Cử tri Nhật Bản bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Thượng viện

Thứ Hai, 22/07/2019, 08:57
Sáng 21-7, các cử tri trên khắp đất nước Nhật Bản đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Thượng viện. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến giành được đa số vững chắc trong cuộc bầu cử này.

47.000 điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa từ 7h và đóng cửa vào 20h cùng ngày. Kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố vào ngày 22-7.

Thượng viện Nhật Bản hiện gồm 242 thành viên, trong đó 50% nghị sỹ sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 28-7. Theo Luật Bầu cử các chức vụ công sửa đổi, Thượng viện được bổ sung thêm 6 thành viên theo hai giai đoạn, trong đó 3 thành viên được bầu ra trong cuộc bầu cử này. Như vậy, trong cuộc bầu cử này, các cử tri Nhật Bản sẽ bỏ phiếu để bầu ra 124 nghị sỹ, trong đó có 74 người sẽ được lựa chọn từ 47 khu vực bầu cử theo phương pháp phổ thông đầu phiếu và 50 người sẽ được bầu theo phương pháp đại diện tỷ lệ.

Có 370 ứng cử viên ra tranh cử, trong đó nữ giới chiếm 28,1%, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Cuộc bầu cử lần này có thể được xem là cuộc trưng cầu ý dân đối với 6 năm rưỡi cầm quyền vừa qua của Thủ tướng Shinzo Abe. Vấn đề mấu chốt ở đây là liệu đảng cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản liệu có giữ được sự ổn định chính trị, hay phe đối lập sẽ tìm thêm được ủng hộ và chiếm ưu thế.

Kết quả thăm dò dư luận do nhật báo kinh doanh Nikkei công bố ngày 15-7 cho thấy, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe cùng đối tác Komeito trong liên minh cầm quyền có thể giành tới 83 ghế trong tổng số 124 ghế được bầu lần này. Các cuộc thăm dò dư luận tương tự do các cơ quan truyền thông khác tiến hành, trong đó có hãng thông tấn Kyodo, cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho LDP đạt 31%, tăng 2% so với các cuộc thăm dò tháng trước. Sự ủng hộ dành cho đảng Komeito không thay đổi, giữ ở mức 5,6%. LDP và Komeito hiện đang nắm giữ 70 ghế trong tổng số 121 ghế thượng nghị sỹ chưa hết nhiệm kỳ.

Người dân xếp hàng bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở Thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters.

Để chuẩn bị cho “cuộc đua” lần này, các đảng phái tại Nhật Bản đã đưa ra những chủ trương, chính sách hướng tới xây dựng xã hội Nhật Bản trong tương lai. Tuy có khác nhau về quan điểm, nhưng đã tạo ra tính cạnh tranh, đưa ra nhiều lựa chọn cho người dân Nhật Bản. LDP hiện đang vấp phải sự phản đối của các đảng phái đối lập về các vấn đề tiền trợ cấp lương hưu, cải cách Hiến pháp và tăng thuế tiêu dùng từ 8 lên 10% từ ngày 1-10 năm nay.

Chủ trương của LDP là phê phán những chính sách trong tương lai mà các đảng phái đối lập đã đưa ra là không cụ thể và đầy bất an. Đồng thời khẳng định, việc tăng trợ cấp lương hưu là đúng đắn và LDP sẽ có trách nhiệm thực hiện nó để đảm bảo cuộc sống người dân. Liên quan đến vấn đề giáo dục, LDP cho rằng, tỷ lệ có việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng cao nhất từ trước đến nay. Đây là cơ sở để xây dựng một xã hội Nhật Bản trong tương lai phù hợp với trào lưu.

Trong khi đó, đảng Công Minh, Nhật Bản cho rằng, nhiệm vụ trong tương lai sẽ là giữ vững sự ổn định xã hội trong bối cảnh dân số giảm, người già tăng, tỷ lệ sinh đẻ thấp chưa từng có. Đảng cũng đưa ra bốn trụ cột chính là phải xây dựng xã hội có trợ cấp lương hưu, đảm bảo y tế, giáo dục và chăm sóc người già. Đảng Quốc dân trong những cuộc tranh luận bầu cử nêu quan điểm của đảng là mong muốn có một nền chính trị trung thực chứ không phải để biểu diễn. Thứ hai, tạo dựng xã hội hạnh phúc và chăm lo giáo dục tốt cho trẻ em.

