Cử tri Colombia nói “không” với thỏa thuận hòa bình
Kết quả hoàn toàn nằm ngoài dự kiến này đã khiến mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ Colombia, FARC và các bên trung gian hòa giải gần 4 năm qua để chấm dứt chiến tranh ở Colombia trở nên vô nghĩa.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Santos khẳng định chính phủ không có phương án dự phòng và trong trường hợp người dân nói “không” với văn bản đã được ký kết, thỏa thuận trên sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, Tổng thống Santos nhấn mạnh “sẽ không bỏ cuộc” và “sẽ tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho tới ngày tại chức cuối cùng của mình”.
Ngay trong ngày 3-10, Tổng thống Colombia đã cử các nhà đàm phán tới thủ đô La Habana của Cuba để hội đàm với các nhà lãnh đạo của FARC.
Một người dân đã bật khóc sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 2-10 được công bố. Ảnh: Reuters |
Đồng quan điểm, thủ lĩnh tối cao của FARC Rodrigo Londondo (bí danh Timochenko) cũng khẳng định lực lượng này vẫn mong muốn tìm kiếm hoà bình dù cho cuộc trưng cầu dân ý không có kết quả như mong đợi, và cam kết trở thành một đảng chính trị ôn hòa. “FARC vẫn giữ nguyên cam kết dùng ngôn ngữ làm vũ khí để xây dựng tương lai” - ông Timochenko nêu rõ.
Một thủ lĩnh khác của FARC, Timoleón Jiménez cũng đã bày tỏ lấy làm tiếc về kết quả trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình vừa diễn ra cùng ngày khi đa số người dân nước này bác bỏ văn bản nói trên.
Trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp sau khi kết quả trưng cầu dân ý được thông báo, ông Jiménez tái khẳng định thiện chí hòa bình và giải giáp vũ khí của các tay súng FARC.
Ông nhấn mạnh FARC mong muốn hòa bình và sẽ chỉ đối thoại để đạt được mục đích này. Theo ông Jiménez, FARC sẽ phân tích “một cách bình tĩnh” từng chi tiết kết quả trưng cầu dân ý.
Ông cho rằng, với kết quả này, FARC hiểu rằng còn rất nhiều thách thức để tổ chức này trở thành một chính đảng và bày tỏ tin tưởng nền hòa bình sẽ chiến thắng.
Ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, FARC tuyên bố sẽ trả tiền bồi thường cho các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang kéo dài 52 năm qua ở Colombia.
Tuyên bố của nhóm vũ trang này cũng cho biết, họ đã công khai với Chính phủ Colombia các tài sản mà họ nắm giữ, bao gồm cả đất đai và các khoản đầu tư trong lĩnh vực giao thông và khai khoáng.
Cùng với đó, hôm 1-10, đại diện của Liên Hợp Quốc đã chứng khiến FARC phá huỷ 620kg thuốc nổ tại một khu vực biệt lập của đất nước. Đây được xem là một động thái tích cực của lực lượng vũ trang cách mạng Colombia bởi lẽ từ trước đến nay nhóm này đều từ chối các yêu cầu bồi thường chiến tranh, với lý do các nguồn tài chính của họ đều đã đổ hết vào cuộc chiến.
Trong khi đó, phản ứng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Colombia về thỏa thuận hòa bình, tổ chức "Quân đội giải phóng quốc gia" (ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai Colombia, đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục đấu tranh vì hòa bình.
ELN nhấn mạnh người dân cần tiếp tục đấu tranh vì nền hòa bình mặc dù các cử tri Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình được ký ngày 26-9 vừa qua giữa Chính phủ của Tổng thống Santos và FARC.
Theo chuyên gia phân tích các vấn đề chính trị của Trường Đại học Bogota, ông Fernando Giraldo, việc chính phủ và phe phiến quân sẵn sàng quay lại bàn đàm phán là một dấu hiệu tốt nhưng mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ: “Cuộc trưng cầu dân ý này đã khiến chúng ta rơi vào một vùng xám vô định”.
Vị chuyên gia này giải thích, thoả thuận hoà bình này vốn sẽ là bước đệm để 5.800 phiến quân FARC buông bỏ vũ khí và trở thành một đảng chính thức. Họ cũng có thể thoát khỏi các tội danh nếu như thú nhận những tội ác của mình bao gồm giết người, bắt cóc, tuyển dụng trẻ em. Thế nhưng sau kết quả này mọi thứ đang trở nên vô định.
Trong khi đó, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AL) Erika Guevara Rosas bày tỏ: “Dù không hoàn hảo, thế nhưng thoả thuận này thể hiện một con đường thực dẫn tới hoà bình và công lý. Sẽ là cần thiết đối với Colombia rằng người dân không xa lánh khỏi dự án này và chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới hoà bình”.
Trong khi đó, ông Uribe, người đã kêu gọi người dân nói “không” với thỏa thuận hòa bình cho biết, ông không ủng hộ chiến tranh, mà mong muốn tìm ra một thoả thuận hợp lý hơn.
“Hỡi người dân Colombia, hãy cùng nhau sửa con đường này. Chúng tôi mong muốn sẽ có những điều chỉnh, và công lý sẽ được thực thi” – ông nói.