Chính phủ Pháp "đau đầu" với cuộc khủng hoảng lớn nhất thập kỷ

Thứ Hai, 03/12/2018, 17:14

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi ông nhậm chức, khi các cuộc biểu tình quá khích liên tiếp nổ ra trong suốt 2 tuần qua với đỉnh điểm là ngày 1-12 nhằm phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu của chính phủ.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có

Nhen nhóm từ những phong trào tự phát phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu của chính phủ bắt đầu hôm 17-11, trong hơn 2 tuần qua, làn sóng phản đối được khởi xướng bởi nhóm "Áo vàng" (jaunes gilets) đã liên tiếp leo thang, trở thành những cuộc biểu tình bạo động chống lại chính phủ Pháp. 

Phong trào "áo vàng" phản đối chính sách của chính phủ dần leo thang thành biểu tình bạo động lan rộng tại Pháp. Ảnh: AP

Đỉnh điểm của làn sóng biểu tình xảy ra vào hôm 1-12, khi hàng nghìn người biểu tình tập trung tại đại lộ Champs Elysees đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức. Những người biểu tình nhắm vào Khải Hoàn Môn, một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng của Pháp. 

Tổng cộng hơn 75.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp, lập hơn 580 chốt chặn giao thông tự phát. Một số đối tượng quá khích đã dùng vũ lực tấn công cảnh sát, đe dọa người dân, phá hoại và đốt cháy nhiều tài sản công, cửa hàng và nhà dân.

Trong ngày 1-12, cảnh sát Pháp đã buộc phải dùng tới bình xịt hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình áo vàng quá khích. Theo The Guardian, riêng tại thủ đô Paris, các vụ đụng độ đã khiến gần 150 người bị thương, trong đó có 48 người thuộc lực lượng an ninh.

Các cuộc biểu tình để lại những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: AP

Theo thống kê của chính quyền Pháp, những kẻ quá khích đã gây ra 249 đám cháy, trong đó đốt cháy 112 phương tiện giao thông gồm xe ô tô, xe máy… và gây tổn thất 6 tòa nhà. Công tố viên Remy Heitz của Paris thông báo có ítnhất 378 người đã bị giam giữ, trong đó có 33 người dưới 18 tuổi. 

Ông Heitz cũng cho biết nhiều người bị bắt trong trận chiến với cảnh sát là nam giới trong độ tuổi từ 30 đến 40, thường đến từ các vùng xa thủ độ Paris, họ tấn công phía cảnh sát trong khi tự xưng là một phần của phong trào "áo vàng". Bộ Tư pháp Pháp khẳng định, 2/3 số người này sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Cuộc biểu tình đã lan rộng từ thủ đô Paris ra toàn nước Pháp, trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất quốc gia này kể từ khi ông Emmanuel Macron nhậm chức Tổng thống hơn một năm trước. Hàng nghìn cảnh sát được điều động đối phó với tình trạng bạo lực leo thang trong những ngày qua.

Những thành phần biểu tình quá khích cố tình phá hoại các công trình tại thủ đô Paris. Ảnh: AP

Chính phủ Pháp ráo riết vào cuộc

Theo The Guardian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ thị Thủ tướng nước này Édouard Philippe tổ chức các cuộc đối thoại với phong trào "áo vàng", vốn không có cơ cấu tổ chức hay ban lãnh đạo thực sự, sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ dẫn đến tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua tại trung tâm thủ đô Paris.

Trong ngày 2-12 (giờ địa phương), ngay sau khi trở về nước sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina, Tổng thống Macron đã trực tiếp đến thị sát tình hình tại khu vực Khải Hoàn Môn và vùng lân cận. Tổng thống Pháp khẳng định không mọi hành vi bạo lực nào xảy ra ngày 1-12 sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. 

Trong động thái mới nhất, chính phủ Pháp đã cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp vì tình trạng biểu tình bạo động của phong trào áo vàng tại Paris và nhiều nơi khác trên khắp nước Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 2-12 đã trực tiếp đến thị sát tình hình tại khu vực quanh Khải Hoàn Môn. Ảnh: Reuters

Tổng thống Macron cũng đã đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Castaner tiến hành phân tích "sự cần thiết của việc tăng cường lực lượng an ninh trật tự trong những ngày tới" để đối phó với những "kẻ côn đồ ngày càng hung hăng hơn, hoạt động rộng hơn và có tổ chức hơn".

Theo nguồn tin Reuters, dự kiến trong ngày 4-12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Christophe Castaner sẽ có bài trình bày trước Ủy ban pháp luật của Thượng viện nước này về tình trạng người biểu tình quá khích tấn công cảnh sát và phá hoại tài sản, cùng những biện pháp đối phó với tình trạng này.

Phong trào biểu tình "Áo vàng" phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu của chính phủ diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Macron đang sụt giảm, biến đây trở thành thách thức lớn đối với ông và nội các của mình trong thời gian tới nhằm lấy lại sự tín nhiệm từ người dân, nhất là khi phong trào này lại đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận nước Pháp.

An Nhiên (T.H)
.
.
.