Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019:

Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Thứ Tư, 23/01/2019, 08:29
Với sự tham gia của hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 (WEF 2019) diễn ra từ ngày 22 đến 25-1 tại Davos, Thụy Sĩ được kỳ vọng sẽ mang đến những làn gió mới cho nền kinh tế thế giới trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.


Định hình kiến trúc mới

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 được xây dựng với một chủ đề đầy khác biệt: "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư". Đặt trong bối cảnh thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của Toàn cầu hóa 4.0 và hoàn toàn không được chuẩn bị để ứng phó với quy mô của những thay đổi sắp tới, WEF 2019 đã khẳng định tính thời đại của mình, khi đặt mục tiêu của cuộc họp là xây dựng một mô hình hòa bình mới toàn diện và bền vững nhằm thích nghi với một thế giới nơi mà hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là xu thế không thể tránh khỏi, nơi mà những mô hình quản trị toàn cầu đang nỗ lực thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới. 

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2019 diễn ra từ ngày 22 đến 25-1 tại Davos, Thụy Sĩ.  Ảnh: CNN.

"Làn sóng toàn cầu hóa lần thứ tư cần phải tập trung vào chính con người, vào sự toàn diện và bền vững. Chúng ta đang bước vào một thời kỳ bất ổn toàn cầu sâu sắc do sự gián đoạn công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự sắp xếp lại các lực lượng địa kinh tế và địa chính trị. Chúng ta cần những người đứng đầu của tất cả các bên liên quan có mặt tại Davos cùng tư duy và đưa ra cam kết cần thiết để giải quyết vấn đề này", Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của WEF chia sẻ.

Với hơn 350 phiên thảo luận, Hội nghị WEF 2019 đặt đối thoại toàn cầu trở thành nội dụng then chốt, nơi mà các nguyên thủ quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học giả sẽ cùng tham gia đối thoại trong nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là nội dung về địa chính trị trong một thế giới đa khái niệm, đối thoại về hòa bình và tương lai nền kinh tế, quản lý hệ sinh thái môi trường quan trọng và an ninh mạng, vấn đề nguồn nhân lực, và đối thoại về cải cách thể chế.

Khôi phục lại niềm tin

Hội nghị WEF 2019 diễn ra với sự vắng bóng của nhiều tên tuổi lớn, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không tham dự nhằm giải quyết vấn đề chính phủ đóng cửa suốt một tháng qua, còn Thủ tướng Anh Theresa May rút lui để xử lý khủng hoảng Brexit, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng vắng mặt nhằm giải quyết phong trào biểu tình "áo ghi-lê vàng" trong nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng xác nhận không tham dự sự kiện này.

Trong khi đó, ngay trước thềm Hội nghị WEF 2019, Tổ chức quốc tế Oxfam ngày 21-1 công bố báo cáo cho biết, khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng. Theo đó, tài sản của các tỉ phú tăng 12% năm ngoái, trong khi 3,8 tỉ người nghèo nhất thế giới lại phải đối mặt với số tài sản giảm đi 11%. Cùng với đó, chính phủ ngày càng thiếu quĩ chi cho các dịch vụ công và thất bại trong việc quản lí trốn thuế. Điều này đã thổi bùng làn sóng phản đối ở nhiều nước trên toàn cầu, buộc thế giới cần có giải pháp để giải quyết tình trạng đang nhen nhóm những nguy cơ bất ổn toàn cầu mới. WEF từng tự đánh giá vai trò của diễn đàn này là "cải thiện tình trạng thế giới".

Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Anand Giridharadas, sau nhiều thập kỷ đấu tranh cho toàn cầu hóa, giờ đây, điều khiến WEF lo ngại chính là tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, chủ nghĩa bảo hộ và nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng khác.

Giới phân tích đánh giá, toàn cầu hóa đang mang lại sự tăng trưởng và phát triển ở tầm quốc tế, nhưng chính nó cũng đang tạo ra những sự bất bình đẳng rõ nét hơn.

Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab từng nhận định: "Toàn cầu hóa sản sinh ra kẻ thắng, người thua và không có thêm nhiều người thắng trong khoảng 24, 25, 30 năm qua song chúng ta phải "chăm sóc" những người thua cuộc sau khi họ bị bỏ lại phía sau". Vì thế, Chủ tịch WEF nhấn mạnh, Diễn đàn kinh tế thế giới 2019 cần tập trung xác định một chương trình nghị sự toàn cầu hướng đến những đối tượng bị gạt ra ngoài lề, những người bị thiệt thòi, tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa này.

Sứ mệnh của WEF giờ đây còn là việc khôi phục lại niềm tin của chính những công dân toàn cầu về một thế giới phát triển hòa bình, toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nơi mỗi cá nhân đều được tạo cơ hội và trao hi vọng, để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Nhận lời mời của Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành của WEF, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos 2019 quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2018, truyền tải thông điệp về đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; qua đó, thúc đẩy các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam.
An Nhiên
.
.
.