Đảng Cộng sản có chủ trương yêu cầu ngừng ngay việc tăng thuế tiêu dùng lên 10%, phản đối việc cải cách điều 9 của Hiến pháp liên quan đến lực lượng phòng vệ, quyết tâm bảo vệ Hiến pháp Nhật Bản. Đảng Duy tân cho rằng, Nhật Bản cần phải cải cách triệt để cách làm việc của các cơ quan công quyền, kích thích sự gia tăng của các dịch vụ liên quan đến nhân dân. Đảng Xã hội Dân chủ cho rằng, trong bối cảnh vấn đề trợ cấp lương hưu đang gây bất an cho xã hội, thì cuộc sống có sức khỏe và văn hóa là quyền lợi của người dân và chính trị phải làm được việc đó.

Việc tăng thuế lên 10% sẽ là gánh nặng đối với những gia đình có thu nhập thấp và cần được phải bãi bỏ. Ngân sách cho giáo dục còn hạn chế. Trong khi đó, người dân Nhật Bản mong muốn một xã hội có điều kiện tốt cho giáo dục trẻ em, hệ thống nhà dưỡng lão hoàn hiện để chăm sóc cho người già…

Đối với cuộc bầu cử lần này, các đảng phái lo ngại tỷ lệ đi bỏ phiếu sẽ giảm so với lần trước. Trong khi đó, người dân Nhật Bản cũng có xu hướng không quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử, đặc biệt là cử tri ở lứa tuổi 20 - 40. Tại cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016, tỷ lệ đi bầu đạt 54,7%, trong đó lứa tuổi 20 đi bầu đạt 35,6%, tuổi 30 đạt 44,2%. Nhiều tổ chức, cơ quan truyền thông đã phỏng vấn cử tri ở lứa tuổi 20-40, đa phần họ cho rằng đến nay vẫn chưa có lần nào đi bầu cử, hoặc không có hy vọng gì về sự thay đổi của Nhật Bản qua cuộc bầu cử lần này.

Hơn thế nữa, rất nhiều người trong số họ không biết có sự kiện bầu cử Thượng viện diễn ra ngày 21-7. Có nhiều ý kiến cho rằng, dù có bầu cử các ý kiến của nhân dân cũng không được phản ánh nhiều, hoặc sẽ không đi bầu cử. Có ý kiến cử tri cho rằng, không phải họ không quan tâm tới chính trị, nhưng chỉ muốn theo dõi thôi chứ chưa chắc đã đi bầu cử. Còn theo một số ý kiến khác, có ứng cử viên khi tranh cử đều nói những lời nói tốt, nhưng sau khi trúng cử lại không làm được như đã nói. Đây cũng là lý do khiến nhiều cử tri Nhật Bản không muốn đi bầu cử. Do tỷ lệ dân số già chiếm phần lớn trong dân số Nhật Bản nên cử tri đi bỏ phiếu chủ yếu là những người trên 50 tuổi.

Trong khi đó, các đảng phái có thành viên là ứng cử viên trong đợt bầu cử này cũng đang lo ngại về tỷ lệ bỏ phiếu sẽ thấp do cử tri không mấy quan tâm tới cuộc bầu cử cũng như chính trị Nhật Bản. Dự báo cho rằng tỷ lệ bỏ phiếu sẽ thấp hơn so với lần trước.

Theo điều tra mới nhất của NHK về tỷ lệ quan tâm tới bầu cử Thượng viện, số người nói “rất quan tâm” đạt 22%, là con số thấp so với tiêu chuẩn bầu cử quốc gia. Nếu tỷ lệ bầu cử thấp đồng nghĩa với việc sẽ gây ảnh hưởng lớn tới kết quả bầu cử.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.