Châu Âu và Nga sẽ phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố?

Thứ Ba, 05/01/2016, 08:36
Khác với mọi năm, hoạt động khủng bố trong năm 2015 diễn ra với một quy mô lớn hơn, trên địa bàn rộng hơn và mang tính chất tàn bạo hơn, hung hãn hơn, đẫm máu hơn.


Minh chứng là một loạt các vụ tấn công khủng bố diễn ra ở Paris (Pháp) hồi tháng Giêng và tháng 11 vừa qua, vụ máy bay A321 của Hãng hàng không Kogalymavia (Nga) ở Ai Cập, vụ đánh bom ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ)… 

Việc khủng bố bộc lộ rõ bản chất dã man của nó là tiếng chuông cảnh báo cộng đồng quốc tế phải gắn bó hơn với nhau để có thể đối mặt, xử lý đại dịch này. 

Trong 13 năm qua, cộng đồng quốc tế dường như đã quen với vai trò đầu tàu của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và không có bất cứ sự hợp tác quốc tế sâu rộng nào để giải quyết vấn đề này. 

Tuy nhiên, chính chuỗi sự kiện bắt đầu bằng việc Nga tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria ngày 30-9-2015 đã khiến cuộc chiến chống khủng bố có những thay đổi ghê gớm, thậm chí có thể khẳng định rằng, đã xuất hiện một bước ngoặt rất căn bản.

Thực tế cho thấy, nếu hoạt động khủng bố năm 2015 chỉ diễn ra ở mức như hồi năm 2013, 2014, chắc chắn Nga sẽ không tiến hành chiến dịch không kích IS ở Syria.

 

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17-12-2015 đã thông qua nghị quyết tăng cường cuộc chiến ngăn chặn nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố.

Chính hành động ngày 30-9-2015 của Nga đã mở ra một thời kỳ mới của cuộc chiến chống khủng bố, hình thành các mặt trận không liên kết với nhau nhưng song song tồn tại và cùng hướng tới một mục tiêu chính. 

Sau các vụ sát hại những nhà báo người Anh, Mỹ hồi tháng 6 và tháng 7-2014 làm rung chuyển cả thế giới, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhanh chóng ra Nghị quyết chống khủng bố ngày 24-9-2014, kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác tiêu diệt các phần tử cực đoan, tuy nhiên, Nghị quyết này không áp dụng vào thực tiễn được là bao. Sản phẩm cuối cùng của Nghị quyết chỉ là liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu, được hình thành vào tháng 8 năm đó. 

Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, hành động quân sự chống IS tại Iraq và Syria do liên minh quân sự gồm Mỹ và khoảng 60 nước châu Âu, Arab thực hiện đã không mang lại kết quả tích cực trong việc ngăn cản sự lớn mạnh của lực lượng thánh chiến cực đoan này. 

Theo giới tình báo Mỹ, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 30.000 chiến binh nước ngoài tới Syria và Iraq, nhiều gấp đôi so với con số thẩm định được đưa ra cách đây một năm. 

Trước sự bế tắc trên thực địa và sau 4 năm xung đột quân sự ở Syria làm hơn 240.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy lánh nạn sang châu Âu, Nga muốn chứng minh rằng chỉ có chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chứ không phải các nhóm đối lập vốn thiếu sự đoàn kết và thống nhất (được sự hậu thuẫn của Mỹ và liên minh quân sự) mới có thể đánh bại được IS và khôi phục hòa bình cho Syria. 

Chính quyết định tham chiến ngày 30-9-2015 của Nga đã đẩy Mỹ vào thế bị động. Dù muốn hay không muốn, Washington cũng phải “xuống thang” và phải điều chỉnh chính sách đối với chống khủng bố nói riêng, đối với Nga và các nước khác, đặc biệt là Iran, nói chung. Cụm từ “điều chỉnh chính sách” chỉ là cách nói theo ngôn ngữ ngoại giao, trên thực tế, đây là bước lùi của Mỹ. 

Trong vòng 18 tháng, kể từ tháng 3-2014 khi Nga sáp nhập Crimea tới tháng 8-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần như quay lưng lại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Tuy nhiên, sau ngày 30-9-2015, hai nhà lãnh đạo người Mỹ đã buộc lòng phải ngồi nói chuyện nghiêm chỉnh với hai nhà lãnh đạo Nga.

