“Cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt

Thứ Tư, 03/03/2021, 08:01
Điều này được phản ánh trong tuyên bố hôm 1/3 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) rằng Tổng thống Joe Biden sẽ sử dụng "mọi công cụ sẵn có" để ngăn chặn chống lại những hành vi thương mại mang tính "lạm dụng" của Trung Quốc.


Tái khẳng định quan điểm cứng rắn

Trong báo cáo về chương trình nghị sự năm 2021 do USTR đệ trình lên Quốc hội Mỹ, đội ngũ phụ trách vấn đề thương mại của Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh và bảo vệ người lao động Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh việc phục hồi mối quan hệ rạn nứt với các đồng minh và đối tác thương mại cũng sẽ là một phần trong chiến lược ứng phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden nhằm giải quyết tình trạng "méo mó" của thị trường toàn cầu do tình trạng dư thừa công nghiệp tạo ra. 

“Cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn căng thẳng.

Như vậy, báo cáo này được xem là một trong những tín hiệu nhằm chính thức hóa những tuyên bố của Tổng thống Biden và bà Katherine Tai - người được ông đề cử vào vị trí người đứng đầu USTR. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh những thiệt hại do các hành vi thương mại không công bằng và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định những hành vi này "gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ". 

Trước đó, cùng ngày, trong văn bản trả lời câu hỏi của các nghị sĩ, bà Katherine Tai khẳng định sẽ nỗ lực đấu tranh với hàng loạt hành động thương mại và kinh tế "bất công" của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh sẽ cố gắng sử dụng tiến trình tham vấn thực thi trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Washington và Bắc Kinh đã đạt được dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump để đảm bảo sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ và Công ty Nghiên cứu và Phân tích Rhodium Group đưa ra trước đó, nếu Nhà Trắng tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc sẽ khiến nước Mỹ có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD và chúng khiến khả năng cạnh tranh toàn cầu suy giảm trong dài hạn. Báo cáo ước tính về lĩnh vực thương mại, nếu mở rộng biểu thuế 25% đối với toàn bộ hoạt động thương mại hai chiều, GDP của Mỹ sẽ mất 190 tỷ USD/năm vào năm 2025. Mức thiệt hại thậm chí có thể nặng nề hơn khi tính đến tác động từ việc Mỹ mất quyền tiếp cận thị trường ở Trung Quốc đối với doanh thu và thị trường việc làm, trong khi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và khả năng cạnh tranh đều giảm. 

Về đầu tư, nếu lập trường cứng rắn được duy trì và dẫn đến việc bán một nửa lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại Trung Quốc, các nhà đầu tư Mỹ sẽ mất 25 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm và GDP thiệt hại 500 tỷ USD. Bên cạnh đó, FDI từ Trung Quốc vào Mỹ giảm cũng sẽ làm tăng thêm chi phí, đồng thời làm lợi cho các đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Ngoài ra, nếu chi tiêu cho du lịch và giáo dục của Trung Quốc giảm đi một nửa so với mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ sẽ mất từ 15 tỷ đến 30 tỷ USD/năm về xuất khẩu thương mại dịch vụ. 

Báo cáo trên nhận định các chính sách của Mỹ nhắm vào Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước khác, khi buộc các nước này phải xem xét lại mối quan hệ với Mỹ. Động thái sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp Mỹ và giảm khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Đối với các ngành công nghiệp, báo cáo cũng chỉ ra những thiệt hại đối với ngành hàng không, bán dẫn, hóa chất và thiết bị y tế. 

Cụ thể, theo phân tích của các tác giả trong báo cáo, việc để mất thị trường máy bay khổng lồ của Trung Quốc có thể khiến Mỹ thiệt hại 875 tỷ USD vào năm 2038. Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Mỹ nên theo đuổi những hành động có tính toán trong phạm vi hẹp, để bảo vệ an ninh quốc gia, như hạn chế xuất khẩu các giấy phép công nghệ trong những lĩnh vực cụ thể. Báo cáo cảnh báo việc cắt đứt hoàn toàn các doanh nghiệp Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc có thể sẽ gây ra những hậu quả lớn hơn cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong dài hạn.

Chưa thể thu hẹp khoảng cách về thương mại

Theo báo Độc lập của Nga, các nhà đầu tư Mỹ chấp nhận đầu tư vào nền kinh tế cạnh tranh của Trung Quốc, bất chấp nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế nước này và bất chấp lệnh cấm giao dịch cổ phiếu của Bắc Kinh. Theo đó, đầu tư gián tiếp của Mỹ vào các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cao gấp 5 lần so với tính toán của các cơ quan tài chính Mỹ. Các chuyên gia báo Độc lập đã giải thích nguyên nhân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng bất chấp các cuộc chiến thuế quan. 

Thứ nhất là sự khác biệt giữa số liệu thống kê và thực tế. Theo đó, trên thực tế, các khoản đầu tư lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cao hơn nhiều so với số liệu thống kê chính thức. Theo báo cáo của Rhodium Group, các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ 1.200 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu của các công ty Trung Quốc tính đến cuối năm 2020, cao gấp 5 lần số liệu chính thức của Bộ Tài chính Mỹ. Và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào chứng khoán Mỹ tính đến cùng thời điểm là 2.100 tỷ USD, cao hơn 36% so với số liệu chính thức. 

Thứ hai là sự mất cân bằng tiếp tục gia tăng. Mối quan hệ không êm ả giữa hai "gã khổng lồ" kinh tế đã không ngăn cản họ gia tăng thương mại song phương. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương với Mỹ tính đến cuối năm 2020 đạt 586,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2019.

Là một phần trong chính sách ngăn chặn toàn diện Trung Quốc, Washington đã áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD. Các mức thuế này đã khiến các nhà nhập khẩu Mỹ thiệt hại 71,6 tỷ USD kể từ đầu tháng 7-2018, vì phải phá vỡ chuỗi cung ứng. Đồng thời, giá cổ phiếu của các công ty này trên thị trường chứng khoán cũng sụt giảm. Trong khi đó, lợi nhuận của các trang trại Mỹ vào mùa Thu ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Trung Quốc đã mua 11,2 triệu tấn ngô Mỹ trong vụ vừa qua, gấp 13 lần so với trước khi xảy ra căng thẳng. Ngoài ra, Trung Quốc mua gần 30 triệu tấn đậu tương của Mỹ và đây là khối lượng lớn nhất kể từ năm 1991.

Chuyên gia Vitaly Mankevich bình luận: "Hệ lụy quan trọng nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là việc Mỹ nhận thức được mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc, cũng như việc Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để giành vị trí của mình và bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị của họ. Một kết luận quan trọng khác đó là chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung là cuộc chiến tranh giành vị thế, không phải là cuộc chiến chớp nhoáng mà ông Donald Trump muốn thực hiện. Chính quyền ông Joe Biden có thể tái khởi động quan hệ với Trung Quốc, nhưng quá trình trung hạn nhằm gây sức ép với Trung Quốc thông qua hệ thống thể chế quốc tế và thông qua các cuộc đấu tranh chính trị ở các nước thế giới thứ ba sẽ tiếp tục. Tăng trưởng thương mại và đầu tư song phương là kết quả những lợi ích kinh tế của mối quan hệ đối tác đó. Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai trên thế giới không thể bị cấm cưỡng bức mà sẽ tiếp tục, miễn là mang lại một tỷ suất sinh lời phù hợp. Hợp tác sẽ chỉ giảm nếu tỷ suất lợi nhuận trở nên thấp hơn".

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.