Tín hiệu lạc quan trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung

Thứ Tư, 26/08/2020, 06:55
Tín hiệu này xuất hiện trong cuộc điện đàm ngày 25-8 giữa đại diện cấp cao của hai phái đoàn đàm phán thương mại là Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận kinh tế - thương mại giai đoạn I mà hai bên đạt được hồi đầu năm nay.


Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hai bên đã tiến hành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng tập trung vào các vấn đề như tăng cường hợp tác về chính sách kinh tế vĩ mô và việc thực thi thỏa thuận kinh tế - thương mại song phương giai đoạn I; nhất trí tạo điều kiện và không khí thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận thương mại này.

Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo, trong cuộc điện đàm, hai bên đánh giá lại những tiến triển trong giải quyết các vấn đề liên quan thỏa thuận thương mại giai đoạn I, tập trung vào những bước tiến của Trung Quốc trong chuyển đổi thể chế kinh tế theo yêu cầu của thỏa thuận nhằm bảo đảm hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ, dỡ bỏ các trở ngại để các công ty Mỹ tiếp cận các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ tài chính, cũng như chấm dứt việc chuyển giao công nghệ bắt buộc. Hai bên đều ghi nhận những tiến triển đã đạt được và cam kết tiến hành các bước tiếp theo để bảo đảm sự thành công của thỏa thuận.

Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn I hồi tháng 1 vừa qua, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nước. Dù từng là chủ đề mâu thuẫn lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong suốt 3 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, song với thỏa thuận này, thương mại lại là khía cạnh bền vững hơn cả trong quan hệ hai nước.

Ngoại trừ thương mại, Mỹ và Trung Quốc đối đầu gay gắt trên hầu hết các vấn đề từ Luật An ninh Hong Kong, dịch COVID-19, đến những cáo buộc do thám, đánh cắp tài sản trí tuệ hay vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, đây chỉ là giai đoạn “sóng yên biển lặng” trước bão lớn.

Bởi dù hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn I nhưng Mỹ vẫn “treo” mức thuế đã áp lên 360 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian gần đây đã tỏ ý không hài lòng khi hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng nông nghiệp, chế tạo, năng lượng và dịch vụ của Mỹ chậm hơn rất nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng mục tiêu tăng mua thêm 77 tỷ USD hàng hóa trong năm nay so với lượng mua năm 2017, dù nguyên nhân một phần là do dịch COVID-19. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tăng tốc độ mua hàng nông sản trong những tuần gần đây.

Ngay trước cuộc điện đàm này chỉ 1 ngày, Tổng thống Donald Trump khi trả lời phỏng vấn truyền hình Mỹ cho rằng Washington không cần thiết phải làm ăn với Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh, nếu Trung Quốc đối xử không đúng, Mỹ sẽ “tách rời” với Trung Quốc.

Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 24-8 cho rằng, trong bối cảnh hiện đại hóa toàn cầu như hiện nay, các nước đều có thể phát huy vai trò của mình trong chuỗi phân phối toàn cầu để từ đó phát triển nhanh hơn.

Hơn 40 năm quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ đã cho thấy, để bảo vệ và tăng cường lợi ích của người dân hai nước thì Trung – Mỹ cần phải bổ sung các ưu thế cho nhau chứ không phải là chia cắt hay tách rời, cần phải dung hòa mà không phải là ngăn cách, hợp tác cùng thắng mà không phải là xung đột đối kháng.

Ông nhấn mạnh, “tách rời” Trung – Mỹ sẽ là con đường đi vào ngõ cụt. Chia sẻ quan điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cùng ngày cũng khẳng định, hợp tác Trung – Mỹ là hợp tác cùng có lợi, hoàn toàn không phải là hợp tác một bên. Do đó việc một số chính khách Mỹ khẳng định Mỹ “chịu thiệt hại” hoặc “ban ân” cho Trung Quốc thực chất là sự khác biệt về ý thức hệ nhằm tuyên truyền cái gọi là “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”. Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, điều này không phù hợp với thực tế, là động thái nhằm quay ngược bánh xe lịch sử.

Trong vài tuần qua, truyền thông ở Trung Quốc đại lục xôn xao về chiến lược “lưu thông kép” mới của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, tại một hội nghị chuyên đề vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng Trung Quốc “sẽ khai thác tất cả tiềm năng của nhu cầu trong nước, cải thiện kết nối giữa thị trường trong nước và quốc tế, sử dụng tốt hơn các nguồn lực và hai thị trường (trong nước và quốc tế) để thúc đẩy phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn”.

Nói tóm lại, Trung Quốc đã quyết định đối phó với một loạt đối thủ lớn hiện nay bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu, tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra nhu cầu từ thị trường tiêu dùng trong nước và xây dựng khả năng tự lực tự cường về công nghệ càng nhanh càng tốt.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi các sáng kiến tương tự đang được thực hiện ở Mỹ và châu Âu vì nhiều người cảm thấy phụ thuộc quá mức vào các sản phẩm của Trung Quốc, từ phụ tùng ôtô, công nghệ 5G và thiết bị y tế đến đất hiếm, pin xe điện, và bị thúc đẩy bởi đại COVID-19 để ưu tiên tính tự lực tự cường.

Theo giới chuyên gia, việc chính thức công bố chiến lược kinh tế quốc gia mới này là hành động cần thiết, định hình một phản ứng khẩn cấp và thiết yếu trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ quốc tế, cuộc chiến công nghệ chống Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ của Mỹ và những tác động suy thoái của đại dịch. Họ kết luận rằng: “Mặc dù những luồng gió thay đổi chắc chắn đang thổi qua, nhưng việc duy trì hiện trạng quan hệ Mỹ - Trung vẫn đang tồn tại và điều này có thể sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi về viễn cảnh ngày tận thế”.

Khổng Hà
.
.
.