Chiến dịch "chấn hưng nước Pháp" của Tổng thống Macron
- Tiết lộ mới về chuyện tình của vợ chồng Tổng thống Pháp Macron1
- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Người sẽ cứu vớt châu Âu?
- Tổng thống Pháp Macron mang "tham vọng lớn" đến Anh quốc
Theo tin từ hãng AP, tại Hội nghị WEF lần này, giới lãnh đạo châu Âu đã thu hút được sự chú ý đặc biệt bởi họ tự đặt mình vào vị trí đối trọng với Mỹ. Nghĩa là trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định tư tưởng "Nước Mỹ trên hết" thì các nhà lãnh đạo châu Âu, nhất là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại nhấn mạnh: "Chúng ta cần một khuôn khổ mới được xây dựng dựa trên sự hợp tác và chủ nghĩa đa phương. Đây là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích của chúng ta về lâu về dài".
Đồng thời, ông chủ Điện Elysee cũng rất khôn khéo khi tiếp tục trình bày quan điểm riêng về một "tác động xã hội" mới đối với quá trình toàn cầu hóa và hối thúc sự hợp tác toàn cầu nhằm ngăn chặn "tối ưu hóa thuế không hạn chế". Các đề xuất mà Tổng thống Pháp đưa ra không chỉ là việc thúc đẩy sự hợp tác kinh tế trên thế giới mà còn nỗ lực kiến tạo một Liên minh châu Âu (EU) hội nhập chặt chẽ hơn sau cú sốc Brexit thông qua các sáng kiến như ngân sách chung cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề di cư và quốc phòng.
Tờ Business viết: "Lời kêu gọi của ông Emmanuel Macron dành cho các nhà đầu tư ở Davos đã nhấn mạnh cam kết của châu Âu với hệ thống đa phương và ổn định chính trị. Ông cũng là nhà lãnh đạo tiên phong trong việc nhắc nhở các quốc gia nên xem xét, cân nhắc lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu nếu nó đã lỗi thời".
Từng tham dự WEF 2016 tại Davos trên cương vị Bộ trưởng Kinh tế Pháp, lần này trở lại diễn đàn trong cương vị mới, Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử chính trường Pháp đã lồng ghép để giới thiệu về chiến dịch "chấn hưng nước Pháp" bằng một tuyên bố "Pháp trở lại là nhân tố cốt lõi của châu Âu".
Tổng thống Pháp Emmanuel đã tuyên bố "Pháp trở lại là nhân tố cốt lõi của châu Âu" trong bài phát biểu tại WEF 2018. Ảnh: AA. |
Nhiều tờ báo nhận định, Tổng thống Pháp Emmanule Macron đang "trỗi dậy mạnh mẽ", cố gắng thúc đẩy các kế hoạch cải cách về lao động và thuế đầy nhạy cảm ở nước Pháp. Judy Dempsey thuộc Viện nghiên cứu Carnegie châu Âu nói: "Thời kỳ mà toàn châu Âu nằm dưới sự lãnh đạo của nước Đức, khi mà giới lãnh đạo Pháp còn đang suy yếu đã chấm dứt. Tổng thống Emmanuel Macron đang thay đổi động lực, tiến độ và tham vọng của toàn thể EU".
Hãng tin France24 thì viết: "Tổng thống đã sử dụng bài phát biểu của mình để lặp lại câu thần chú trong những tháng đầu tiên ông nhậm chức: "Pháp đã trở lại". Ông nói: "Pháp trở lại thành điểm cốt lõi của châu Âu. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được thành công ở Pháp nếu không thành công ở châu Âu".
Trên thực tế, trước khi tới dự WEF, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có nhiều động thái đẩy mạnh chiến dịch "chấn hưng nước Pháp" của mình trong đó phải kể đến việc gặp gỡ 140 lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia tại thủ đô Paris hôm 22-1.
Hãng France24 đã bình luận về sự kiện này như sau: "Tổng thống Pháp lôi kéo các Giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google và Sheryl Sandberg của Facebook trong một bữa cơm tối thân mật tại cung điện Versailles gần thủ đô Paris. Ông Emmanuel Macron đã lặp lại lời kêu gọi của mình với các hãng công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Apple Inc. và Amazon.com về việc trả một phần thuế hợp lý khi họ thay thế các ngành công nghiệp truyền thống và coi đây như là nguồn thu nhập lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu.
Một số doanh nghiệp đã tận dụng sự kiện này để công bố các khoản đầu tư lớn vào Pháp như Facebook với khoản chi 10 triệu Euro cho việc phát triển trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của hãng tại Paris; Google với việc mở một trung tâm nghiên cứu AI tại Paris... Tidjane Thiam, Giám đốc điều hành của Credit Suisse Group AG đã phải thốt lên: "Từ lâu tôi là một con gấu của Pháp còn bây giờ tôi là một con bò Pháp".
Giới quan sát nhận định, nước Pháp đã trải qua một thập niên tăng trưởng chậm, thất nghiệp gia tăng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đi xuống. Vì vậy, những gì mà Tổng thống Emmanuel Macron đang làm với cam kết cải tổ lại thị trường lao động, đơn giản hóa hệ thống thuế và cắt giảm các quy định làm ảnh hưởng đến sự đổi mới của nước Pháp đã mang lại cho bản thân ông nói riêng và nước Pháp nói chung một hình ảnh mới, có thể "đại diện cho châu Âu của ngày hôm nay" như nhà kinh tế học Thomas Piketty từng nói.
Điều đáng chú ý là không chỉ nói mà ông Emmanuel Macron đã hành động và cụ thể hóa những cam kết của mình bằng việc bắt tay với Đức để cải tổ, xây dựng châu Âu thành một khối đoàn kết và thống nhất.