Căng thẳng Australia - Trung Quốc: Thêm dầu vào lửa!

Thứ Năm, 06/05/2021, 19:27

Trung Quốc ngày 6/5 tuyên bố đình chỉ “vô thời hạn” tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược giữa nước này với Australia, động thái được cho là bước lùi nghiêm trọng trong mối quan hệ vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng giữa hai nước.

“Gần đây, một số quan chức chính phủ Australia đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm phá vỡ các hoạt động trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Australia với tư duy Chiến tranh Lạnh và ý thức hệ kỳ thị”, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết trong thông cáo đăng tải ngày 6/5. 

“Dựa trên thái độ của chính phủ Australia với sự hợp tác Trung Quốc - Australia, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc quyết định đình chỉ vô thời hạn tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược hai nước”, NDRC nêu rõ. 

Trung Quốc tiếp tục đưa ra động thái mới nhằm vào Australia sau một loạt mâu thuẫn. Ảnh: Nikkei

Động thái của Trung Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Australia Marise Payne hồi cuối tháng 4 vừa qua cho biết, nước này đã hủy bỏ hai thỏa thuận của chính quyền bang Victoria tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Ngoại trưởng Payne khẳng định các thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại của nước này theo quy định của Luật Quan hệ đối ngoại được thông qua vào năm 2020.

Mối quan hệ song phương Trung Quốc - Australia trở nên căng thẳng kể từ năm 2018, khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng 5G ở nước này. Năm 2020, Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, trực tiếp thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn giữa hai bên. 

Phía Trung Quốc nhận định những lời kêu gọi điều tra quốc tế của Australia về nguồn gốc COVID-19 là “nguy hiểm” và có tính chất “thao túng chính trị”. Trong một động thái trả đũa, đầu tháng 11/2020, Trung Quốc đã vạch ra một danh sách “than phiền” về chính sách đầu tư nước ngoài, an ninh quốc gia và nhân quyền của Australia, yêu cầu xứ sở kangaroo phải sửa chữa những sai phạm trên nếu muốn khôi phục mối quan hệ song phương với đối tác thương mại lớn nhất của họ. 

Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc lâm thế “rơi tự do” sau một loạt động thái không mấy hòa hữu nhằm vào nước còn lại. Ảnh: BBC

Thông tin liên lạc và trao đổi cấp Bộ trưởng giữa Australia và Trung Quốc cũng đã bị đình chỉ từ thời điểm này. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp làm giảm việc nhập khẩu hàng hóa từ Australia khiến cho các doanh nghiệp Australia thiệt hại lên đến hàng chục tỷ AUD. Năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào Australia cũng giảm gần 62% so với năm 2019, xuống còn 763 triệu USD, theo số liệu của Đại học quốc gia Australia.

Còn nhớ, vào tháng 9/2017, NDRC đã ra một thông cáo nhận định “Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung Quốc-Australia là một cơ chế quan trọng nằm trong các cuộc gặp thường kỳ của thủ tướng hai nước, đồng thời là một phần quan trọng của các cơ chế khác nhằm thúc đẩy hợp tác song phương”. Thủ tướng Australia Scott Morrison trong khuôn khổ cuộc đối thoại kinh tế với Trung Quốc năm 2017 cũng đã gặp các nhà đầu tư lớn của nước này cùng Chủ tịch NDRC He Lifeng để thảo luận về “cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước”. 

Vì vậy, tuyên bố hôm 6/5 được giới quan sát đánh giá là một động thái quyết liệt của Trung Quốc, thể hiện sự giận dữ của nước này đối với những diễn biến tiêu cực trong mối quan hệ với Australia thời gian qua. Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan, trong tuyên bố phản hồi, nhận định quyết định của NDRC là “đáng thất vọng”, vì đối thoại kinh tế là “một diễn đàn quan trọng để Australia và Trung Quốc làm việc về các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác kinh tế”. 

Năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào Australia cũng giảm gần 62% so với năm 2019. Ảnh: Bloomberg

Ông Tehan nhấn mạnh, Australia vẫn sẵn sàng tổ chức đối thoại và tham gia ở cấp Bộ trưởng với Trung Quốc, nhưng thực tế, điều này khó lòng xảy ra trong thời điểm hiện nay. Cuộc họp cuối cùng theo cơ chế này được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2017, khi Bộ trưởng Thương mại Australia ký thỏa thuận hợp tác về các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ở các nước bên thứ ba. Song Australia đã từ chối ký các thỏa thuận về việc tham gia trực tiếp vào sáng kiến trên của Trung Quốc. 

Bình luận về sự kiện này, học giả của hai nước cũng có quan điểm khác nhau. James Laurenceson, Giám đốc Học viện quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (Australia) cho rằng phản ứng của phía Trung Quốc là không “quá kịch tính”, xét trong cục diện hiện nay. Trong khi đó, Zhou Fangyin, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Quảng Đông lại cho rằng, các kênh đối thoại song phương giữa hai nước sẽ có xu hướng giảm trong tương lai gần, tác động trực tiếp tới tiềm năng thương mại của hai bên.

Thực tế đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia nhưng mối quan hệ chính trị giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Quyết định đình chỉ cơ chế đối thoại kinh tế cho thấy Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho một chặng đường đối đầu căng thẳng mới với Australia, mà ở đó, sự nhượng bộ sẽ là điều không dễ xảy ra.

An Nhiên
.
.
.