Bầu cử Tổng thống Pháp:

“Donald Trump”của Pháp muốn khôi phục quan hệ với Nga

Thứ Sáu, 02/12/2016, 09:15
Sau khi ông Donald Trump đắc cử, Tổng thống Mỹ hứa sẽ dành sự tôn trọng nhiều hơn cho Nga trong Phòng Bầu dục. Còn tại châu Âu, một khuôn mặt thân thiện khác đối với Moskva có khả năng vào Điện Elysee ở Pháp năm tới là Francois Fillion.


Francois Fillon đã trở thành ứng viên trung hữu tranh cử Tổng thống Pháp hôm 27-11, hứa hẹn sẽ có sự khởi đầu lớn trong việc giải quyết bế tắc với Nga so với Tổng thống đương nhiệm  Francois Hollande.

Trong khi ông Hollande ủng hộ mọi nỗ lực của châu Âu ngăn cản Nga “can thiệp” vào Ukraina và giúp chính phủ Syria chống khủng bố, cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillion lại mong muốn làm sống lại mối quan hệ với Nga và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, một sự tương đồng với chính sách của cố Tổng thống Charles de Gaulle thời Chiến tranh lạnh.

“Tầm nhìn của Fillon là Pháp và châu Âu nên gần gũi hơn với Moskva và nên xa Washington một chút-đây là điều mà ông ấy tin có sự tương quan với tầm nhìn của Tướng Charles de Gaulle. Fillon có thể tạo ra rạn nứt với một số đối tác châu Âu”, Bruno Tertrais, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Paris cho Bloomberg biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông Francois Fillon gọi Nga là một quốc gia vĩ đại và một nền dân chủ, không phải là một mối đe dọa đối với châu Âu trong cuốn sách vận động tranh cử của ông.

Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon - ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng thống Pháp năm 2017. Ảnh: Reuters

Cựu Thủ tướng Pháp kêu gọi Pháp hợp tác với Nga, thậm chí ở Syria và Ukraina. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoan nghênh tuyên bố đầy thiện chí từ nhà chính trị Pháp Francois Fillon-người mà ông có mối quan hệ cá nhân tốt, đồng thời mong muốn “khôi phục đầy đủ quan hệ Nga-Pháp.

Sau cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa Pháp kết thúc hôm 27-11, người phát ngôn Điện Kremlin-Dmitry Peshov đưa ra phát biểu thận trọng: “Nga không can thiệp vào bầu cử ở nước khác”.

Như vậy, Tổng thống Putin đã có thêm sự “ủng hộ” sau khi các nhà lãnh đạo mới của Bulgaria và Moskva lên nắm quyền gần đây, trong khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ khen ngợi tài lãnh đạo của người đồng cấp Nga và cho biết Washington sẽ hợp tác với Moskva để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Cũng như Donald Trump chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama làm cho mối quan hệ với Nga xấu đi, Francois Fillon liên tục phản đối các chính sách trừng phạt kinh tế với Nga sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, khẳng định chúng “không thích hợp và gây thiệt hại nghiêm trọng” cho nông dân châu Âu.

Ông cũng muốn tiến đến thiết lập một chính sách năng lượng chung để châu Âu có thể hiện sự thống nhất và đoàn kết khi mua khí đốt của Nga. Emmanuel Quidet, Chủ tịch Phòng thương mại Pháp-Nga đã phấn khởi ăn mừng chiến thắng ở vòng đầu tiên của ứng viên Francois Hollande tại một bữa tiệc trong khách sạn 4 Mùa ở Moskva cùng với nhà lập pháp Thierry Mariani-cố vấn chính sách đối ngoại của cựu Thủ tướng Pháp.

Tuy nhiên, lập trường của Francois Fillon sẽ không được hoan nghênh ở Berlin, nơi Thủ tướng Đức Angela Merkel đang cố gắng duy trì các chính sách trừng phạt của châu Âu, phải đối mặt với sự phê bình ngày càng tăng từ các quốc gia khác trong khu vực chẳng hạn Italia và Hungary nơi mà chính sách chống Nga sẽ tiếp tục được gia hạn vào cuối tháng 1 năm 2017.

Hãng Bloomberg bình luận rằng, cách tiếp cận của ông Francois Holland đối với Nga có nguy cơ “gây mất đoàn kết” hơn cho châu Âu so với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Các quốc gia khu vực Baltic và nhiều quốc gia Tây Âu đang lo lắng Nga sẽ “phá hoại” hàng xóm của họ. Thủ tướng Anh Theresa May và người đồng cấp Ba Lan Beata Szydlo đã nhất trí tạo ra một “mặt trận đoàn kết” để đối phó với “một nước Nga ngày càng lớn mạnh”.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Francois Hollande, Pháp đã hủy hợp đồng bán 2 tàu chiến cho Nga (dưới sức ép của Mỹ) và ủng hộ các chính sách chống Moskva sau khi sáp nhập Crimea.

Để đáp lại, Tổng thống Nga Putin hủy một chuyến công tác đến Paris được lên lịch vào tháng 10-2015, sau khi ông Francois Hollande từ chối gặp ông vì giúp chính quyền Syria chống khủng bố.

Còn ông Francois Fillon đưa ra quan điểm về “dòng thủy triều” Nga từ sự ngưỡng mộ dành cho cố lãnh đạo vĩ đại Charles de Gaulle và khát vọng phục vụ đất nước của ông. Cựu Thủ tướng Pháp nêu rõ ý tưởng cần phải cải thiện quan hệ, gần gũi hơn với Nga trong cuốn sách “Phải hành động ngay” để vận động tranh cử.

Ông lập luận người Mỹ sẽ ngày càng thu hẹp quan hệ với đồng minh, tập trung vào lợi ích quốc gia của họ, đặc biệt sau khi tỷ phú bất động sản Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay.

Thậm chí, cựu Thủ tướng Pháp còn mô tả chiến lược của Tổng thống Nga Putin ở Syria là “thực dụng mà hiệu quả” trong một bài xã hội đăng trên tạp chí Mariane số ra vào tháng 4 năm nay.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của cựu Thủ tướng Pháp, bà Valerie Boyer và cố vấn chính sách đối ngoại Mariani từng đến Damascus vào tháng 3 cùng với một phái đoàn Pháp để gặp Tổng thống Syria Bashar al Assad.

“Ông Fillon muốn đảm bảo Nga không nên còn bị coi là một kẻ thù”, ông Gerad Longuet, Bộ trưởng Quốc phòng thời Francois Fillon làm Thủ tướng Pháp từ năm 2011-2012, cũng là một cố vấn chiến dịch tranh cử cho biết.

Bên cạnh đó, ông Francois Fillon còn hứa cắt giảm 500.000 công việc trong cơ quan chính phủ và cắt giảm ngân sách đến 106 tỷ USD có thể khiến ông khó chống lại đối thủ Le Pen, người hứa bảo vệ việc làm khu vực công ích và ngân sách.

Cựu Thủ tướng Pháp nói với người ủng hộ trong chiến dịch rằng “sẽ phải đập bỏ nhà cũ” để xây “nhà mới”, tuy nhiên, nhiều cử tri Pháp không muốn điều đó xảy ra.

Phạm Trúc (Theo Bloomberg/New York Times)
.
.
.