Đối thoại Shangri-la 18: Các bước đảm bảo an ninh trên Bán đảo Triều Tiên

Chủ Nhật, 02/06/2019, 01:01
Ngày 1-6, Hội nghị cấp cao An ninh châu Á (hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La) lần thứ 18 tiếp tục diễn ra với hai phiên thảo luận toàn thể về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Tại phiên thảo luận toàn thể thứ nhất, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu với chủ đề “Tầm nhìn của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Mỹ và Washington đang đầu tư vào khu vực này, cũng như sát cánh với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, khu vực này hiện đang đối mặt với một số thách thức an ninh nghiêm trọng, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, ma túy và tội phạm xuyên quốc gia.

Bà Federica Mogherini phát biểu tại phiên thảo luận ngày 1-6. (Ảnh: straitstimes.com)

Thêm vào đó là các hành động đi ngược lại với trật tự, luật pháp quốc tế, quân sự hóa, hoặc toan tính ép buộc các nước khác phải thuận theo chiến lược của mình… Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ không nước nào có thể chi phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các nước trong khu vực xuất phát từ các nhân tố muốn phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Theo ông Patrick Shanahan, với phương châm thúc đẩy xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ sẽ tập trung tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực để nâng cao khả năng phòng vệ tập thể, sẵn sàng ứng phó và hóa giải các thách thức. Bên cạnh đó, các nước đồng minh châu Á cũng cần tăng cường chi tiêu an ninh.

Trong phát biểu của mình, ông Patrick Shanahan cho biết, Trung Quốc là đối tác hợp tác lớn nhất, song cũng là nước cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, cạnh tranh sẽ không dẫn đến đối đầu, cạnh tranh để giúp các bên cùng phát triển, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh chung tại khu vực.

Dẫn chứng về chiếc máy bay Boeing được hình thành từ các chi tiết sản xuất tại rất nhiều nước trên thế giới, ông Patrick Shanahan khẳng định hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng phải được xây dựng từ tổng hợp của mạng lưới quan hệ hợp tác của tất cả các nước trong khu vực.

Nhân dịp này, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng giới thiệu với các đại biểu tham dự đối thoại một số nội dung liên quan đến kế hoạch tăng cường hợp tác, bố trí lực lượng quân sự và mở rộng quy mô các hoạt động diễn tập đa phương tại khu vực để nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tại khu vực.

Ngay sau đó đã diễn ra phiên thảo luận toàn thể thứ hai với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kyeong-Doo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Kyeong-Doo, cho biết: Năm 2018, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hai bên đã xây dựng lòng tin, làm giảm tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Điều này có lợi cho việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Từ năm ngoái đến năm nay (2019), có 2 cuộc gặp  thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổ chức được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng có sự đóng góp không nhỏ của Hàn Quốc nhưng đáng tiếc hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Theo ông Kyeong-Doo, vấn đề hòa bình và thịnh vượng cho Triều Tiên có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là để thuyết phục Bình Nhưỡng tin rằng, sự thịnh vượng kinh tế chỉ có thể thực hiện được nếu quá trình phi hạt nhân hóa được thực hiện.

Ông nêu rõ: “Chỉ cần Triều Tiên có thể có những bước đi táo bạo hướng đến phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ họ về mặt kinh tế. Cả hai miền bán đảo Triều Tiên đã ngừng các hành động thù địch từ cuối năm 2019”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cho biết, chính sách của chính phủ Nhật Bản về quan hệ với Triều Tiên là không thay đổi, tức là tìm cách bình thường hóa quan hệ. Theo ông, Triều Tiên sẽ có tương lai tốt đẹp nếu lựa chọn con đường đúng đắn.

Về phần mình, bà Federica Mogherini cho rằng, cần phải có các cuộc đàm phán như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội nhưng dựa trên nền tảng vững chắc. Quan chức này bày tỏ tin tưởng sự tham gia của các cường quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Hiện Triều Tiên đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất và EU cũng đang nỗ lực để đảm bảo những biện pháp này được duy trì, nhưng các biện pháp trừng phạt cần phải được dừng lại khi các bên đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.

Trước đó, tối 31-5, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và Vụ trưởng Vụ châu Á-Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi cũng đã tiến hành hội đàm 3 bên để tìm kiếm các giải pháp giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Lần gần đây nhất 3 quan chức này gặp nhau là ngày 7-3 vừa qua tại Washington, Mỹ.

Đối thoại Shangri-la lần thứ 18 chính thức khai mạc vào lúc 19h ngày 31-5 (giờ Việt Nam) và kéo dài đến 2-6.

PV (tổng hợp)
.
.
.