Cuộc đua vào Nhà Trắng thời COVID-19

Thứ Ba, 14/04/2020, 08:25
Cuộc đua vào Nhà Trắng lần này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, đó là đại dịch COVID-19. Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang xếp đầu bảng ở hạng mục tương đối nghiệt ngã: Số người nhiễm cao nhất (gần 560.000) và số ca tử vong cao nhất (hơn 22.100) tính đến chiều 13-4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-4 cũng đã tuyên bố tình trạng thảm họa toàn quốc. Trong những chặng nước rút của các cuộc bầu cử trước, các ứng viên xuất hiện trong những cuộc vận động tranh cử với hàng chục ngàn người ủng hộ ở các bang, giương cao biểu ngữ, hô to những khẩu hiệu, và đưa ra những lời hứa tranh cử của mình.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra trong năm nay. Dù tình hình hiện nay tại Mỹ rất phức tạp, nhưng nếu như không có điều gì thay đổi, tháng 11 tới đây sẽ chứng kiến cuộc đối đầu của hai ứng viên là đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Thật không quá khi nói COVID-19 là một phép thử đối với bất kỳ ứng viên tranh cử nào, đặc biệt là với Tổng thống Donald Trump. Đại dịch kéo theo cuộc khủng hoảng nhiều mặt tại Mỹ. Thời điểm đầu, ông Trump bị chỉ trích phản ứng chậm và chủ quan cùng với những thông điệp đối nghịch, khiến nước này bỏ lỡ khoảng thời gian vàng để ngăn đại dịch.

Tổng thống Donald Trump (phải) nhiều khả năng đối đầu ứng viên Joe Biden trong cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: AP.

Một siêu cường với đủ mọi tiềm lực tài chính, công nghệ như Mỹ phải hứng chịu thảm họa nặng nề nhất, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu thốn cả vật tư y tế lẫn nhân viên chăm sóc sức khỏe trong cuộc chiến chống dịch. Ông Trump đã buộc phải thay đổi, đưa ra hàng loạt biện pháp mới, quyết liệt hơn để cải thiện tình hình. Cuộc họp thường ngày về COVID-19 giúp ông dễ dàng tiếp cận với cử tri hơn người dân đều đang dõi theo tình hình dịch bệnh.

Grant Reeher, Giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Syracuse, Mỹ, cho biết cơ hội tái đắc cử của ông Trump phụ thuộc vào cảm nhận của công chúng về sự an toàn với họ và vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Mỹ. Giáo sư này cho biết, Tổng thống Trump cần đưa ra những dấu hiệu rõ ràng, chứng minh kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục sau những thiệt hại do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, đây là sức ép rất lớn đối với ông.

Ngày 11-4, ông Trump cho biết đang đứng trước quyết định khó khăn nhất cuộc đời: Chọn thời điểm mở cửa nền kinh tế. Đóng cửa nền kinh tế trong thời gian dài cũng đồng nghĩa với việc thiệt hại đối với doanh nghiệp, kinh tế và đời sống ngày càng lớn nhưng mở cửa kinh tế khi dịch còn phức tạp rõ ràng không phải một lựa chọn sáng suốt. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này, nếu ông Trump đưa ra một lời giải phù hợp, ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ về tay ông, nhưng nếu đi một nước cờ sai thì hậu quả không chỉ là thất bại đối với ông.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông Trump không ít lần đưa ra những quyết sách bất ngờ và chưa từng có tiền lệ. Một số chính sách của ông đã mang về lợi ích cho nước Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, định hướng “nước Mỹ trước tiên” của ông phải hứng chịu nhiều chỉ trích và hoài nghi đối với cả những đồng minh lâu năm.

Trong khi đó, đối thủ Biden cũng đang đối mặt một loạt vấn đề cần giải quyết trước thời điểm cuộc bầu cử diễn ra. Dù không thường xuyên xuất hiện như ông Trump, nhưng ông Biden cũng nhanh chóng thích nghi thời cuộc. Ông Biden đã “tích cực” chuyển hướng sang chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của ông Trump trong các sự kiện trực tuyến và phỏng vấn. Bên cạnh đó, ông Biden cũng mở rộng hình thức tiếp cận cử tri trên nền tảng kỹ thuật số phù hợp với tình hình.

Điển hình, ông Biden ngày 12-4 đã có bài đăng trên tờ New York Times, chỉ trích cách đối phó với đại dịch COVID-19 của chính quyền Trump, đồng thời đưa ra kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. Theo ông Biden, kế hoạch cần bắt đầu với việc đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay và cuối cùng là phát triển và sử dụng rộng rãi vaccine cho loại virus này. Ông Biden cho rằng ưu tiên hàng đầu đó là tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội cho tới khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể.

Ông Biden kêu gọi Tổng thống Trump áp dụng tối đa Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm đối phó với đại dịch với mọi công cụ sẵn có. Ông Biden cũng chỉ trích chính phủ đã thất bại trong việc thông qua các biện pháp xét nghiệm diện rộng và dễ tiếp cận cũng như truy tìm nguồn tiếp xúc. Theo kế hoạch của ông Biden, các bệnh viện và hệ thống chăm sóc y tế cần phải được chuẩn bị cho khả năng COVID-19 quay lại sau khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi…

Ông Biden nhấn mạnh, chỉ khi các biện pháp trên được thực hiện thì Mỹ mới nên bắt đầu mở cửa lại các doanh nghiệp và cho phép thêm người dân được quay lại làm việc. Tuy nhiên, ông Biden cũng cảnh báo nước Mỹ sẽ không ngay lập tức quay trở lại bình thường mà quá trình này sẽ diễn ra dần dần.

Ông Joe Biden, năm nay 78 tuổi, dù xuất thân trong một gia đình bình thường nhưng lại có kinh nghiệm thuộc hàng “lão làng” trên chính trường. Ông là một trong những thượng nghị sĩ được bầu khi tuổi đời còn rất trẻ trong lịch sử Mỹ, từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, trước khi làm cấp phó dưới thời Tổng thống Barack Obama trong cả hai nhiệm kỳ.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Donald Trump, 74 tuổi, sinh ra trong gia đình giàu có, xuất thân là tỉ phú kinh doanh nhưng lại là người mới tham gia lĩnh vực chính trị, tuy nhiên, ông đã giành chiến thắng trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người cũng dày dặn kinh nghiệm, để trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Cả hai đều có những ưu thế và khó khăn nhất định trong bối cảnh hiện nay và cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới sẽ rất khó đoán định.

Gia Khoa (Tổng hợp)
.
.
.