Thượng đỉnh bốn bên về Syria: Chưa có đột phá nhưng là khởi đầu tích cực

Thứ Hai, 29/10/2018, 10:53
Tổng thống các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ với lãnh đạo hai quốc gia hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp đã lần đầu tiên nhóm họp bàn về vấn đề Syria để tìm kiếm con đường giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng đã sang năm thứ 8 tại quốc gia Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27-10 để tham dự một hội nghị thượng đỉnh bốn bên cùng Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan nhằm tìm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc nội chiến Syria và cứu vãn thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria, hãng thông tấn Reuters ngày 28-10 đưa tin. 

Dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia có liên quan trực tiếp đến tình hình ở Syria đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán với Iran về vấn đề chiến sự tại quốc gia Trung Đông, nhưng hội nghị thượng đỉnh tại Istanbul là lần đầu tiên có sự tham dự của lãnh đạo Pháp và Đức - hai nước có tiếng nói quan trọng bậc nhất tại EU. 

Sau nhiều giờ làm việc cả trong các cuộc gặp song phương lẫn trong phòng họp chung, lãnh đạo bốn nước cùng ngày đã ra được một tuyên bố chung dài 807 từ, trong đó nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp chính trị - ngoại giao, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tái khẳng định sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài.

Cụ thể, trong bối cảnh bạo lực gần đây có dấu hiệu leo thang trở lại tại tỉnh Idlib, khi mà nhiều nhóm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa chịu rút khỏi khu "Phi quân sự" theo thoả thuận đạt được hồi tháng 9 giữa Moscow và Ankara, lãnh đạo bốn nước đã cam kết tiếp tục gây áp lực buộc các bên phải thực thi nghiêm túc các điều khoản của văn kiện trên. 

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, việc tạo ra khu "Phi quân sự" hay "Giảm leo thang căng thẳng" ở Idlib chỉ là một biện pháp tạm thời. Song Nga hy vọng phía Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần sẽ đảm bảo các tay súng phiến quân và vũ khí hạng nặng được rút hết theo đúng thoả thuận. 

"Chúng tôi thấy rằng đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đang làm mọi thứ để có thể đạt được điều đó", ông Putin nói. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Nga lại cho rằng Chính phủ Syria vẫn bảo lưu quyền "loại bỏ" những kẻ khủng bố tại Idlib nếu có bất kỳ sự khiêu khích nào, nghĩa là Damascus được phép tấn công các nhóm khủng bố ở Idlib nếu các nhóm này không chịu rút lui. 

Quan điểm này của Tổng thống Putin đã cho thấy sự khác biệt với người đồng cấp Pháp, khi ông Macron nhấn mạnh các đòn tấn công của quân đội Syria nhằm vào khu vực do phiến quân kiểm soát là tác nhân chính gây phức tạp tình hình, khiến hàng ngàn dân thường bị ảnh hưởng. 

"Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phải được thực hiện nghiêm túc. Tất cả chúng tôi đều vô cùng thận trọng và quyết tâm đảm bảo những cam kết này được thực thi, giúp việc ngừng bắn được duy trì ổn định", ông Macron nói, đồng thời cho biết các nước cũng hy vọng Nga tiếp tục gây sức ép lên Chính phủ Syria. 

Tổng thống Macron khẳng định Paris sẽ theo dõi sát mọi nỗ lực của Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thực thi thỏa thuận về Idlib và hy vọng thỏa thuận tại Idlib sẽ là cơ sở cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trên toàn Syria.

Lãnh đạo các nước Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp tại cuộc gặp. Ảnh: Getty Images

Trong tuyên bố chung, bốn nước cũng kêu gọi thiết lập một ủy ban để soạn thảo hiến pháp mới của Syria, mở đường cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng ở quốc gia Trung Đông đang ngày càng kiệt quệ vì chiến tranh, sau khi một nỗ lực tương tự của Liên Hợp Quốc hồi đầu năm đã vấp phải sự phản đối của chính Damascus. "Một Ủy ban Hiến pháp cho Syria sẽ được thành lập ngay trong năm nay. Nó sẽ hoạt động", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cam kết. 

Đáng chú ý, dù Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần công khai phản đối sự có mặt của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chính quyền tương lai của Syria, nhưng lần này đã chấp nhận nhượng bộ rằng, số phận của Tổng thống Syria sẽ do chính người dân Syria quyết định. 

Thêm vào đó, các nước cam kết đảm bảo "chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria" đồng thời quyết tâm chống lại "các kế hoạch ly khai có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như gây phương hại về an ninh cho các nước láng giềng". 

Ngoài các điều khoản trên, bốn nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự cần thiết của việc tạo điều kiện an toàn trên khắp Syria để người tị nạn trở về. Theo đó, sự hồi hương phải diễn ra trên cơ sở của sự tự nguyện và cần được phối hợp với Liên Hợp Quốc. 

Cũng trong văn bản này, các bên một lần nữa phản đối mạnh mẽ việc sử dụng các vũ khí hóa học của bất cứ bên nào ở Syria. "Bất cứ bên nào sử dụng vũ khí hoá học thì sẽ đều bị trừng trị nghiêm khắc", Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố.

Giới quan sát cho rằng, những yếu tố được nhắc đến trong tuyên bố chung của bốn nước không mới, bởi chúng cũng từng được đề cập trong các cuộc đàm phán trước đó do Liên Hợp Quốc hay là Nga và Iran bảo trợ. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh cục diện cuộc nội chiến ở Syria hiện đã đổi chiều theo hướng có lợi hơn nhiều cho Tổng thống Assad thì cuộc gặp thượng đỉnh lần này vẫn được xem là một bước “khởi hành lớn” cho tiến trình hòa bình tại Syria, nhất là khi nó có sự tham dự và đồng thuận lần đầu tiên của Pháp và Đức - các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. 

Washington hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào liên quan đến cuộc gặp, song trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron cách đây 3 ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ có quan điểm giống Pháp trong các vấn đề mà bốn nước dự định bàn luận. 

Trong khi đó, nhân một tuyên bố trong ngày 28-10, Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Syria, ông Nasr al-Hariri, đã bày tỏ ủng hộ với cuộc gặp bốn bên: "Tôi là một người lạc quan. Tôi tin cuộc gặp sẽ mang đến một xung lực mới cho tiến trình (giải quyết vấn đề Syria)".

Thiên Minh
.
.
.