Bầu cử Tổng thống Pháp: Ưu thế nghiêng về ông Francois Hollande

Chủ Nhật, 06/05/2012, 22:06
Các nhà phân tích nhận định, trong vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, nhiều khả năng người ta sẽ chứng kiến sự thất bại của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trước đối thủ là ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande.
>> Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy khó “lội ngược dòng”

8h sáng 6/5, các địa điểm bỏ phiếu của vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã mở cửa. Khoảng 80% trong tổng số 44 triệu cử tri Pháp đủ điều kiện đã tham gia bầu cử để lựa chọn người thích hợp nhất trong hai ứng viên Nicolas Sarkozy và Francois Hollande trở thành Tổng thống.

Vị Tổng thống đắc cử của Pháp sẽ đảm nhận cương vị trong nhiệm kỳ 5 năm, với nhiệm vụ hết sức khó khăn là đưa nước Pháp vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công và lương hưu.

Các nhà phân tích nhận định, trong vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, nhiều khả năng người ta sẽ chứng kiến sự thất bại của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trước đối thủ là ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande. Nguyên do là vì sau vòng 1 của cuộc bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận về hai ứng viên này đều đưa ra những kết quả khả quan cho ông Francois Hollande.

Ông Francois Hollande đang chiếm ưu thế tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Ảnh: Reuters.

Ví dụ như cuộc thăm dò của hãng BVA cho thấy, 52,5% người dân ủng hộ ứng viên đảng PS và 47,5% ủng hộ đương kim Tổng thống. Tỷ lệ này theo kết quả thăm dò của hãng CSA là 53% bỏ phiếu cho Francois Hollande, 47% cho Nicolas Sarkozy. Đặc biệt, sau khi hai ứng viên có cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình và được 17,9 triệu lượt khán giả theo dõi trực tiếp, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Francois Hollande vẫn cách biệt 4% so với ông Nicolas Sarkozy – một tỷ lệ khá thấp giữa kể từ sau vòng một bầu cử Tổng thống Pháp hôm 22/4.

Và dù ứng viên đảng Xã hội không hề “bỏ xa” đối phương, nhưng trong suốt hơn 2 tuần liền, mức ủng hộ dành cho đương kim Tổng thống không có sự biến chuyển lớn đã cho thấy cử tri Pháp có vẻ khá mệt mỏi trước tài hùng biện, nói nhưng không thực hiện được của ông Nicolas Sarkozy. Nguyên do rắc rối mà ông Nicolas Sarkozy vấp phải với các cử tri bắt nguồn từ những khó khăn mà nước Pháp đang gặp phải.

Hơn nữa, sau 5 năm cầm quyền, ông Nicolas Sarkozy cũng bị đánh giá là “Tổng thống kém may mắn” khi có chỉ số tín nhiệm thấp nhất trong các đời Tổng thống Pháp.

Hãng Reuters hôm 5/5 thậm chí còn có bài viết rằng phân tích rằng, liệu cuộc bầu cử lần này có biến ông Nicolas Sarkozy trở thành nhà lãnh đạo thứ 11 của châu Âu phải rời nhiệm sở bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hay không.

Sự lựa chọn của các cử tri Pháp lúc này, như giới quan sát nhận định, sẽ quyết định tương lai của đất nước trong các vấn đề về giải quyết khủng hoảng nợ công, thời gian và phương hướng của quân Pháp đóng tại Afghanistan cũng như các chính sách đối ngoại của Pháp với các quốc gia trên toàn thế giới. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai, ông Francois Hollande sẽ là người đầu tiên của đảng Xã hội lãnh đạo nước Pháp kể từ khi ông Francois Mitterrand rời nhiệm sở vào năm 1995.

Tuy nhiên, những thông tin về kết quả thăm dò dư luận mà báo chí đưa không có nghĩa là mọi sự đã an bài tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Ông Pascal Perrineau, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuộc Học viện Nghiên cứu chính trị Sciences Po của Pháp cho biết: “Vẫn còn một lượng quan trọng cử tri, chiếm khoảng 20%, cho biết họ chưa quyết định sẽ chọn lựa ai trong hai ứng cử viên Francois Hollande và Nicolas Sarkozy. Số cử tri này có thể sẽ tham dự hay không tham dự bầu cử. Do vậy, kết quả cuộc bầu cử vòng 2 vẫn có thể tạo nhiều bất ngờ”.

Đồng thời, ông Pascal Perrineau còn nhấn mạnh, những cử tri này đã theo dõi sát sao cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên Tổng thống và sẽ đưa ra quyết định trong ngày bầu cử, thậm chí là tại thời điểm bầu cử.

Do vậy, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 không phải là không chứa đựng những điều bất ngờ, nhưng dù ai thắng cử thì người đó cũng sẽ phải gánh trọng trách nặng nề để lấy lại lòng tin của cử tri Pháp đối với chính quyền.

Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu tại Pháp đã mở cửa lúc 8h sáng giờ địa phương (tức 13h Việt Nam) và đóng cửa vào lúc 20h. Các điểm bỏ phiếu ở những vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp cũng đã mở cửa trước đó 1 ngày. Khoảng hơn 44 triệu cử tri dự kiến đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vòng 2 này. Tổng thống mới của Pháp sẽ nhậm chức trước ngày 16/5. 

Khác biệt lớn nhất trong cương lĩnh tranh cử của hai ứng viên là vấn đề kinh tế. Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy chủ trương cắt giảm chi tiêu công, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm dần trợ cấp thất nghiệp và giảm giờ làm của người lao động xuống 35 giờ/tuần. Việc cắt giảm một nửa số người nhập cư và hỗ trợ kinh phí đưa họ về nước cũng là một trong những chính sách lôi cuốn cử tri của ông Nicolas Sarkozy.

Bên cạnh đó, thay vì tăng thuế thu nhập cá nhân đối với những người giàu, ông Nicolas Sarkozy sẽ tăng thuế VAT đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kiểm tra tham nhũng, trốn thuế, phúc lợi xã hội và tăng cường xử phạt đối với những hành vi này.

Trong khi đó, ứng cử viên Francois Hollande lại đưa ra cương lĩnh tranh cử trong lĩnh vực kinh tế là tách riêng hoạt động tài chính của ngân hàng và hạn chế giao dịch đầu tư rủi ro cao ở bên ngoài của những ngân hàng này; giảm nợ công của Pháp xuống dưới 3% GDP; giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng trợ cấp cho người lao động có nhiều người phải nuôi. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thường xuyên hệ thống ngân hàng để ngăn chặn hành vi gian lận tài chính. Cùng với đó, ông Hollande sẽ tăng mức thuế lên 75% đối với giới thượng lưu kiếm được trên 1,3 triệu USD/năm.

Chính sách nhập cư cũng sẽ được siết chặt, việc tạo thêm việc làm cho người lao động được đẩy mạnh cùng với chương trình cải cách phương pháp giảng dạy cũng như tăng cường đội ngũ lên tới 60.000 giáo viên cho các trường học trên khắp cả nước. (Chi Anh)

Gia Nam
.
.
.