để xích lại với EU hay để chống Nga

Thứ Bảy, 23/05/2015, 08:13
Lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định như vậy khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông” được tổ chức trong 2 ngày 21 và 22/5 tại thủ đô Riga của Latvia.

Mặc dù thể hiện quyết tâm “Đông tiến” bằng một loạt cam kết và thỏa thuận tự do mậu dịch, song dường như EU vẫn chưa thật thành công trong việc “thu phục” các nước thuộc Liên Xô cũ.

Việc Belarus và Armenia từ chối ký vào tuyên bố chung của Hội nghị do không đồng ý với cụm từ “Nga thôn tính Crimea” trong văn kiện là minh chứng rõ ràng về tính thiếu hiệu quả của sáng kiến “Đối tác phương Đông” mà EU thực hiện trong 6 năm qua.

Thỏa thuận kinh tế đi liền chính trị

Theo tin từ hãng Telegrapha, ngay sau khi có mặt tại thủ đô Riga của Latvia, các lãnh đạo EU đã thông báo cấp tổng viện trợ 200 triệu Euro trong vòng 10 năm cho các công ty vừa và nhỏ của 3 quốc gia Ukraine, Gruzia và Moldova. Vấn đề khí đốt được các thành viên Hội nghị đạt đồng thuận, nhất trí xây dựng hành lang khí đốt phía Nam, nối EU với khu vực Caspi vòng tránh lãnh thổ Nga, ủng hộ cho phép Ukraine nhập ngược khí đốt (của Nga) từ Ba Lan, Hungary và Slovakia. 

Việc xây dựng hệ thống tải điện và tuyến đường ống khí đốt nối liền trong nội khối EU cũng như nối EU với các nước đối tác phương Đông cũng đã được tính đến. Đây được coi là những kết quả quan trọng của Hội nghị nhưng lại không gây bất ngờ, vì nó đã được hứa hẹn từ 2 ngày trước.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang ở đà suy thoái như hiện nay thì việc EU ủng hộ sự hội  nhập chính trị và kinh tế của các nước trong không gian hậu Xô Việt được coi như cách tạo tiền đề cho những nước này sớm gia nhập EU. Điều đó cũng có nghĩa là kế hoạch “Đông tiến” của EU đang dần được các nước này thực hiện sao cho có hiệu quả và êm thấm nhất.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk (trái) và Tổng thống Latvia Andris Berzins trao đổi bên lề hội nghị ở Riga. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, dường như việc lôi kéo các nước này bằng những cam kết ký các thỏa thuận tự do mậu dịch, miễn thị thực và nhiều sáng kiến hỗ trợ khác vẫn chưa thực sự giúp EU tách được sức ảnh hưởng chính trị của Nga trong khu vực này.

Bằng chứng là ngay trong ngày làm việc đầu tiên (21/5), các nước tham dự đã không đạt được đồng thuận về tuyên bố chung, cũng như không có bước đột phá nào trong chương trình nghị sự. Nguyên do là vì các nước EU đã đưa một nội dung gây nhiều tranh cãi là không công nhận việc sáp nhập Crimea và Sebastopol của Nga và EU cho rằng, đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế thách thức trực tiếp đối với an ninh thế giới. 

Cụm từ “Nga thôn tính Crimea” ngay lập tức đã bị Bealarus và Armenia phản đối và thể hiện bằng hành động từ chối ký vào tuyên bố chung. Cuối cùng, để xoa dịu bầu không khí nóng của Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker đã phải khẳng định rằng, Hội nghị lần này không bàn vấn đề thành viên, cũng như không nhằm chống lại Nga.

Đồng quan điểm này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh, chương trình “Đối tác phương Đông” không chống lại bất cứ quốc gia nào và đặc biệt cũng không phải để chống Nga.

Không có khả năng thu nạp

Ra đời năm 2009 tại thủ đô Praha của CH Czech, sáng kiến “Đối tác phương Đông” của EU nhằm mục đích tạo những thay đổi chính trị tai 6 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine. 6 năm qua, dù sức hút từ một EU thịnh vượng đối với các nước phía Đông này là rất lớn nhưng sự hoạt động hợp tác cầm chừng của các nước thành viên trong liên minh này, cùng với những ảnh hưởng từ Nga trong khu vực khiến cho sáng kiến chưa thực sự phát huy hết khả năng của nó.

Nhiều nhà phân tích còn nhận định, ngoài những yếu tố tác động từ bên ngoài thì chính những mâu thuẫn nội tác cũng khiến cho sự hợp tác này luôn ở mức độ cầm chừng. Nói thế là bởi nhiều nước EU thực sự không mặn mà với việc mời 6 nước thuộc Liên Xô cũ gia nhập liên minh. Còn các nước phía Đông thì muốn mọi lợi ích của mình phải được bảo đảm khi “chơi” với EU và EU phải thể hiện sự “cởi mở” bằng việc miễn thị thực.

Đương nhiên là điều này rất khó bởi hiện nay, EU còn đang đau dầu với bài toán người nhập cư trái phép từ châu Phi, Trung Đông và việc mở cửa một cách ồ ạt có thể đe dọa đến cả an ninh và kinh tế của một số nước châu Âu. Đó là chưa kể đến những khó khăn tài chính mà EU đang gặp phải, khiến việc hỗ trợ tài chính đối với 6 nước này cũng phải cầm chừng và được tính toán một cách chặt chẽ.

Chính vì lẽ đó mà tại hội nghị lần này, dù Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkine đã đòi hỏi EU mở cửa gia nhập cho Ukraine và miễn thị thực cho công dân nước này vào EU năm 2016, song EU vẫn chỉ bóng gió mà trả lời rằng, có khả năng miễn thị thực ngắn hạn cho các công dân Ukraine và Gruzia nhưng chưa thể công bố chính thức.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nói rõ: “Đối tác phương Đông không phải là công cụ để mở rộng EU, mà là công cụ để xích lại với EU. EU luôn sẵn sàng chấp thuận sự khác biệt giữa các nước đối tác”.

Huyền Chi
.
.
.