Điều gì được mong chờ từ Thượng đỉnh Nga – Mỹ?

Chủ Nhật, 15/07/2018, 10:30
Theo kế hoạch, ngày 16-7, sẽ diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Đây là cuộc gặp thượng đỉnh chính thức Nga-Mỹ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng và cũng là tiến bộ lớn nhất mà Moscow và Washington đã làm được trong năm vừa qua, dù quan hệ song phương đã xuống tới mức thấp nhất do nhiều tranh cãi liên tiếp. Do đó, cuộc gặp này được kỳ vọng sẽ mở đường hàn gắn quan hệ giữa hai bên.

Hướng tới bình thường hóa quan hệ

Hôm 13-7, bày tỏ hoan nghênh Tổng thống Donald Trump là một đối tác đàm phán, Điện Kremlin hi vọng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ là bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết: “Mục đích của cuộc gặp là bắt đầu các nỗ lực nhằm cải thiện tình hình tiêu cực hiện nay trong quan hệ Nga-Mỹ, tiến hành các bước đi cụ thể để bình thường hóa quan hệ, tái xây dựng lòng tin ở mức ít nhiều chấp nhận được, và tìm cách vạch ra các bước để tạo điều kiện nối lại hợp tác đôi bên cùng có lợi trong nhiều vấn đề có chung lợi ích”.

Vị quan chức này nhấn mạnh, các lợi ích của Moscow và Washington trùng khớp về nhiều mặt, như an ninh quốc tế, giải giáp, chống chủ nghĩa khủng bố, giải quyết các cuộc xung đột khu vực và cải thiện quan hệ song phương. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế cũng có thể là một “mạng lưới an toàn” trong quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, sự ổn định chiến lược, bao gồm cả phòng thủ tên lửa và vũ khí tấn công chiến lược, cũng có thể là một chủ đề trọng tâm tại cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump đề cao cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Nga, cho rằng đây có lẽ là cuộc gặp dễ dàng nhất trong chuyến thăm châu Âu lần này của ông. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, Nga là một đối tác của Mỹ, không phải kẻ thù, đồng thời bày tỏ hy vọng, một ngày nào đó, Tổng thống Nga sẽ trở thành một người bạn của ông.

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin. Ảnh: Usatoday.

Giới chuyên gia nhận định rằng, Nga và Mỹ có cơ sở công bằng để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy, nhưng cả hai sẽ làm điều này một cách chậm rãi và thận trọng. Dẫn chứng về sự tăng cường liên lạc gần đây giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm của một phái đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ tới Nga, Chủ tịch Hội đồng sáng lập và hỗ trợ Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai Andrei Bystritsky, cho rằng, đã có những tín hiệu lạc quan đáng chú ý giúp “phá băng” quan hệ Nga - Mỹ.

“Tổng thống Donald Trump nói ông ấy ủng hộ việc hợp lý hóa các mối quan hệ với Nga”, ông Bystritsky nói, “Cả ông Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia của ông ấy John Bolton đều nói rằng, mọi thứ sẽ ổn ngay lập tức nhưng họ vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc đối thoại trực tiếp. Đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề”.

Trong khi đó, chuyên gia Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn Albright Stonebridge, cho rằng, Tổng thống Donald Trump muốn có cơ hội để chứng tỏ ông đã cải thiện quan hệ với Nga. Cả Mỹ và Nga đều muốn quan hệ hai nước bước sang một trang mới. Cả hai đều muốn bỏ qua các vấn đề trong những năm qua và tìm cách làm cho quan hệ giữa hai nước trở nên hiệu quả hơn.

Ngoại trưởng Belarus Oleg Kravchenko nhận định rằng, cuộc gặp thượng đỉnh này có thể giúp giảm căng thẳng ở Đông Âu. Ông Kravchenko cho hay tất cả các nước ở Đông Âu sẽ chờ kết quả tích cực từ cuộc gặp, đồng thời cho rằng các quốc gia khác nên noi gương hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ trong việc cố gắng giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại. Tờ Globals Times thì bình luận rằng, Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ tạo ra một cơ hội cho cả Nga và Mỹ thiết lập lại mối quan hệ và phát triển hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng. Những vấn đề then chốt trong hợp tác bao gồm Đông Bắc Á và Trung Đông.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo không nên lạc quan thái quá về kết quả tại cuộc gặp tới hay hy vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ trong thời gian ngắn vì “sự đối đầu có hệ thống” đã bắt rễ sâu giữa hai bên khó có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Bằng chứng mới nhất cho điều này là vài ngày trước cuộc gặp đã được lên kế hoạch nói trên, Mỹ đã chính thức buộc tội 12 công dân Nga tấn công mạng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein đã công bố kết quả điều tra truy tố 12 sĩ quan tình báo Nga về vai trò của họ trong việc xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ và ban vận động tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton để đánh cắp tài liệu nhằm gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tất cả 12 bị cáo này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU). Động thái này được đánh giá là sẽ phủ lên cuộc gặp Thượng đỉnh.

Những vấn đề nào sẽ được đưa ra bàn thảo?

Theo dự kiến, hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ gặp nhau tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16-7 tới. Cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ bắt đầu bằng một cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ tại Dinh Tổng thống Phần Lan và sau đó sẽ là các cuộc đàm phán dưới dạng một bữa ăn trưa làm việc, với sự tham gia của các phái đoàn hai bên.

Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo sẽ tham gia họp báo chung. Ông Ushakov cho biết, hiện hai bên không giới hạn thời gian cho cuộc gặp thượng đỉnh kín, và hai tổng thống sẽ là người quyết định có ra một tuyên bố chung sau các cuộc đàm phán hay sẽ chỉ tổng kết về nội dung cuộc gặp trong cuộc họp báo chung. Phái đoàn của hai bên sẽ bao gồm Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Nga cùng các chuyên gia từ các cơ quan chính phủ hai nước.

Nói về chủ đề sẽ được các nhà lãnh đạo bàn thảo, ông Ushakov cho biết hiện vẫn chưa rõ các vấn đề chính xác nào sẽ được đặt lên bàn, song theo quan chức này, Moscow sẵn sàng “cân nhắc mọi vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và trên trường quốc tế”.

Trong khi đó, theo chuyên gia Anthony Nelson, vấn đề Bán đảo Crimea, vấn đề Syria hay Triều Tiên sẽ là những nội dung mà hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ thảo luận. Hai bên cũng sẽ đề cập tới cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ mặc dù Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ không thể làm gì nếu người đồng cấp Vladimir Putin phủ nhận cáo buộc này. Về phía Nga, có thể Tổng thống Vladimir Putin sẽ đề cập tới một số biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan tới cân bằng chiến lược và kiểm soát vũ khí như Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Giảm Vũ khí Chiến lược Mới. Đây cũng sẽ là những vấn đề “nổi bật” trong chương trình nghị sự. Vẫn còn một số vấn đề gai góc cần giải quyết giữa hai nước để có thể đưa ra một tuyên bố tích cực cuối cuộc gặp. Tuy vậy, theo Điện Kremlin, một tuyên bố chung không phải là điều bắt buộc sau cuộc gặp này và các tuyên bố sẽ phụ thuộc vào kết quả hội nghị.


Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.