EU nỗ lực tìm “hơi thở mới” sau sự cố Brexit

Thứ Tư, 24/08/2016, 07:55
Thủ tướng Italia Matteo Renzi hôm 22-8 (giờ địa phương) đã cùng người đồng cấp Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tiến hành một cuộc họp ba bên trên đảo Ventotene, ngoài khơi thành phố Napoli của Italia để bàn về tương lai của châu Âu, sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Ba nhà lãnh đạo đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên EU tìm “hơi thở mới” tại Hội nghị bất thường của khối này, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới tại Bratislava (Slovakia).



Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Renzi khẳng định, EU sẽ không tan rã sau sự kiện Brexit: “Nhiều người nghĩ EU đã chấm dứt sau khi Anh rời EU nhưng không phải vậy”, và cho biết thêm rằng: “Chúng tôi tôn trọng lựa chọn của công dân Anh nhưng chúng tôi muốn viết một chương mới trong tương lai. Châu Âu sau Brexit sẽ khởi động lại những ý tưởng mạnh mẽ về đoàn kết và hòa bình, tự do và những giấc mơ”.

Thủ tướng nước chủ nhà đồng thời kêu gọi các nước châu Âu theo đuổi chính sách khắc khổ và cân bằng ngân sách. Về vấn đề này, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định thỏa thuận về ổn định ngân sách châu Âu sẽ đem lại sự linh hoạt để có thể sử dụng ngân sách một cách thông minh.

Bà Merkel cũng lên tiếng bảo vệ chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà Đức đang tiến hành. Thủ tướng Đức nhấn mạnh EU cần chứng tỏ họ vẫn có thể phát triển thịnh vượng dù không có Anh: “Chúng tôi tôn trọng quyết định của Anh nhưng chúng tôi cũng muốn khẳng định rõ ràng rằng, 27 quốc gia thành viên khác vẫn hi vọng vào một châu Âu an toàn và thịnh vượng”.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Hollande lại cảnh báo nguy cơ lớn nhất đối với “Lục địa già” cũng như các quốc gia thành viên là sự “chệch hướng, phân mảnh và ích kỷ”, và nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện tình trạng an ninh tại châu lục này.

Từ trái qua phải: Tổng thống Hollande, Thủ tướng Renzi và Thủ tướng Merkel tại cuộc gặp hôm 22-8. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp cũng đề cập đến vấn đề dòng người nhập cư vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II, kêu gọi các quốc gia thành viên EU bảo vệ khối khỏi tình trạng bạo lực bằng cách thắt chặt biên giới và chia sẻ thông tin tình báo.

Bên cạnh đó, sau hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu xảy ra trong thời gian gần đây tại một số nước châu Âu khiến hàng trăm người thiệt mạng, ba nhà lãnh đạo sốt sắng bàn về việc hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố và đề ra chính sách an ninh phối hợp giữa các nước châu Âu - mục tiêu ấp ủ lâu dài nhưng đang bị hoài nghi do vấn đề Brexit.

Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Italia đã đề xuất tạo ra “một thỏa thuận quốc phòng Schengen để đối phó với chủ nghĩa khủng bố”, với một “lực lượng đa quốc gia” để thực thi một lệnh duy nhất cho các nhiệm vụ cụ thể. 

Đó là ý tưởng Pháp quan tâm, nhưng Đức dường như không mấy mặn mà. Điều Berlin chú trọng hơn là vấn đề tài trợ trái phiếu châu Âu vì mối lo phải gánh nặng nợ nần cho các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo giới chuyên gia, cuộc họp thượng đỉnh này chỉ mang nặng tính biểu tượng hơn là thực chất. Ba nhà lãnh đạo Italia, Đức và Pháp gặp nhau vào thời điểm cuối kỳ nghỉ hè, giống như một động thái khởi động cho việc quay trở lại với đời sống chính trị. Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện nay đề ra đường lối chung cho cả khối.

Đúng như khẩu hiệu được đưa ra trước cuộc gặp là “đưa châu Âu trở lại”, mục đích chính của bà Merkel, ông Hollande và ông Renzi là tìm một sự đoàn kết chung nơi những thành viên quan trọng nhất của châu Âu nhằm vực dậy Liên minh sau biến cố Brexit và trong hoàn cảnh đang phải đối phó với các đe dọa nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực từ kinh tế cho đến an ninh.

Trong khi đó, về phía Anh, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May hồi tuần trước khẳng định bà đang tung ra “toàn bộ sức mạnh” của chính phủ đằng sau mục tiêu giành được thỏa thuận tốt nhất trong việc London rời khỏi EU, song sẽ không “kích hoạt” Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon - thủ tục chính thức đưa Anh rời khỏi EU, trước cuối năm 2016. 

Việc Anh chính thức thông báo lên Hội đồng châu Âu về quyết định rời EU sẽ khởi đầu tiến trình đàm phán kéo dài ít nhất 2 năm về việc Anh rời khỏi liên minh này. Hiện các nhà lãnh đạo EU đã thúc giục tân Thủ tướng Anh đẩy nhanh tiến trình này, song bà May đang tìm cách trì hoãn nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các cuộc đàm phán sau này về mối quan hệ mới giữa Anh và EU.

Khổng Hà
.
.
.