Chuyến công du “âm thầm” của Ngoại trưởng Mỹ

Thứ Hai, 20/03/2017, 08:09
Không “trống giong cờ mở” như những người tiền nhiệm, chuyến công du ba nước châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, lần này của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại diễn ra hết sức lặng lẽ.
Tuy nhiên, chuyến đi này lại có điểm đặc biệt riêng khi được thực hiện trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố “khai tử” chiến lược xoay trục sang châu Á được đưa ra dưới thời ông Barack Obama.

Theo giới phân tích, một trong những mục đích chính của chuyến đi này là để chuẩn bị cho cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào khoảng ngày 6 hoặc 7-4 tới. 

Điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ với Chủ tịch nước chủ nhà hôm 19-3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh – điểm dừng chân cuối cùng của ông Tillerson trong chuyến công du này. 

Tại cuộc gặp, ông Tillerson nêu rõ rằng, Tổng thống Donald Trump mong muốn nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc cũng như có cơ hội thăm cường quốc châu Á này trong tương lai. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh Washington sẵn sàng phát triển các mối quan hệ với Bắc Kinh trên cơ sở nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. 

Về phía nước chủ nhà, hoan nghênh Tổng thống Donald Trump đến thăm Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết đã duy trì liên lạc đều đặn với tân chủ nhân Nhà Trắng thông qua các cuộc điện đàm, thông điệp và hai bên đã nhất trí rằng quan hệ hai nước có khả năng trở thành các đối tác hợp tác tốt. 

Chủ tịch Trung Quốc cũng cho rằng, để thúc đẩy quan hệ hai nước một cách lành mạnh và ổn định, cả Washington và Bắc Kinh có thể tăng cường các cuộc trao đổi cấp cao, mở rộng sự hợp tác trên bình diện song phương, khu vực và toàn cầu, cũng như kiểm soát và giải quyết thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm. 

Ông Tập nhấn mạnh có nhiều cơ hội phát triển quan trọng bắt nguồn từ các mối quan hệ Trung - Mỹ. 

Trước đó, tại chặng dừng chân thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã tới thăm nhiều địa điểm như căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, cách Thủ đô Seoul của Hàn Quốc 70km về phía Nam, khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều và làng đình chiến Panmunjom. 

Phát biểu trong cuộc họp với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng nước chủ nhà Hwang Kyo-ahn, Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Hàn, hợp tác kinh tế ngày càng tăng, và hợp tác an ninh để đáp trả mối đe dọa ngày càng tăng của CHDCND Triều Tiên. 

Ngoại trưởng Tillerson khẳng định, Mỹ không hề muốn có xung đột quân sự, tuy nhiên khẳng định, mọi phương án, trong đó có cả việc sử dụng sức mạnh quân sự, đều vẫn có thể được xem xét nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên và sự kiên nhẫn chiến lược của Washington đối với Bình Nhưỡng đã chấm dứt. Tuyên bố này của Ngoại trưởng Mỹ đã nhận được những phản ứng khác nhau từ các chính đảng ở Hàn Quốc. 

Ngoại trưởng Mỹ (trái) và Chủ tịch Trung Quốc tại cuộc gặp ngày 19-3. Ảnh: Reuters

Còn tại cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida ở Tokyo, Ngoại trưởng Tillerson tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh khác vẫn “trước sau như một”. Hai quan chức cũng thảo luận các cách tiếp cận mới khả thi để đối phó với Bình Nhưỡng. 

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau đó, Ngoại trưởng lên tiếng kêu gọi CHDCND Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình, đồng thời trấn an Bình Nhưỡng “không cần sợ” Mỹ. 

Thừa nhận những nỗ lực trên mặt trận ngoại giao và trên các mặt trận khác mà Mỹ thực hiện trong vòng 20 năm qua nhằm khiến CHDCND Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân đã thất bại, Ngoại trưởng Tillerson mô tả các chương trình vũ khí (của CHDCND Triều Tiên) là “nguy hiểm và không hợp pháp”, đồng thời nhấn mạnh mối đe dọa đang gia tăng từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cho thấy sự cần thiết chắc chắn về một “phương thức mới”. 

Tuy nhiên ông không đề cập chi tiết về cách thức mà chính quyền Tổng thống Donald Trump, hiện đang trong quá trình đánh giá chính sách, sẽ thực hiện như thế nào. 

Giới phân tích đánh giá, mặc dù đã tuyên bố “khai tử” chính sách xoay trục châu Á, nhưng chuyến công du ba nước châu Á của Ngoại trưởng Mỹ lại là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm của chính quyền mới của Tổng thống Mỹ đối với khu vực này.

Khổng Hà
.
.
.