Nhớ lại hình ảnh Tổng thống Putin tại Hội nghị G20 diễn ra ở thành phố Brisbane, bang Queensland, Australia hồi tháng 11-2014. Khi đó, dưới sức ép của Mỹ, cộng đồng quốc tế gần như quay lưng lại với vị Tổng thống Nga, ông tới phòng họp và chỉ nhận được hai cái bắt tay chào hỏi từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mỹ thậm chí còn ép Australia không được mời ông chủ Điện Kremlin tham gia Hội nghị đó. 

Tuy nhiên, tại Hội nghị G20 mới diễn ra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 vừa qua, Tổng thống Putin xuất hiện với một tư thế hoàn toàn khác, tất cả các nguyên thủ quốc gia đều bắt tay với ông, và thậm chí Tổng thống Obama đã phải dành một khoảng thời gian nhất định bên lề Hội nghị để gặp người đồng cấp Nga. Bên cạnh đó, từ việc gạt Iran ra khỏi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria thì bây giờ Mỹ lại làm điều ngược lại. 

Thêm nữa, trong gần 10 tháng vừa qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây, Arab theo đuổi một quan điểm nhất quán là Tổng thống Syria Bashar al-Assad không được nắm giữ vai trò gì trong Chính phủ Syria, đồng thời đưa ra điều kiện tiên quyết cho bất cứ giải pháp chính trị nào cho Syria là phải loại bỏ ông Assad. Nhưng đến bây giờ, Mỹ và đồng minh lại gián tiếp thừa nhận vai trò của Tổng thống Syria. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hội nghị quốc tế về Syria tại Vienna (Austria) ngày 30-9 và 14-11. 

Hành động tham chiến của Nga còn thay đổi cục diện chiến sự tại Syria. Từ chỗ đang trong tình trạng thất thế (chỉ còn kiểm soát gần 20% lãnh thổ), dưới sự yểm trợ của không quân Nga, Quân đội chính phủ của Tổng thống Assad đã bắt đầu mở các đợt tấn công nhằm chiếm lại các cứ điểm bị IS và quân nổi dậy chiếm giữ như tại thành phố Homs, Hama, Aleppo. 

Thực tế đã chứng minh nước Mỹ không còn giữ ngôi vị độc tôn trong cuộc chiến chống khủng bố. Và không chỉ riêng Mỹ thay đổi, một số đồng minh của Mỹ như Đức, Pháp, Iraq đã công khai ủng hộ sự tham chiến của Nga, đồng thời cũng khẳng định trong cuộc chiến chống IS rất cần sự hỗ trợ của người Nga.

Hợp tác quốc tế trên quy mô toàn cầu là điều đã được trông đợi từ lâu nhưng chưa thành hiện thực. Giờ đây, dưới áp lực của nhu cầu hàn gắn những lỗ hổng an ninh cũng như để đối phó với tính chất xuyên biên giới của các lực lượng khủng bố, cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng vào việc hình thành một liên minh chống khủng bố thực chất trên quy mô toàn cầu. 

Đương nhiên, bước ngoặt nào có được cũng là do những hành động của con người mà ra, và vì thế để có thể nói về sự thay đổi căn bản trong cuộc chiến chống khủng bố thì trước hết mỗi quốc gia, thậm chí là mỗi con người, phải xác định rõ hơn mức độ nguy hiểm của vấn đề khủng bố và sự cần thiết phải có sự hợp tác quốc tế sâu rộng. 

Theo dự đoán của các chuyên gia, lộ trình của cuộc chiến chống IS tại Syria sắp tới sẽ chắc chắn 80% theo lộ trình, ý tưởng của Nga, chứ không phải của Mỹ. Trong năm 2016, IS sẽ bị dồn vào co cụm trong một không gian hẹp hơn, mặc dù chưa bị tiêu diệt hẳn nhưng chắc chắn không thể “tác oai tác quái” giống như trước. Tuy nhiên, khi bị thu hẹp địa bàn tại Trung Đông, IS lại mở mặt trận sang châu Âu và Nga. 

Có một dự đoán rất buồn là trong năm 2016, châu Âu và Nga sẽ phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố nặng nề hơn, đẫm máu hơn nhiều lần so với trước đây. Cũng có khả năng IS sẽ tổ chức các hoạt động khủng bố tại các nước ASEAN trong năm 2016. Còn vấn đề Syria, trong năm 2016, về cơ bản có lẽ sẽ được giải quyết bằng giải pháp quân sự, tuy nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian để quốc gia Trung Đông này ổn định.

Khổng Hà
.
.
.