Chuyến đi không như kỳ vọng của Thủ tướng Shinzo Abe

Thứ Hai, 17/06/2019, 09:20
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thực hiện chuyến thăm Iran kéo dài từ ngày 12 đến 14-6 với kỳ vọng có thể tận dụng mối quan hệ tốt đẹp bấy lâu nay của Nhật Bản để góp phần làm hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Iran, đồng thời nâng cao vị thế của ông trước thềm tổng tuyển cử ở Nhật Bản vào tháng 7 tới.

Tuy nhiên, sứ mệnh thuyết khách của nhà lãnh đạo Nhật Bản đã không đạt được kết quả như mong đợi, khi cả Mỹ và Iran đều đưa ra thông điệp không tích cực trong việc cải thiện quan hệ song phương và chuyến thăm cũng bị phủ bóng bởi vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi vịnh Oman.

Một tàu chở dầu bốc cháy trên vịnh Oman ngày 13-6. Ảnh: AP.

Chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Iran được thực hiện trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là quan hệ giữa Mỹ và Iran. Phát biểu khi gặp Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định mong muốn của Nhật Bản trong chuyến thăm Iran lần này: “Có khả năng xảy ra các vụ đụng độ tình cờ trong khu vực nhưng chúng ta phải tránh bằng mọi giá. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, cần thiết để Iran đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Không ai muốn chiến tranh. Nhật Bản sẽ nỗ lực để giảm nhẹ căng thẳng hiện nay”.

Nguyện vọng của Thủ tướng Abe là rõ ràng nhưng kết quả không được như  mong đợi khi cả Mỹ và Iran đều tuyên bố chưa sẵn sàng. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định hiện tại, ông không có phản hồi nào gửi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump và trong tương lai cũng vậy.

Thực tế đây là một kết quả có thể dự đoán được và giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là sứ mệnh hòa giải. Chuyến thăm cũng bị phủ bóng bởi sự cố 2 tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman. Mỹ ngay lập tức cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công, điều tàu chiến đến khu vực làm gia tăng nguy cơ xung đột lớn hơn.

Giáo sư Jeff Kingston của Trường Đại học Temple ở Tokyo cho rằng, đây là một “sự trùng hợp” không phải tình cờ và điều đó cho thấy chuyến thăm của ông Shinzo Abe tới Iran không có tác động đối với căng thẳng tại Trung Đông. Thậm chí sự cố này đánh dấu sự leo thang đáng lo ngại trong khu vực, là tiền đề cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Mỹ và Iran.

Ông Ali Vaez - Giám đốc dự án Iran của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, nếu Iran đứng đằng sau vụ việc như Mỹ cáo buộc thì rõ ràng chính sách gia tăng áp lực tối đa của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thất bại. Điều này đang khiến Iran trở nên quyết liệt hơn chứ không kiềm chế lại như Mỹ kì vọng. Còn nếu Iran không đứng đằng sau vụ việc, thì đã có một số lực lượng khác trong khu vực đang cố gắng tạo ra một sự cố để khơi mào một cuộc chiến mới trong khu vực.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn có thể tiếp tục vai trò hòa giải của mình với việc là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong tháng này.

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết sự cố sẽ được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường G20 vào cuối tuần này. Tuy nhiên giới quan sát nhận định, việc giảm nguy cơ leo thang sẽ đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược của cả Iran và Mỹ  cũng như các đồng minh khu vực của họ - một sự thay đổi mà Thủ tướng Shinzo Abe khó có thể thực hiện được.

Hôm 14-6, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ liên quan đến vụ hai tàu chở dầu bị tấn công tại vịnh Oman, đồng thời cho rằng Washington đã lập tức đưa ra những cáo buộc đối với Tehran mà không có bằng chứng rõ ràng nào. Ngoại trưởng Javad Zarif cáo buộc Washington tìm cách phá hoại nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông.

Tuyên bố trên nhằm đáp lại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran đứng sau hai vụ tấn công tàu chở dầu vừa qua. Một quan chức Mỹ cho biết, tại cuộc họp kín sáng 13-6, hầu hết các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)  đều lên án các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu.

Do đó, sự việc vừa qua sẽ khiến Mỹ tìm kiếm được nhiều sự ủng hộ hơn cũng như “hợp lý hóa” chính sách cứng rắn với Iran. Trước đó cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ về hợp tác giữa LHQ và Liên đoàn Arab (AL), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cực lực lên án vụ tấn công trên, đồng thời cảnh báo rằng, thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại vùng Vịnh.

Nhận định về vụ việc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, hiện còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về vụ việc do còn thiếu nhiều thông tin. Ông nêu rõ: “Không ai biết rõ điều gì đằng sau vụ tấn công này”.

Trong khi đó, chuyên gia Saudi Arabia, ông Hezam al-Hezam cáo buộc Cơ quan Tình báo Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên nhằm kích động cuộc chiến chống Iran.

Vị chuyên gia nhấn mạnh Iran không “ngây thơ” đe dọa hoạt động vận tải biển trong khu vực theo cách thức như vậy mà không cân nhắc kỹ lưỡng tới các lệnh trừng phạt kinh tế đang nhằm vào mình. Bình luận cùng ngày về sự cố trên, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng lên án mọi hành động gây nguy hại đến an toàn của các vùng biển tại vùng Vịnh. Bộ trên cho biết Ai Cập rất quan ngại và đang theo dõi tin tức về vụ việc.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.