Ông Tập Cận Bình và chuyến đi tạo đà mới cho quan hệ Trung Quốc với châu Âu
- Ông Tập Cận Bình cảnh báo không ai được ra lệnh cho Trung Quốc
- Thủ tướng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chuyến công du được thực hiện trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) không đầy 3 tuần và được đánh giá là, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sẽ tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc với EU, đồng thời mở thêm nhiều cơ hội thúc đẩy ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Italy Sergio Mattarella tại Phủ Tổng thống Quirinale, Thủ đô Rome hôm 22-3. |
Việc Chủ tịch Trung Quốc chọn Italy là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du này không phải là điều ngẫu nhiên, nhất là sau khi Rome mới đây đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 quyết định tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) – một dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh, kết nối ba châu lục Á, Âu, Phi và vùng Trung Đông.
Trong bài viết mang tựa đề “Phương Đông gặp gỡ Phương Tây” gửi cho báo chí Italy đăng tải hôm 20-3 trước thềm chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Italy phác thảo những đường hướng lớn cho mối quan hệ song phương và đưa mối quan hệ này bước vào kỷ nguyên mới. Trung Quốc mong muốn tăng cường phối hợp với Italy trong các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu và nhiều chủ đề quan tâm khác tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20).
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu nhấn mạnh, chuyến thăm sẽ góp phần đưa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Italy, cũng như giữa Trung Quốc và châu Âu bước vào một kỷ nguyên mới.
Ông Vương Siêu nói: “Chuyến thăm châu Âu lần này là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong việc thúc đẩy, cũng như đưa quan hệ Trung Quốc - EU bước vào một kỷ nguyên mới, tạo ra không gian mới cho hợp tác “Vành đai và Con đường”, đóng góp cho hòa bình và phát triển của thế giới”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh Italy tích cực tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trung Quốc và Italy có không gian rộng rãi để hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính, y tế. Chúng tôi hoan nghênh nhiều quốc gia khác cùng tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”, để cùng phát triển và mang lại lợi ích cho các quốc gia liên quan”.
Về phần mình, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, hợp tác giữa Rome và Bắc Kinh hứa hẹn một triển vọng to lớn: “Chúng tôi có thể hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, đô thị hóa bền vững, hàng không, giao thông, cơ sở hạ tầng và những lĩnh vực khác. Chính phủ Italy đã quyết định tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”, vì với vị trí địa lý của mình, thì Italy là điểm cuối của “Vành đai và Con đường”. Tôi cũng đã nhận lời mời tham gia Diễn đàn “Vành đai và Con đường” sẽ diễn ra vào tháng Tư ở Trung Quốc”.
Thủ tướng Giuseppe Conte đồng thời nói rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và việc ký kết bản ghi nhớ về sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một phần của “khung quan hệ rất bền vững”. Quyết định của Italy đã khiến các nước đồng minh bối rối.
Bởi tới nay, một số nước, đặc biệt là các nước Tây Âu vẫn hoài nghi về ý định của Trung Quốc, coi “Vành đai và Con đường” là phương tiện để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tuần trước đã chỉ trích mạnh mẽ bước đi của Italy, cho rằng, châu Âu phải có “cách tiếp cận thống nhất” đối với vấn đề này.
Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm Chiến lược Chính sách châu Âu (EPSC) cảnh báo các nước nên tránh cách tiếp cận “ngây thơ” trước Trung Quốc do nước này luôn sẵn sàng “lợi dụng chính sách mở của của châu Âu chống lại chính các lợi ích chiến lược của châu lục”.
Trong khi đó, phát biểu hôm 22-3 sau Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo khối này tuyên bố, EU muốn các công ty của mình được đối xử công bằng như các công ty Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker cho rằng, mối quan hệ thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và EU là không công bằng.
Trung Quốc chưa thực sự mở cửa thị trường của mình và cần có “các hành động cụ thể” cho phép các công ty châu Âu được hưởng quyền tiếp cận công bằng vào một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Đây cũng chính là lý do EU muốn sớm đạt được một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc: “Hiện có sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và EU. Chúng ta không thể xây dựng điều gì ổn định trên cở sở sự mất cân đối kéo dài. Giữa Trung Quốc và EU thiếu sự đối ứng cần thiết trong quan hệ thương mại hai bên. Cạnh tranh giữa Trung Quốc và EU là không công bằng. Và đây là lý do chúng tôi muốn ký thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc”.
Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc vào ngày 9-4 tới và các cuộc thảo luận ngày 22-3 được xem là nhằm thống nhất lập trường của các quốc gia thành viên.
Sau Italy, ông Tập Cận Bình sẽ tới Monaco và cuối cùng là Pháp. Monaco là một quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất tại châu Âu, nhưng có vị trí địa chiến lược quan trọng với ba mặt tiếp giáp với nước Pháp và mặt còn lại giáp với Địa Trung Hải, cách Italy khoảng 16km.
Công quốc “tí hon” của châu Âu này có thể là một sự lựa chọn cho Trung Quốc như một đầu cầu tiếp cận Tây Âu thông qua “Vành đai và Con đường”. Trung Quốc từ lâu có quan hệ mật thiết với Monaco. Bắc Kinh khẳng định quan hệ Trung Quốc – Monaco là một tấm gương về mối quan hệ “bình đẳng” giữa hai quốc gia có quy mô và diện tích khác nhau. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tới quốc gia này. Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân đạo và bảo vệ môi trường, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.
Còn Pháp được đánh giá là chặng dừng chân quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến công du này. Theo điện Élysée, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Pháp từ ngày 24 - 26-3, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Pháp và Trung Quốc. Hai bên sẽ trao đổi các vấn đề song phương, đa phương và quan hệ EU - Trung Quốc.
Tổng thống Pháp và Phu nhân sẽ mời Chủ tịch Trung Quốc và Phu nhân ăn tối hẹp vào ngày 24-3 tại Beaulieu-sur-Mer. Ngày 25-3, hai bên sẽ hội đàm tại điện Elysée, sau đó có tuyên bố báo chí và Quốc yến.
Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng diễn ra vào thời điểm Mỹ đang gia tăng sức ép với các đồng minh châu Âu nhằm buộc những nước này không sử dụng các trang thiết bị của Tập đoàn viễn thông Huawei.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, chuyến thăm châu Âu lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc mang nhiều mục đích, không chỉ là mang dự án “Vành đai và Con đường” đi tới châu Âu, mà còn là câu trả lời cho những hoài nghi của châu lục và cả những sức ép của Mỹ.