Sứ mệnh của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nga

Thứ Bảy, 19/05/2018, 08:16
Chuyến công du của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Sochi (Nga) được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực trong việc tái thiết quan hệ Berlin - Moscow và duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran sau khi Mỹ đơn phương rút lui.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18-5 đã có chuyến công du đến thành phố Sochi của Nga và trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình, RT ngày 18-5 đưa tin. 

Theo BI, đây là chuyến thăm thứ 4 của nhà lãnh đạo Đức đến thành phố nằm cạnh Biển Đen này để gặp mặt song phương Tổng thống Putin. 

Lần gần đây nhất diễn ra vào năm 2017, khi căng thẳng giữa hai bên đạt đỉnh vì một loạt mâu thuẫn trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế. 

Lần này, chuyến đi của nữ Thủ tướng Đức được tiến hành trong bối cảnh quan hệ giữa các nước châu Âu và Mỹ đang chứng kiến những rạn nứt với việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cùng bước đi mạo hiểm khác của Washington trong quan hệ thương mại Âu- Mỹ.

Tìm lời giải cho bài toán "cứu lấy châu Âu"

Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương tuyên bố rút lui khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) còn gọi là thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, bất chấp những nỗ lực hàn gắn của 3 nhà lãnh đạo Anh, Đức và Pháp. 

Quyết định đơn phương của Tổng thống Donald Trump tiềm ẩn nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy căng thẳng mới, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích thương mại của châu Âu tại Iran. 

Trước mối đe dọa này, Đức, Anh và Pháp vẫn cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran. Song, sự đồng lòng của 3 cường quốc châu Âu được cho là chưa đủ, bởi để có thể chống đỡ được với các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ, các ông lớn châu Âu cần nhận được sự hậu thuẫn từ Nga và Trung Quốc. 

Vì vậy, giới phân tích nhận định, mục tiêu của bà Merkel trong chuyến thăm Nga lần này là nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục tuân thủ các điều khoản mà JCPOA đề ra và tìm ra hướng đi mới để tiếp tục duy trì thỏa thuận này. 

Ngay trước khi chuyến thăm diễn ra, kênh truyền hình Đức DeutscheWelle đã đưa ra bình luận rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là "quá trình xích lại gần nhau giữa Nga và Đức, có thể đem lại những hậu quả bất ngờ đối với quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump". 

Những dự đoán này của kênh DeutscheWelle là hoàn toàn có cơ sở, bởi chỉ 3 ngày sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, mà theo tuyên bố của Văn phòng Báo chí Điện Kremlin là được thực hiện theo sáng kiến từ phía nhà lãnh đạo Đức. 

Trong khuôn khổ cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel nhất trí cho rằng cần duy trì thực hiện JCPOA, nhằm bảo đảm nền an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Mặc dù giữa Nga và Đức vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc, với sự căng thẳng kéo dài suốt từ năm 2014 đến nay do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và một số vấn đề khác, thế nhưng trước quyết định đơn phương "dứt áo ra đi" của Tổng thống Trump, việc bà Merkel đến Nga gặp ông Putin có thể coi là một bước đi "hợp tình hợp lý" để Berlin tiến gần hơn đến Moscow, nhằm củng cố mối quan hệ song phương, từ đó tìm kiếm một hướng đi mới trong việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Sochi, Nga hồi tháng 5-2017. Ảnh: Reuters

Mở ra cơ hội mới trong quan hệ hợp tác Nga - Đức?

Yahoo News nhận định, mặc dù vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ bao trùm cuộc gặp giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin, song hai nhà lãnh đạo cũng sẽ đồng thời trao đổi về một số vấn đề khác, trong đó nổi bật là cuộc nội chiến ở Syria, cuộc khủng hoảng tại Đông Ukraine, cũng như việc hợp tác năng lượng liên quan đến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). 

Trong một bài phát biểu ngày 16-5, Thủ tướng Đức thừa nhận cuộc nội chiến kéo dài ở Syria đã có thể trở thành một cuộc xung đột dữ dội không thể chấm dứt nếu như không có sự can thiệp của Nga và các cường quốc khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Hơn thế, bất chấp sự trừng phạt của các nước phương Tây đối với Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhiều quan chức hàng đầu của Đức đã ủng hộ việc xây dựng lại niềm tin với Nga nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế. 

"Chúng tôi cần Nga như một đối tác để giải quyết các xung đột khu vực, giải trừ quân bị, và Nga là trụ cột quan trọng của chủ nghĩa đa phương", Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas mới bổ nhiệm cho biết. Do đó, Đức mong muốn đối thoại cởi mở và cố gắng xây dựng lại niềm tin nếu Nga sẵn sàng.

Bà Merkel cũng được cho là sẽ tìm cách thuyết phục Tổng thống Putin tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế. Rõ ràng, Đức vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. 

Vì vậy, việc lãnh đạo 2 nước có những bước đi nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ là điều vô cùng quan trọng đối với hợp tác kinh tế song phương. 

Tuy nhiên, những bất đồng đang diễn ra về tiến trình thực hiện các thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng tại Đông Ukraine, cũng như tình trạng của Crimea được RT nhận định vẫn là "chướng ngại chính" cản trở sự cải thiện quan hệ giữa Nga và châu Âu. 

Cuộc gặp tại Sochi giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức hứa hẹn sẽ đem đến những kết quả lạc quan hơn về vấn đề này.

Động thái "xích lại gần hơn" với Moscow của Berlin được kì vọng sẽ đem đến những tín hiệu khả quan không chỉ cho nền kinh tế của Đức mà còn cho sự phát triển ổn định của toàn châu Âu.                

An Nhiên
.
.
.