COVID-19: Lòng tin và sự chống kỳ thị
- Chống dịch COVID-19 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
- Số ca nhiễm, tử vong do Covid-19 tại Hồ Bắc giảm nhẹ
Vào thời điểm hiện nay, các nhà lãnh đạo chính trị đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch này. Họ đang bị “giằng xé” giữa một bên là mong muốn xây dựng hình ảnh quyết đoán với một bên là việc áp dụng các biện pháp căn cứ trên nền tảng khoa học và cần tới các hình thức giải đáp thận trọng cho toàn bộ công luận luôn đầy hoài nghi.
Ví dụ, chính phủ một số quốc gia như Ấn Độ, Nigeria, Nhật Bản và Mỹ đã ra quy định kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả các hành khách xuống sân bay. Tuy nhiên, những hành khách bị sốt có thể che giấu tình trạng cá nhân bằng việc dùng thuốc hạ sốt.
Hơn thế nữa, các nhà khoa học Trung Quốc đang nghi ngờ COVID-19 có thể ủ bệnh và lây lan tới 24 ngày trước khi người nhiễm virus này thực sự sốt. Vì vậy, Chính phủ Anh đang tập trung các nỗ lực nhằm hướng dẫn các hành khách về các biện pháp cần làm nếu phát hiện bản thân có những triệu chứng lạ sau khi rời sân bay.
Nghiêm trọng hơn, ngày 31-1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh tạm thời với các công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó, trừ khi họ là họ hàng trực tiếp với công dân Mỹ hoặc định cư tại quốc gia này. Nhiều nước khác cũng áp dụng các biện pháp tương tự, song ảnh hưởng của nó có thể đi ngược lại mục đích ban đầu mà các quốc gia này nhắm đến.
Việc từ chối tiếp nhận các công dân Trung Quốc có vẻ như là một biện pháp chính đáng. Tuy nhiên, các động thái đơn phương và không đi cùng các nỗ lực xây dựng lòng tin với các chính phủ khác, dễ khiến các quốc gia - đặc biệt là những nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc - không thông báo khi dịch bệnh lây lan do lo ngại cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự Trung Quốc và hứng chịu những hệ quả kinh tế nặng nề.
Nguyên tắc vàng trong phòng chống dịch bệnh là khích lệ các quốc gia bị ảnh hưởng cung cấp đầy đủ và nhanh chóng thông tin về các trường hợp phơi nhiễm. Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhanh chóng xác định được virus Corona chủng mới (nCoV), và sau khi được cộng đồng quốc tế hối thúc, họ đã chia sẻ trình tự gene của loại virus này cùng một số chủng mới khác của virus Corona, khích lệ sự hợp tác trên quy mô toàn cầu trong cuộc chạy đua điều chế vaccin.
Với những hành động này, Trung Quốc đã tuân thủ đúng các nguyên tắc quốc tế vốn nhằm mục đích đảm bảo các quốc gia cùng phối hợp để chống lại dịch bệnh, thay vì tự hại mình hoặc ảnh hưởng tới các quốc gia khác bằng các biện pháp phòng hộ đơn phương.
Chỉ có sự phối hợp và đồng bộ giữa các chính phủ, cùng sự tin tưởng và đồng thuận từ người dân mới đủ sức xử lý đại dịch COVID-19. |
Tiếp đó là vấn đề thông tin. Thông tin chính xác và đáng tin cậy là yếu tố trọng yếu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trên hầu hết thế giới, người dân lại không mấy tin tưởng các chính trị gia, vì vậy có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội hoặc các nguồn khác.
Các nền tảng này hoàn toàn có thể là công cụ đăng tải các thông tin nhanh nhạy và minh bạch, là điều mà giới chức không nên tìm cách trấn áp hay hạn chế - một sai lầm của giới chức Vũ Hán khi đe dọa những y bác sỹ đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là mảnh đất màu mỡ cho tin giả và các đồn đoán đe dọa tới sức khỏe cộng đồng.
WHO cần nhanh chóng đưa ra các thông tin chính thức để phản bác ý kiến nói rằng việc súc miệng, xịt mũi và dùng dầu mè có thể giúp con người tránh bị nhiễm COVID-19. Một tin tích cực là thông báo về việc WHO đang phối hợp với các doanh nghiệp truyền thông xã hội để đảm bảo các thông tin chính thống sẽ xuất hiện đầu tiên khi người dùng mạng tìm kiếm nguồn tin về virus Corona.
WHO cũng đang cùng các doanh nghiệp thực hiện việc dán nhãn cảnh cáo đối với các bài đăng kích động thuyết âm mưu hay các đồn đoán sai lệch, hoặc xóa bỏ những bài viết tiêu cực, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Các chính trị gia có trách nhiệm cần phải ủng hộ những nỗ lực này.
Cùng với đó, các chính trị gia và các doanh nghiệp truyền thông xã hội phải mạnh mẽ chống lại làn sóng phân biệt đối xử, điều rất dễ nảy sinh khi dịch bệnh bùng phát. Đã có rất nhiều thông tin về tình trạng bài xích, cô lập nhằm vào người Đông Á từ khi COVID-19 lây lan. Điều này sẽ càng khiến việc đương đầu với đại dịch trở nên khó khăn hơn bởi nguy cơ những người bị lây nhiễm sẽ tránh né việc tới các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe.
Quan trọng hơn cả, cuộc chiến chống COVID-19 đòi hỏi những người bị lây nhiễm phải có lòng tin vào giới chức, và thành thật chia sẻ thông tin về những người mà họ đã tiếp xúc, để từ đó thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp. Đây là điều khó diễn ra trong bầu không khí nhạo báng và phân biệt đối xử.
Do đó, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, vì đó là chìa khóa của thành công. Các chính phủ cần phải đảm bảo các nguồn lực từ trước khi dịch bệnh bùng phát, đảm bảo cơ cấu chỉ đạo trong trường hợp xảy ra tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu. Tin tốt là nhiều chính phủ đã có sự chuẩn bị nghiêm túc sau nhiều đợt bùng phát các đại dịch như SARS, H1N1, MERS, Ebola, và Zika.
Lấy ví dụ, sau cuộc khủng hoảng Ebola năm 2014, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã thành lập ban chỉ đạo về an ninh sức khỏe toàn cầu và các mối đe dọa sinh học tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng xây dựng hệ thống nhằm phối hợp các tổ chức quốc tế, quốc gia, khu vực và địa phương, cả trong khu vực công và tư nhân, nhằm đương đầu với các đại dịch toàn cầu. Hệ thống này nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nha lãnh đạo Mỹ.
Trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục lây lan, dư luận cần đặt niềm tin vào hợp tác quốc tế giữa các chính phủ. Tuy nhiên, áp lực ngày càng gia tăng đối với các nhà lãnh đạo có xu hướng đẩy họ tới chỗ lựa chọn các biện pháp mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa và ngắn hạn, những biện pháp không đem lại nhiều hiệu quả và thậm chí còn có thể phản tác dụng.